Những điểm tích cực của Phật giáo trong việc duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc

13/05/2023 11:11
Đối với các thành viên trong gia đình Phật tử, vai trò hay giá trị của Phật giáo còn hướng các thành viên sống theo tinh thần Lục hòa. Ảnh minh họa

Đối với các thành viên trong gia đình Phật tử, vai trò hay giá trị của Phật giáo còn hướng các thành viên sống theo tinh thần Lục hòa. Ảnh minh họa

Các tôn giáo đóng vai trò không nhỏ trong việc duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc.

Đề tài nghiên cứu "Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay" do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện cho thấy người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, các thiết chế xã hội khác cũng đóng một phần quan trọng giúp củng cố, duy trì và trên một phương diện nào đó là kiến tạo nên những hệ giá trị cho gia đình Việt Nam. Các tôn giáo, qua những quy định, giáo lý, tín lý của mình luôn nhắc nhở các tín đồ của nó với tư cách là một thành viên trong gia đình (là người con, người cha, người mẹ, người vợ, người chồng,…) thực hiện bổn phận, vai trò của mình.

Quy định này một mặt điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong gia đình, mặt khác góp phần xây dựng gia đình Việt Nam bền vững, hạnh phúc, từ đó góp phần hình thành nên hệ giá trị gia đình Việt Nam. Một gia đình bền vững là gia đình mà ở đó mỗi thành viên của nó thấy được sự quan tâm, chia sẻ; được đảm bảo những nhu cầu về vật chất; các thành viên làm tròn trách nhiệm của mình trong gia đình và có sự tôn trọng lẫn nhau. Có nhiều trường hợp với những gia đình tôn giáo, dù hạnh phúc vợ chồng không được tốt, nhưng do ảnh hưởng từ triết lý, giới răn hay giới luật tôn giáo mà họ vẫn tìm được những điểm chung để duy trì gia đình, tránh tình trạng ly hôn, con cái bị chia cắt,… Nhìn chung, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ nền tảng, có khả năng liên kết chặt chẽ hay lỏng lẻo tất cả các thành viên trong gia đình.

Trong xu hướng hiện nay, vị trí, vai trò của người vợ, người phụ nữ trong gia đình dần dần bình đẳng hơn với người chồng, và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Song, nhiều gia đình vẫn duy trì quyền lực thuộc về người chồng và thường dẫn đến hệ quả người vợ bị đối xử thô bạo bởi người chồng, dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình.

Ngược lại, cũng có thể thấy, xu hướng bình đẳng khiến cho nhiều người vợ, phụ nữ trở nên kiêu căng hay thiếu thủy chung,… tất cả không đảm bảo cho gia đình hạnh phúc, duy trì tính bền vững.

Với Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá trình hoằng pháp đã nhiều lần đưa ra lời khuyên răn về ứng xử trong gia đình cho tín đồ tại gia. Khái quát nhất, đối với tín đồ Phật giáo nói chung, Đức Phật luôn khuyến khích tín đồ duy trì đời sống phạm hạnh, đạo đức nhằm có được sự giác ngộ, giải thoát.

Đối với tín đồ Phật giáo tại gia, Đức Phật luôn khuyến khích họ tuân thủ những giới răn - Ngũ giới và thực hành làm những việc thiện lành - Thập thiện.

Có thể thấy, trong những gia đình Phật tử thuần thành, không chỉ tư tưởng từ bi hỷ xả mà còn là những giới răn, thực hành thiện nghiệp luôn hiện diện, phổ biến trong những gia đình này và cộng đồng ưu chuộng Phật giáo.

Tư tưởng, giáo lý Phật giáo luôn khuyên nhủ con người làm việc thiện, tránh xa việc ác, có trách nhiệm với hành động của mình: "Làm dữ ở nơi ta mà ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được".

Tinh thần bình đẳng nhưng gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và cao hơn cả là tinh thần từ bi, tha thứ, hiếu thảo, sẻ chia,… là bí quyết duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc

Đối với các thành viên trong gia đình Phật tử, vai trò hay giá trị của Phật giáo còn hướng các thành viên sống theo tinh thần Lục hòa. Cụ thể hơn là trong kinh Giáo thọ Thi ca la việt cho biết Đức Phật không chỉ giảng giải cho Thi Ca La Việt về nghi lễ mà còn là cách ứng xử trong gia đình, với cha mẹ, với vợ con với bạn bè, thầy cô và cả những người giúp việc và ngược lại, cha mẹ ứng xử với con cháu, vợ con ứng xử với ông bà, với thầy trò, người giúp việc,…

Có thể nói, với bộ kinh này đã cho thấy rõ vai trò của Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến gia đình Phật tử. Trước hết là thể hiện tinh thần bình đẳng giữa con người với con người, đồng thời còn là nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong gia đình. Như thế, các giá trị và vai trò của Phật giáo có nhiều điểm tích cực, phù hợp với việc duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc trong bối cảnh Việt Nam đương đại.

Tinh thần bình đẳng nhưng gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và cao hơn cả là tinh thần từ bi, tha thứ, hiếu thảo, sẻ chia,… là bí quyết duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc. Bởi hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm của bản thân trong gia đình cũng là hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, vì mỗi gia đình là một tế bào xã hội.

* Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và nhà nước ta đã xác định cần phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bởi, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Đây là quan điểm, nội dung tiêu biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 24 tháng 11 năm 2021 để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việc khơi dậy và phát huy vai trò tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc là cần thiết. Trong đó có gia đình, bởi "gia đình là tế bào của xã hội, là một thiết chế xã hội trong cơ cấu của xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội". Vì thế, vai trò của các tôn giáo với việc duy trì gia đình ổn định, bền vững, hạnh phúc là quan trọng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, môi trường gia đình là quan trọng để một con người sinh học dần phát triển thành một con người xã hội. Mỗi cá nhân khi sinh ra và lớn lên đều chịu ảnh hưởng giáo dưỡng từ môi trường gia đình và dần dần hình thành nhân cách, đạo đức, lối ứng xử giữa các thành viên trong gia đình theo những "quy ước" nhất định, rồi dần dần hòa nhập ở cộng đồng xã hội.

Gia đình là nhân tố đầu tiên và ảnh hưởng mạnh nhất đến sự xã hội hóa của mỗi cá nhân. Con người được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và quan trọng hơn là được học những bài học đầu tiên về xã hội từ cuộc sống gia đình. Như thế, môi trường gia đình là nhân tố đầu tiên để duy trì hạnh phúc gia đình, duy trì gia đình bền vững. Nhất là đối với những gia đình tôn giáo, ảnh hưởng thế giới quan và nhân sinh quan của tôn giáo có vai trò quan trọng duy trì gia đình bền vững.

Nguồn: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn