Những giáo viên nuôi dưỡng tình yêu tiếng Anh cho học trò vùng cao

13/05/2023 09:00
"Tiết học không biên giới" của cô giáo Trần Thị Mai Khanh

"Tiết học không biên giới" của cô giáo Trần Thị Mai Khanh

Dành rất nhiều tâm huyết, sự sáng tạo trong việc dạy học, họ là những giáo viên đã nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số.

Thắp sáng ngọn lửa tình yêu tiếng Anh đến học trò vùng cao, phải kể đến cô giáo Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ). Nhờ có cô, nhiều học sinh miền núi, từ việc sợ tiếng Anh, đã chinh phục và sử dụng thành thạo ngôn ngữ này. Nhiều cơ hội về học tập đã mở ra với các em.

Những giáo viên nuôi dưỡng tình yêu tiếng Anh cho học trò vùng cao - Ảnh 1.

Cô giáo Hà Ánh Phượng kết nối học sinh dân tộc thiểu số với thế giới

Cô Phượng cho biết, với những học sinh ở miền xuôi hay thành phố thì môn tiếng Anh đã là môn học khó. Thế nên, với những học sinh là người dân tộc thiểu số thì sự khó khăn tăng lên gấp nhiều lần. Phát âm tiếng Anh của các em chưa rõ ràng, trình độ năng lực và học tập của các em còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, các em còn rụt rè, e ngại trong giao tiếp…

Để học sinh không thấy Tiếng Anh là sợ, cô Phượng không dạy học như hình thức truyền thống. Cô đổi mới sáng tạo phương thức dạy học để khiến học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ Tiếng Anh. Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh của cô Phượng sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới.

Biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chứ không chỉ là môn học, cô Phượng đã khiến học sinh vùng cao hoàn toàn tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè quốc tế. Những tiết học Tiếng Anh của cô Phượng không còn nhàm chán và đáng ngại mà hết sức hấp dẫn. Học sinh của cô được phát triển cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Cô Phượng cho biết, để nuôi dưỡng niềm đam mê với môn tiếng Anh cho học trò, bí quyết của cô là tận dụng mọi cơ hội để các em được tiếp cận với ngoại ngữ này. "Cách học tiếng Anh của tôi rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay, một tài khoản skype và tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu cùng với một đường truyền internet ổn định là có thể kết nối với hàng nghìn giáo viên, học sinh trên toàn thế giới. Sau một năm học theo mô hình này, học sinh của tôi đã không còn rụt rè mà đã tự tin giao tiếp với những người bạn nước ngoài. Những tiết học tiếng Anh hiệu quả, học sinh được trải nghiệm và du lịch qua màn ảnh nhỏ"- cô Phượng chia sẻ.

Những giáo viên nuôi dưỡng tình yêu tiếng Anh cho học trò vùng cao - Ảnh 2.

CLB tiếng Anh "A Luoi Clever Kids" của cô Nguyễn Thị Thu Hằng

Là giáo viên tiếng Anh ở miền núi, cô Nguyễn Thị Thu Hằng (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế) mong muốn ươm mầm và nuôi dưỡng đam mê học tiếng Anh cho các em từ nhỏ như các bạn ở thành phố. Từ năm 2016, cô Hằng đã nộp đề án xin huyện được phối hợp cùng rất nhiều giáo viên đạt chuẩn cấp 1 để mở CLB tiếng Anh "A Luoi Clever Kids" để tạo môi trường tiếp xúc tiếng Anh tốt nhất cho các em thiếu nhi.

Tham gia CLB tiếng Anh, các em đã rất hào hứng vì có thể giao tiếp cơ bản và tự nhiên. Cô Hằng cho biết, trẻ rất hứng thú với việc tiếp cận tiếng Anh qua bài hát, xem phim đóng vai và tạo hình, hoặc vẽ hình theo lời hướng dẫn trên video, clip… Chính việc luyện tập nói nhiều khiến các em được nâng cao khả năng nghe, nói. Nhờ việc tiếp cận tiếng Anh mới mẻ này, nhiều trẻ em miền núi A Lưới đã rất say mê học tiếng Anh. Nhiều em đạt thành tích cao trong các cuộc thi tiếng Anh. 

Theo cô Hằng, với những đứa trẻ, được tham gia các hoạt động tiếng Anh vui nhộn cùng bạn bè chính là cách nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ và năng khiếu ngoại ngữ tốt nhất.

Những giáo viên nuôi dưỡng tình yêu tiếng Anh cho học trò vùng cao - Ảnh 3.

Cô giáo Trần Thị Mai Khanh và những học trò trường Tiểu học Bắc Cường

Hay "Lớp học không biên giới" của cô Trần Thị Mai Khanh, trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), cũng khiến những học trò miền núi thích thú với tiếng Anh. Tiết dạy học Tiếng Anh kết nối mà cô Khanh tổ chức không chỉ tốt cho học sinh trên mọi mặt, mà giáo viên cũng được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức, được tiếp xúc với đồng nghiệp, học sinh nước ngoài, nâng cao kỹ năng nghe nói, thuyết trình, xử lý các vấn đề... Mong muốn lớn nhất của cô Khanh là các em hiểu và thật sự hào hứng với ngoại ngữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.