Những cuốc xe đặc biệt ở “xóm chạy thận”

14/09/2023 07:52
Bà Mai Thị Hường trên đường chở một bệnh nhân suy thận đến bệnh viện lọc máu

Bà Mai Thị Hường trên đường chở một bệnh nhân suy thận đến bệnh viện lọc máu

Chứng kiến nỗi vất vả của những người đồng cảnh ngộ với chồng mình, nhiều năm qua, bà Mai Thị Hường (56 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn giúp những người bệnh ở “xóm chạy thận” đi chợ, dọn dẹp, đồng thời kiêm cả “xe ôm” đưa đón họ mỗi lần đến kỳ lọc máu.

Trở thành "xe ôm" bất đắc dĩ

Bà Hường sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất miền Trung đầy nắng gió đã hun đúc cho bà một ý chí vững vàng. Chẳng thế mà một mình bà đã gồng gánh gần 20 năm chăm chồng mắc bệnh suy thận phải điều trị tại Thủ đô. 

Bà Hường và ông Nhữ Đình Mây (65 tuổi) quen biết nhau rồi đi đến hôn nhân. Cuộc sống không đủ đầy nhưng ông bà vẫn luôn yêu thương, lấy đối phương là động lực để phấn đấu. Bệnh tật ập đến khiến ông Mây phải rời quê hương, chuyển đến sinh sống tại khu vực gần Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiện điều trị. Thương chồng, bà Hường nhất mực muốn đi theo để tiện chăm sóc chồng. 

"Đưa ông ấy lên Hà Nội được một thời gian thì ông ấy nói với tôi rằng: "Anh giờ còn mẹ già ở nhà một mình nên không an lòng. Em cứ yên tâm để anh lại đây rồi về quê, thay anh chăm sóc mẹ". Dù không muốn nhưng tôi đành nghe theo ý chồng", bà Hường tâm sự.

Năm 2015, bà cụ chuyển bệnh nặng rồi qua đời. Khi mẹ chồng đã "mồ yên, mả đẹp", bà Hường từ biệt họ hàng, làng xóm lên Hà Nội để tiện chăm sóc chồng. Hai người sinh sống tại "xóm chạy thận" ở số 121 phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến tận bây giờ.

Những cuốc xe đặc biệt ở “xóm chạy thận”
 - Ảnh 1.

Bà Mai Thị Hường. Ảnh: Văn Duẩn

Trong khu vợ chồng bà Hường sinh sống, chỉ có mình bà là người khỏe mạnh nên khi thấy người bệnh có sức khỏe yếu, bà sẵn lòng giúp đỡ họ. Để tiện đi lại, bà Hường nhờ người chuyển chiếc xe máy cũ của gia đình lên. Cũng từ đây, người phụ nữ này trở thành "xe ôm" bất đắc dĩ, đưa đón những bệnh nhân mắc bệnh suy thận như chồng mình. 

"Bệnh tật khiến sức khỏe của họ bị giảm sút ghê lắm. Nhiều người không thể đi ra được bệnh viện. Sáng sớm hay đêm tối nếu có gọi xe ôm người ta cũng từ chối vì quãng đường ngắn quá, chỉ vài trăm mét. Hai năm dịch Covid-19 bùng phát, không ai nhận chở bệnh nhân đi chạy thận được. Chứng kiến cảnh đó nên tôi đã dùng chính chiếc xe máy của gia đình để chở họ đi", bà Hường chia sẻ.

Với những bệnh nhân, ban đầu, bà Hường đều nhận chở miễn phí. Sau này, nhiều người đòi trả tiền nên bà đành lấy một con số tượng trưng để người bệnh đỡ ái ngại. Cụ thể, với khách quen, mỗi tháng bà Hường lấy khoảng 100.000 đồng. Khách đi theo lượt được bà lấy đồng giá 10.000 đồng. Với những hoàn cảnh khó khăn, bà nhất mực không lấy tiền.

Chị Nguyễn Thị Trang bị suy thận nặng, sức khỏe yếu khi thì nhờ bà đi mua hộ mớ rau, con cá, khi thì nhờ bà đi mua thuốc nhưng chưa bao giờ bà Hường nhận một đồng tiền công vì bà biết ở cái xóm trọ này, Trang là trường hợp tận cùng khổ rồi. Những lúc rảnh việc, bà lại sang động viên, tâm sự để Trang bớt căng thẳng, tập trung điều trị thật tốt.

"Máy điện thoại của tôi không lúc nào hết pin, tắt chuông"

Nhớ lại những năm tháng đã qua, bà Hường cho biết, không ít lần bà chở những cuốc xe vô cùng đặc biệt. Do đặc thù là nơi cư ngụ của những người bệnh nên việc giữa đêm nhận được những cuộc gọi bất thường, vào viện gấp gáp với bà Hường là chuyện không hiếm. Một lần, vào nửa đêm, bà Hường nhận được cuộc gọi của một cô gái trẻ gặp biến chứng tiểu đường.

Những cuốc xe đặc biệt ở “xóm chạy thận”
 - Ảnh 2.

“Xóm chạy thận” nơi vợ chồng bà Hường đang sinh sống

 Khi sang tới nơi, bà Hường thấy cô đã tím tái cả người, thở khó khăn và không thể tự ngồi vững sau yên xe được. Để có thể đưa cô vào bệnh viện, bà phải chằng một chiếc cáng gỗ lớn rồi đặt cô gái đó lên, buộc chặt rồi vội vã nổ xe chạy về phía đường Phương Mai.

"Bà ấy bảo, số điện thoại của tôi ông cũng có rồi, máy tôi không lúc nào hết pin, tắt chuông nên ông mà có bị làm sao ông cứ gọi, bất cứ lúc nào. Nhỡ có chuyện gì thì ai lo cho", ông Dương Đình Nguyên (quê quán tại tỉnh Phú Thọ) nhớ lại một lần bị bà Hường "dằn mặt" khi ông tỏ ra ái ngại vì bà không chịu nhận tiền công chở.

Nhiệt tình với mọi người là thế nhưng theo một số bệnh nhân đang sinh sống tại "xóm chạy thận", bà Hường rất ngại nhờ vả mọi người trong xóm. Được hỏi lý do, bà Hường chỉ cười bảo, mình là người khỏe nhất xóm mà lại đi nhờ người đang mang bệnh có mà họ cười cho.

Ông Mây đổ bệnh nhiều năm nên vợ chồng bà không có con. "Ông nhà tôi cũng yếu lắm rồi. Tôi vẫn cứ động viên ông ấy chữa trị nhưng nếu một ngày nào đó ông ấy ra đi thì tôi cũng chỉ còn lại một mình", bà Hường chua chát nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn