Niềm vui từ những con chữ giữa núi rừng Đakrông

30/07/2021 11:00
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Nhiều tháng nay, hình ảnh những người phụ nữ mang theo sách vở đến lớp học vào buổi tối không còn xa lạ với người dân miền sơn cước Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Bàn tay chai sần vụng về cầm bút viết

Cứ 7 giờ tối thứ 3,5,7, Chủ nhật hàng tuần, lớp học xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ do Hội LHPN thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) tổ chức được bắt đầu. Dù đường đi khó khăn nhưng chị em vẫn rủ nhau tới lớp để học cái chữ. Hình ảnh các học viên ê a đánh vần, bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút viết từng con chữ, lẩm nhẩm từng phép tính khiến không ít người chứng kiến phải xúc động.

Chị Hồ Thị Hàn (sinh năm 1977), ở khóm A Rồng, chia sẻ, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ chị phải ở nhà phụ giúp bố mẹ lên nương làm rẫy, chăm em nên chị không được đi học. Bình thường phải 7-8 giờ tối chị mới xong việc nhà. Từ ngày có cán bộ Hội, các thầy, cô giáo đến động viên, chị Hàn cố gắng thu xếp công việc gia đình tham gia lớp học đầy đủ. Thế rồi nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo, chị đã dần nhận diện được mặt chữ, ghép các từ đơn giản, tính các phép tính cơ bản.

Cũng như chị Hàn, cứ đến 18h30 các ngày đi học, chị Hồ Thị Nga (sinh năm 1987), ở khóm Khe Xong, cùng các chị em hội viên trong khóm hào hứng tập trung tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khóm Khe Xong để tham gia lớp học. Chỉ sau 8 buổi học, chị Nga cùng các học viên đã có thể đọc, viết được những câu đơn giản. Giờ đây, mỗi lần đến lớp, được nghe thầy cô giáo giảng, được trao đổi với các chị em trong bản, những học viên như chị Nga cảm thấy rất vui.

Niềm vui từ những con chữ giữa núi rừng Đakrông - Ảnh 1.

Các học viên được làm quen với sách vở, giấy bút, phấn, bảng tại tiết học đầu tiên

Dạy chữ kết hợp phổ biến kiến thức, kỹ năng

Được biết, hiện tại lớp học xóa mù chữ do Hội LHPN thị trấn Krông Klang tổ chức có khoảng 25 học viên trong độ tuổi từ 28 đến 68 tuổi, do 4 giáo viên tình nguyện dạy. Căn cứ vào điều kiện thực tế của chị em, Hội LHPN thị trấn Krông Klang đã xây dựng một giáo trình học 30 buổi trong vòng 3 tháng. Để tránh làm ảnh hưởng đến công việc và hoạt động thường ngày của học viên, Hội đã bố trí các buổi học vào khoảng 19 giờ đến 21 giờ các ngày thứ 3,5,7, Chủ nhật hàng tuần.

Thầy giáo Hồ Văn Bằng, giáo viên lớp xóa mù chữ cho biết, "khi Hội đặt vấn đề phối hợp mở lớp xóa mù chữ cho chị em ở Krông Klang, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhìn thấy "học sinh" của mình tiến bộ từng ngày, chúng tôi vô cùng tự hào. Lớp học này không có phương pháp cố định mà tùy vào từng bài học, mong muốn, khả năng tiếp thu của học viên mà chúng tôi truyền đạt kiến thức phù hợp, tất nhiên phải xây dựng kế hoạch học tập", thầy giáo Hồ Văn Bằng cho biết.

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Krông Klang Phan Thị Chung cho biết, hiện nay trên địa bàn thị trấn nói riêng và toàn huyện Đakrông nói chung, tỉ lệ phụ nữ mù chữ khá cao. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chị em, nhất là trong việc tiếp thu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong việc dạy dỗ con cái học hành; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Vì thế, lớp học xóa mù chữ được mở ra nhằm giúp chị em biết đọc, viết, tính toán cơ bản, từ đó nâng cao trình độ của mình.

"Mục tiêu Hội LHPN thị trấn Krông Klang hướng đến là 100% học viên tham gia lớp học đều có thể đọc, viết sau 3 tháng. Thông qua lớp học này, chúng tôi cũng lồng ghép phổ biến thêm kiến thức, kỹ năng trong xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ ở các khu dân cư khác trong thị trấn", chị Phan Thị Chung cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.