Nhiều biện pháp bảo tồn, nâng cao chất lượng dân số các dân tộc rất ít người

07/06/2021 07:23
Phụ nữ và trẻ em người dân tộc Si La

Phụ nữ và trẻ em người dân tộc Si La

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người cả về số lượng và chất lượng như: Giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc…

Khái niệm "Dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại khoản 5, điều 4, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, bao gồm các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người. Như vậy, theo thực trạng điều tra dân số năm 2019, dân tộc thiểu số rất ít người gồm 14 dân tộc nằm rải rác tại các vùng miền núi trên cả nước.

Nhiều dân tộc không tới 1 nghìn người

Đối với nhóm dân tộc dưới 1 nghìn người có thể kể đến là dân tộc Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Brâu. Chiếm vị trí đầu tiên là dân tộc Ơ Đu sinh sống ở tỉnh Nghệ An chỉ có 428 người với 112 hộ. Tỷ lệ tảo hôn 19,9% và tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 56,7%. Các chỉ số bảo tồn văn hóa của dân tộc này đáng báo động với 0,3% người dân tộc biết hát bài hát truyền thống và 1,1% biết sử dụng nhạc cụ truyền thống.

Dân tộc ít người và những biện pháp bảo tồn  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dân tộc Si La ở Lai Châu với 909 người, tỷ lệ hộ nghèo là 34,4%, hộ cận nghèo 3,4%. Dân tộc Pu Péo có 903 người sinh sống chủ yếu ở Hà Giang với tỷ lệ hộ nghèo là 12,1%, hộ cận nghèo 14,3%. Dân tộc Brâu có 525 người sinh sống chủ yếu ở Kon Tum, tỷ lệ hộ nghèo là 6,1%, hộ cận nghèo 7,9%;

Ngoài ra, các dân tộc thiểu số có trên 1 nghìn người là dân tộc Ngái, phân bổ ở các tỉnh Kon Tum, Thái Nguyên, Bình Thuận. Dân tộc Lự, Mảng ở Lai Châu; dân tộc Chứt ở Quảng Bình; dân tộc Bố Y ở Lào Cai, Hà Giang… dao động từ trên 1 nghìn đến 7 nghìn người.

Hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người cả về số lượng và chất lượng, nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc… là những mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đang tiếp tục thực hiện bằng nhiều giải pháp.

Nhiều biện pháp bảo tồn các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc Mảng

Theo bà Phạm Thị Thúy Hà - Phó Vụ trưởng Vụ địa phương I - Ủy ban Dân tộc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện giải pháp trên. Trong đó, Ủy ban Dân tộc Việt Nam được giao 2 nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025"; Thực hiện Chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030".

Cần thực hiện các giải pháp toàn diện

Tiếp cận các dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản; giáo dục nâng cao hiểu biết cho đồng bào dân tộc ít người; xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số đối với các dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn… là những biện pháp thiết thực mà Chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 – 2030" đưa ra.

Về tiếp cận dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm bình quân từ 3 - 5%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết; 55% thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm phát hiện các bệnh về truyền nhiễm, HIV; Phấn đấu giảm không còn phụ nữ sinh con tại nhà, khám quản lý thai nghén và được chăm sóc y tế; giảm 50% tỷ số tử vong mẹ; giảm 5% tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi; Tối thiểu có 70% bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 70% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bà mẹ mang thai và trẻ em. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn dưới 15%.

Dân tộc ít người và những biện pháp bảo tồn  - Ảnh 2.

Hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người cả về số lượng và chất lượng, nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em

Về giáo dục, mục tiêu nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số rất ít người độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ đạt 99%; có 95% số người biết chữ tiếp tục tham gia học tập để crng cố vững chắc kết quả biết chữ; 70% người lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của dân tộc thiểu số rất ít người.

Về các giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên, bà Phạm Thị Thúy Hà cho biết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về dân số, kế hoạch hóa gia đình qua công tác truyền thông. Cùng với đó là xây dựng các sản phẩm truyền thông, nâng cao năng lực mạng lưới cộng tác viên, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người; Tổ chức đánh giá chất lượng dân số dân tộc thiểu số rất ít người, tham quan học tập, xây dựng mô hình truyền thông trực tiếp tới người dân; Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh bằng hình thức phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích, các mô hình thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp học xóa mù chữ, đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với các nhóm đối tượng, phổ cập kiến thức, duy trì tỷ lệ biết chữ, đọc thông, viết thạo; Xây dựng chương trình, tài liệu học tập phù hợp với các nhóm đối tượng; Tăng cường giáo viên chuyên trách và tổ chức lớp xóa mù chữ cho các xã, thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; lựa chọn cán bộ, giáo viên, người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn... là người dân tộc thiểu số hoặc những người am hiểu văn hóa, thông thạo ngôn ngữ của dân tộc thiểu số rất ít người…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.