Những nữ thợ tiện tâm huyết ở làng nghề hơn 300 năm tuổi

Chị Nguyễn Thị Dung chú tâm với công việc

Chị Nguyễn Thị Dung chú tâm với công việc

Theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tới làng tiện cổ Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội) vào một ngày đầu tháng tư để gặp những nữ thợ tiện giỏi nghề.

"Thuận vợ thuận chồng..."

Vào đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là cây đa to, tỏa bóng mát một vùng, phía xa là cổng làng cổ kính, hiện lên một khung cảnh bình yên của ngôi làng đã sinh ra Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Đi sâu vào trong làng, tiếng máy cưa, máy tiện kêu râm ran, chúng ta cảm nhận một làng nghề đang hối hả với công việc thường ngày cùng mùi hương của gỗ thoang thoảng khiến những vị khách lần đầu đặt chân đến càng lưu luyến.

Ngồi bên bàn tiện, đang tỉ mẩn xoay khối gỗ hương đá nhỏ để tiện theo ý của mình, chị Lương Thị Lý (49 tuổi) có thâm niên hơn 30 năm trong nghề tiện tâm sự: "Là người con của làng nghề nên tôi biết nghề và tiếp xúc với nghề tiện từ khi còn nhỏ. Ban đầu là phụ giúp bố mẹ lúc rảnh rỗi hay giờ nghỉ học, đến tuổi học cấp 2 thì đã là người thợ biết việc có thể làm cùng với bố mẹ".

Những nữ thợ tiện tâm huyết với nghề ở Nhị Khê - Ảnh 1.

Chị Lương Thị Lý tỉ mẩn với sản phẩm của mình

Theo chị Lý, lúc nhỏ chị ở nhà bố mẹ làm nghề, sau này lấy chồng thì gia đình nhà chồng cũng làm nghề nên cuộc sống hai vợ chồng trẻ gắn liền với những khối gỗ, dụng cụ tiện. Khi ra ở riêng, hai vợ chồng lại mở xưởng tiện nhỏ làm kế sinh nhai nuôi 2 con ăn học thành tài. Các cụ từng bảo "thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn". "Ngày mới lấy nhau, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng luôn đồng thuận, bảo ban nhau làm ăn và yên tâm với nghề truyền thống trong tay nên đến nay, ngoài tay nghề cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn", chị Lý quay sang nhìn chồng một cách trìu mến tâm sự.

Theo anh Nguyễn Hữu Chung, 50 tuổi (chồng chị Lý) - một người làm nghề lâu năm trong làng, ở Nhị Khê có 2 chủng hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, mâm bày, giá nến... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, bánh gỗ, điếu bát, con quay, quả cầu...

Những năm gần đây, tận dụng gỗ vụn, người dân Nhị Khê còn làm các hạt tiện tròn xâu làm mành hoặc gối, vòng đeo tay. Nghề mới này tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương các lứa tuổi từ già đến trẻ. Ngoài ra, người làng Nhị Khê còn phát triển thêm nhiều loại sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người dùng như các loại tượng Phật, tượng muông thú...

Giữ nghề cùng con, cháu

Chị Nguyễn Thị Dung (43 tuổi) là con gái của thứ 4 của nghệ nhân Nguyễn Hữu Trụ, chị có thâm niên hơn 20 năm làm nghề tiện. Chị Dung lấy chồng cùng làng và cũng là một người thợ lành nghề. Hằng ngày, chị vẫn sang nhà bố mẹ để làm cùng xưởng của gia đình và lấy nghề tiện làm công việc mưu sinh cùng chồng nuôi các con ăn học.

"Tôi lấy chồng ở xóm dưới, từ nhỏ tiếp xúc và làm nghề, lại có bố là một nghệ nhân nổi tiếng trong làng, được bố truyền nghề, gia đình có xưởng tiện nên tôi về làm cùng với bố và anh chị trong nhà. Nghề tiện đã cùng anh em tôi khôn lớn và cho chúng tôi có cuộc sống khá hơn nên anh em trong nhà vẫn theo bố giữ nghề, phát triển xưởng tiện của đình ngày lớn mạnh", chị Dung tâm sự.

Là một nghệ nhân có tiếng ở làng tiện Nhị Khê, ông Nguyễn Hữu Trụ (78 tuổi) vẫn còn rất minh mẫn. Khi nói với khách về nghề tiện, mắt ông lại sáng lên. Qua bàn tay tài hoa của ông, các sản phẩm tiện gỗ vẫn chính xác và rất đẹp.

Hằng ngày, ông trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, uốn nắn con cháu các công đoạn quan trọng để tạo nên sản phẩm có hình thức, chất lượng đạt mức cao nhất. Nếu như trước kia, toàn bộ công đoạn làm nghề của địa phương đều phải làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian và công sức thì nay, một số công đoạn được máy móc hỗ trợ để ra đời thêm nhiều sản phẩm mới. Không chỉ có đế đèn, lư hương, bình, bát, điếu... như xưa, giờ đây, làng nghề còn có hơn 200 sản phẩm khác nhau; theo từng năm, mẫu mã cũng tăng nhằm phục vụ thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao…

Những nữ thợ tiện tâm huyết với nghề ở Nhị Khê - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Trụ kiểm tra 1 sản phẩm tiện

"Gia đình chúng tôi nhiều đời làm nghề tiện, sản phẩm hiện tại chủ yếu làm đồ tâm linh, đồ thờ cúng nên cái tâm, cái tình của người thợ tiện luôn được luôn được đề cao. Qua sự trau chuốt, tỉ mẩn để làm nên sản phẩm mà mình cảm thấy ưng ý nhất và đến tay khách hàng, họ cũng hài lòng khi bỏ tiền ra mua về", ông Trụ tâm sự.

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Trụ, nghề tiện gỗ xuất hiện ở Nhị Khê từ hơn 300 năm trước. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây đã làm ra hàng loạt sản phẩm tinh xảo; rất nhiều người đã lập nghiệp thành công tại các phố "Hàng" của Hà Nội vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX. Tương truyền, thời Vua Lê - Chúa Trịnh, một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo đã về Nhị Khê để truyền nghề cho dân làng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.