Những giáo viên “truyền lửa” học cho học trò dân tộc thiểu số

Thầy giáo trẻ Nguyễn Nam vui khi thấy những nụ cười của học trò

Thầy giáo trẻ Nguyễn Nam vui khi thấy những nụ cười của học trò

Nhiều giáo viên sinh ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ hiểu hơn ai hết, muốn thoát nghèo và có tương lai tươi sáng hơn, không cách nào khác là phải học. Có lẽ vì thế dù khó khăn chồng chất, mỗi ngày họ vẫn bền bỉ truyền tình yêu con chữ cho học trò…

Cô giáo Pa Cô 11 năm dạy học trò trên dãy Trường Sơn

A Lưới - vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đại ngàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có "đặc sản" là sương mù và mưa giông, với những con dốc khúc khuỷu, những đoạn đèo quanh co đầy nguy hiểm.

Năm 2011, cầm quyết định trên tay trong niềm sung sướng và hạnh phúc, cô giáo Trương Thị Khánh Hòa (sinh năm 1988) nhận nhiệm vụ công tác tại trường THPT A Lưới, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

"Có những con đường khó đi không phải bởi sạt lở hay mưa lũ mà đôi khi bởi người không nhìn thấy đích đến. Dạy học ở nơi vùng cao A Lưới cũng vậy, nhưng chính những người trẻ như chúng tôi đã làm thay đổi điều đó"- cô giáo Hòa bày tỏ.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất A Lưới và là người dân tộc thiểu số, cô Khánh Hòa hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh nơi đây. Bắt đầu ngày mới không bữa sáng, áo quần lấm lem bùn đất đến trường, khi đông đến chỉ phong phanh chiếc áo mỏng.

"Có lẽ khó khăn nhất trong công tác giảng dạy đó chính là địa bàn cư trú của đa số học sinh ở các xã, các em có hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong mọi hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn. Số học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo còn quá nhiều. Nhiều em phải nghỉ học để đi kiếm tiền phụ giúp gia đình, có em nghỉ học để đi làm ăn xa. Các thầy cô giáo đều hiểu và thương các em, thầy cô cùng các học trò trong lớp đến nhà động viên, nói chuyện với bố mẹ, với các em để các em có thể đến trường. Đi qua bao con suối, nhìn thấy bao nhiêu núi, mới đến nhà các em. Con đường từ nhà đến trường rất xa, nhưng nếu không học cái chữ, thì con đường đi đến ước mơ còn xa hơn nữa" - cô giáo Khánh Hòa chia sẻ về những cái "khó" của giáo viên vùng cao.

Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa đã mạnh dạn tham mưu với cấp trên trong việc giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, nhất là trong đợt dịch Covid-19, nhiều gia đình học sinh vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Đồng thời phát huy tinh thần tình nguyện bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, triển khai có hiệu quả phong trào hành động cách mạng tại trường học.

Cứ thế, nhiều chương trình thiết thực, có ý nghĩa lần lượt ra đời như: "Tiếp sức đến trường", "Triệu túi an sinh", "Mỗi ngày chủ nhật là một sự san sẻ yêu thương"… để giúp đỡ, động viên phần nào cho các em đến trường. Là một cán bộ đoàn nhiệt huyết, cô Hòa luôn suy nghĩ và hành động để tổ chức Đoàn trong nhà trường thực sự là môi trường lý tưởng rèn luyện ý chí lẫn kỹ năng cho Đoàn viên thanh niên.

Những giáo viên “truyền lửa” học cho học trò dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa (thứ 2 từ phải sang) nhiệt tình trong công tác Đoàn

Vốn là người đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu rằng học sinh ở đây nhiều em kĩ năng sống còn thiếu, các em còn rụt rè, hay mặc cảm. Chính vì thế, cô giáo Khánh Hòa cùng các tổ chức Đoàn, Hội trong trường mạnh dạn tổ chức các cuộc thi, các hoạt động, các buổi sinh hoạt Chi đoàn để giúp các bạn học sinh hòa nhập, tiến bộ, sống có ích và biết yêu thương, san sẻ.

"Tôi luôn muốn truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các em học sinh trong trường, nhất là các em học sinh dân tộc thiểu số. Định hướng, nhen lên ngọn lửa cho các em, để các em mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn của chính mình. Có nhiều đêm cô trò cùng thức trắng, bát mì tôm úp vội, để hoàn thiện công trình nghiên cứu còn dang dở"- cô Hòa chia sẻ.

Nếu không có lòng quyết tâm, khó khăn sẽ là trở ngại

Sinh ra và lớn lên ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, ngay từ khi còn là học sinh cấp 2 cô Lô Thị Thầm (dân tộc Thái) đã có ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo.

Năm 2016, một năm sau khi tốt nghiệp Khoa Sử-Địa, Trường Đại học Tây Bắc, cô Thầm nộp hồ sơ dự tuyển và được Phòng GD-ĐT huyện Tủa Chùa tuyển dụng, phân công giảng dạy bộ môn Địa lý tại Trường PTDTBT THCS Sín Chải.

Những giáo viên “truyền lửa” học cho học trò dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Cô Thầm cùng học trò tham gia cuộc thi Rung chuông vàng.

"Đây là một ngôi trường hoàn toàn xa lạ đối với tôi, một người chưa từng đặt chân đến Tủa Chùa. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, bằng tình yêu thương con trẻ, tôi đã gắn bó với ngôi Trường PTDTBT THCS Sín Chải từ tháng 12/2016 đến nay, gần 6 năm công tác trong ngành giáo dục bản thân tôi cũng như các thầy cô giáo khác luôn phải đối diện với rất nhiều những khó khăn, vất vả. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt đường đến trường của các em còn gặp nhiều khó khăn. 100% các em học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức còn rất nhiều hạn chế trong khi nhiều phụ huynh lại không mặn mà với những con chữ. Nếu không có lòng quyết tâm, những khó khăn này sẽ là trở ngại lớn đối với tôi và nhiều giáo viên sẽ nản lòng khi lên công tác ở vùng sâu, vùng xa", cô Thầm tâm sự.

Hơn 6 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Tủa Chùa là những chuỗi ngày dài với biết bao câu chuyện đầy xúc động của các em học sinh vùng dân tộc Mông. Nhiều học sinh nhà cách trường quá xa, các em phải đi bộ hơn chục cây số mới tới được trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc có nơi xe máy không đi được.

Ở một số thôn bản thì vẫn chưa có điện, có nơi thì điện thoại không có sóng không thể gọi cho phụ huynh để trao đổi những vấn đề liên quan đến các em được, có những hôm nửa đêm nghe học sinh mình ốm thì lại xuống đưa thuốc, thăm nom các em kịp thời.

Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình, phó mặc hoàn toàn cho giáo viên, cho nhà trường,…

Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như chùn bước ấy, chính sự hồn nhiên, vô tư của các em và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc Mông đã níu cô giáo Thầm gắn bó với nghề.

Những năm công tác tại trường PTDTBT THCS Sín Chải, bản thân tôi không thể nhớ nổi hết những ngày vất vả cùng với Ban giám hiệu nhà trường xuống các thôn bản để tuyên truyền, vận động các em không bỏ học giữa chừng, có những lần đi bản xe bị thủng săm giữa đường phải gửi xe ở nhà dân hay phải lên tận nương để tìm gặp động viên các em đến trường,…

Nhà cách trường gần 100km bắt buộc cô Thầm phải thuê trọ gần trường. Con nhỏ 5 tuổi nhờ ông bà chăm sóc, đợi đến cuối tuần mới về thăm con, chồng lại đi làm xa, "chắc chỉ có những ai đi công tác xa nhà, xa con mới hiểu được cảm giác nhớ gia đình, nhớ con da diết đến nhường nào", cô giáo Thầm chia sẻ.

Tuy nhiên đó không phải lý do để cô Thầm thấy chán nản và chùn bước, bởi lẽ cô nghĩ rằng khi mình yêu thương, chăm sóc, nhiệt tình giảng dạy các em học sinh trên này thì giáo viên dạy cho con mình cũng sẽ như thế. Cũng như nhiều đồng nghiệp của mình, cô Thầm mong học sinh vùng cao sẽ có một tương lai tươi sáng hơn khi được học.

Mong học sinh trở thành người hạnh phúc

Ước mơ trở thành một giáo viên được thầy Nguyễn Nam nuôi trong những ngày tháng tuổi học trò. Khi cầm bằng đại học trong tay, thầy giáo trẻ nhận được quyết định về dạy học tại một ngôi trường THCS, thuộc khu 7 của huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Hồi đó (năm 2013), thầy Nam chưa từng suy nghĩ rằng còn có một nơi như thế trên đời.

Vượt hơn 200km từ nhà lên đến miền Biên giới, nơi công tác của thầy sở hữu tiêu chí 3K: Không điện - Không nước sinh hoạt - Không sóng điện thoại. "Những đoạn đường đất đỏ trơn trượt, những chiều băng rừng trong mưa là khoảng kí ức mà tôi và đồng nghiệp chắc khó lòng quên được" - thầy Nam chia sẻ về hành trình đi làm mỗi ngày của mình.

Những giáo viên “truyền lửa” học cho học trò dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Con đường mà thầy giáo Nguyễn Nam phải vượt qua khi đến với học trò vùng khó

Nghề dạy học đã không dễ dàng, những giáo viên vùng cao còn muôn phần khó khăn hơn. Dù thế nào cũng không được bất mãn, quay lưng với ước mơ vì trên hành trình ấy, người giáo viên không chỉ đi một mình mà còn dắt theo những ước mơ của học sinh.

Những lúc mệt mỏi, nhớ nhà, sự hào sảng và vô cùng đáng mến của người dân tộc Cơ Tu đã tiếp thêm động lực cho thầy giáo trẻ.

"Sau những giờ lên lớp, bản làng và đồng bào đã cho tôi cảm giác gần như là gia đình và người thân. Những bó rau rừng, vóc xôi nếp nóng hổi hay thỉnh thoảng là những buổi quây quần bên bếp lửa Gươl… đã nuôi nóng nhiệt huyết trong tôi và cả tiết trời giá lạnh quanh năm ở vùng biên giới" - thầy Nam nhớ lại những buổi quây quần bên bếp lửa cùng dân bản trong thời tiết rét buốt, lạnh thấu da.

Ý thức được tầm quan trọng của nghệ thuật dạy học không chỉ khơi dậy hứng thú và niềm vui trong hoạt động học tập, kích thích học sinh tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, mà còn dạy các em thành người, dạy những điều hay lẽ phải, rèn luyện kĩ năng sống, giúp các em phát triển toàn diện, thầy Nam không ngừng nỗ lực mỗi ngày.

Đến nay, khi được chuyển công tác về trường PT Dân tộc Nội trú - THCS Tây Giang, thầy Nam vẫn hàng ngày tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp của nghề dạy học. Thầy quan niệm, hạnh phúc của nghề giáo không phải là thấy học sinh của mình trở thành "ông nọ bà kia" mà trở thành "người hạnh phúc".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.