Những điều đặc biệt ý nghĩa về đền thờ Hai Bà Trưng

Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), còn gọi là Miếu Hát thờ hai Bà Trưng, là một trong ba ngôi đền thờ hai Bà Trưng lớn nhất và lâu đời nhất trong rất nhiều đền thờ Hai Bà Trưng ở nước ta.

Theo di tích lịch sử thì Đền Hát Môn thờ hai Bà Trưng có những điều đặc biệt ý nghĩa khác với hai di tích ở Mê Linh và Đồng Nhân. Đền thờ ở Mê Linh là nơi sinh ra và đóng đô của Hai Bà.

Còn Đền thờ ở Đồng Nhân, theo thần tích vào thời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142) có pho tượng đá nổi trên dòng Nhị Hà, tỏa sáng cả một đoạn sông. Vua Anh Tông biết chuyện sai người ra đón rước nhưng không được.

Theo ý các bô lão, người ta phải lấy vải đỏ buộc vào tượng làm lễ rước vào. Tương truyền, pho tượng đá ấy chính là linh khí của Hai Bà Trưng hóa thành sau khi tuẫn tiết trên sông Hát. Vua cho dựng đền thờ Hai Bà Trưng ở ngay khu đất bãi sông làng Đồng Nhân. Như vậy, đền Hát Môn được coi là Thánh tích, còn đền ở Đồng Nhân được coi là hiển tích.

Có thể nói đền Hát Môn là nơi gắn liền với sự nghiệp của Hai Bà Trưng từ lúc bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ tàn bạo của nhà Đông Hán, cho đến khi kết thúc cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Tại vùng đất Hát Môn này chính là nơi Hai Bà Trưng phất cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt 4 phương, nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa, đánh đuổi giặc ngoại xâm, vào mùa xuân năm 40 Công nguyên. Tại đây, Hai Bà đã lập đàn và đọc lời tuyên thề trước khi xuất quân.

Sau khi chiến thắng, thu lại non sông gồm 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó, bụi chinh chiến còn vương áo bào, Hai Bà hội quân ở Hát Môn chuẩn bị nghi vệ, voi, ngựa, tàn quạt và cả việc tắm gội sạch sẽ để lên ngôi Vương. Bà Trưng Trắc được suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh.

Dòng sông Hát nơi đây cũng là nơi đã chứng kiến hành động gieo mình xuống sông tuẫn tiết rất anh hùng quả cảm, ý chí quật cường không chịu khuất phục giặc ngoại xâm của Hai Bà đã đi vào cõi bất tử. Vì vậy đền Hát Môn được coi là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn đặc biệt, có giá trị lịch sử nhất về Hai Bà Trưng.

Đền Hát Môn tọa lạc trên một khu đất có thế "long chầu, hổ phục", đền quay hướng Tây Nam, phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Tương truyền đền Hát Môn được nhân dân nơi đây lập ngay sau khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông tuẫn tiết, ban đầu ngôi đền được dựng bằng tranh, tre, nứa, mái lợp lá. Trải qua nhiều Triều đại đã được xây dựng, trùng tu nhiều lần và ngôi đền hiện có diện mạo như ngày nay.

Những điều đặc biệt ý nghĩa về đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 1.

Cổng Tam Quan đền Hát Môn.

Di tích đền Hát Môn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo, gồm các công trình kiến trúc chính: Quán Tiên, Miếu Tạm Ngự, Nghi môn, nhà Phương đình, đàn Thề, cổng Tam quan, Tiền tế, Đại bái, Hậu Cung, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định...

Đền Hát Môn còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị về văn hóa, lịch sử với nhiều đồ thờ cúng được làm từ các chất liệu rất phong phú như: Gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại... có niên đại rất lâu đời, mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay.

Trong hậu cung có tượng và bài vị của Hai Bà từ ngày lập đền thờ. Có một điều rất đặc biệt trong đền thờ, tất cả các đồ thờ cúng đều sơn màu đen, tuyệt đối không sơn màu đỏ. Bởi theo quan niệm người xưa để lại, Hai Bà đã hy sinh vì binh đao, máu của Hai Bà và tướng, sĩ ba quân đã đổ xuống tô thắm non sông gấm vóc, nên đồ thờ kiêng kị màu đỏ.

Những điều đặc biệt ý nghĩa về đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 2.

Đàn Thề đền Hát Môn.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Hai Bà, hàng năm nhân dân xã Hát Môn đều tổ chức trọng lễ, dâng hương Hai Bà vào các ngày: Mùng 6 tháng 3, ngày Hai Bà tuẫn tiết; Ngày 4 tháng 9, ngày Hai Bà phất cờ khởi nghĩa; Ngày 24 tháng Chạp, ngày Hai Bà xưng Vương.

Đặc biệt những người tham gia tế lễ, dự hội không được mặc trang phục màu đỏ. Các đồ thờ cúng đều gắn liền với thánh tích Hai Bà với hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước, hai lư hương. Khi tiến hành đại lễ cũng có hai chủ tế, hai người đọc chúc văn để nói lên công lao của Hai Bà. Nét độc đáo này chỉ có ở lễ hội đền Hát Môn.

Trong đó ngày 6 tháng 3 là ngày lễ tưởng niệm được tổ chức long trọng nhất, lễ vật cúng dâng rất độc đáo, đó là bánh trôi nước. Theo tương truyền gắn liền với điển tích, sau khi nghĩa quân thất thủ, Hai Bà trở về Hát Môn và dừng chân ở quán bánh trôi ven đê, Hai Bà đã ăn mỗi người một đĩa bánh trôi nước, trước khi gieo mình xuống sông Hát Môn tuẫn tiết. Lúc ấy là vào buổi sáng ngày 6 tháng 3 năm 43 Quý Mão. Dấu tích quán bánh trôi năm xưa, giờ đây đã được người dân địa phương xây thành một ngôi đền nhỏ, gần lối rẽ vào đền thờ Hát Môn, gọi là Quán tiên.

Những điều đặc biệt ý nghĩa về đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 3.

Hình ảnh tưởng niệm đánh giặc ngoại xâm do Hai Bà Trưng lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, tuy chỉ đem lại nền độc lập cho đất nước trong gần ba năm ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử oanh liệt của nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống lại ách đô hộ thống trị của giặc ngoại xâm, là biểu tượng cho khí phách quật cường và viết nên trang sử vàng cho dân tộc Việt Nam.

Những điều đặc biệt ý nghĩa về đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 4.

Chi hội phụ nữ cụm dân cư 3, Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội đến tham quan, dâng hương tại đền thờ Hát Môn.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Chi hội Phụ nữ cụm 3 khu dân cư Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), đã tổ chức đi tham quan đền Hát Môn, để tưởng nhớ công đức lớn lao của hai nữ Trưng Vương anh hùng đã để lại cho các thế hệ mai sau một tinh thần bất diệt trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Ở đó luôn có hình ảnh của người Phụ nữ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc và đất nước, xứng đáng là dòng dõi kế tục truyền thống anh hùng của Hai Bà Trưng.

Dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn và mãi tự hào về Hai Bà Trưng, Nữ Vương anh hùng của dân tộc.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.