Nỗ lực thay đổi thói quen dùng thớt để bảo vệ sức khỏe của người dân

02/07/2023 19:00
Các nhà khoa học phát hiện thớt chứa lượng vi khuẩn gấp 200 lần bồn cầu. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học phát hiện thớt chứa lượng vi khuẩn gấp 200 lần bồn cầu. Ảnh minh họa

Chiếc thớt là một vật dụng không thể thiếu trong gian bếp của các gia đình Việt. Thế nhưng, nguy cơ mang bệnh từ thớt không chỉ từ chất liệu làm thớt kém chất lượng mà đa phần từ thói quen dùng thớt tùy tiện của mỗi người.

Căn bếp của gia đình anh Lò Văn Nghiêm, Thôn Choẻn Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được dọn dẹp rất sạch sẽ gọn gàng. Hai chiếc thớt một chế biến thực phẩm sống, một chế biến thực phẩm chín được vệ sinh, phơi khô, treo lên cao. Anh Nghiêm là một trong những hộ hiếm hoi tại đây thực hiện được việc dùng riêng 2 thớt theo khuyến cáo của y tế địa phương: "Thứ nhất là an toàn thực phẩm, thứ 2 là khách khứa đến biết mình làm dịch vụ như thế nào, người ta nhìn bếp núc có sạch sẽ hay không, thực phẩm tươi không... Thớt không để lâu, không có mùn. Kể cả dao cũng để riêng."

Do gia đình làm homestay, để tạo ấn tượng tốt và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách nên anh Nghiêm luôn xem trọng những chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng đối với những hộ dân khác ở xã Y Tý như anh Phà Thó Xe, thôn Lao Chải, thì việc dùng thớt thế nào chỉ là câu chuyện nghe rồi để đấy: "Có hai cái nhưng thường dùng một cái, lúc sống dùng rồi xong rửa sạch đi xong rồi cũng hơ khô lại dùng tiếp. Dùng vậy cho tiện."

Sử dụng thớt đúng quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một phần trong tiêu chí nông thôn mới. Ngay từ khi phổ biến vấn đề này, anh Chang Thó Giờ, Trưởng Trạm Y tế xã Y Tý đã đề xuất với xã thành lập một Tổ kiểm tra thớt. Đều đặn hàng tháng, các thành viên trong tổ kiểm tra thớt của xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai lại đi đến các gia đình để kiểm tra mức độ thực hiện cũng như tuyên truyền cho người dân về cách thức sử dụng thớt sao cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng đến hiện tại, đây vẫn đang là vấn đề mà anh Giờ đau đáu trong lòng: "Làm thế nào để thay đổi được cách dùng cũng là một vấn đề. Thành lập tổ ở xã thì năm nào cũng có kiện toàn lại, thế nhưng nhân lực của xã không có nên mỗi thôn chỉ có một người do các anh chị y tế thôn bản làm luôn tổ viên ở đấy. Tổ có một thành viên ban chỉ đạo xã, một bên y tế. Tuyên truyền nhận thức việc ăn chín uống sôi, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thường là lồng ghép luôn. Cũng gặp nhiều khó khăn."

Dùng chung thớt trong chế biến thực phẩm sống, chín là thói quen đã gắn bó rất lâu trong cuộc sống của người dân, để thay đổi được cần một quá trình. Biết được điều đó nên anh Giờ và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền với mong muốn mưa dầm thấm lâu, người dân sẽ hiểu. Thế nhưng điều anh Giờ lo lắng nhất là trước khi người dân hiểu được và thay đổi được thì sức khỏe hàng ngày của họ vẫn đang đối diện với nhiều nguy cơ do thói quen này. "Qua đánh giá tỉ lệ sử dụng đúng thớt mà đạt chắc chỉ được 15-20%. Quy định là mỗi nhà dân phải có hai thớt, một thớt sống và một thớt chín, trong quá trình đi điều tra, một số nhà còn có 3 thớt nhưng lại không biết cách sử dụng. Ba cái đấy khi nào đông người họ mới đem ra dùng. Lo nhất ở đây là cách người dân chế biến thức ăn và khâu sử dụng thớt chưa được đảm bảo"- anh Giờ cho biết.

Nỗi lo lắng của anh Chang Thó Giờ không phải là không có lý khi tỉ lệ người dân nhiễm giun sán, nhiễm khuẩn do quá trình chế biến thực phẩm ở xã tương đối cao. Không riêng ở Y Tý khi theo một số khảo sát, nhiều người dân ở vùng nông thôn, kể cả khu vực thành thị của nước ta vẫn giữ thói quen dùng chung thớt trong chế biến thực phẩm, bởi họ cho rằng, chỉ cần lau rửa khô, dội qua nước sôi là có thể diệt khuẩn. 

Thay đổi thói quen dùng thớt - chuyện tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó - Ảnh 1.

Nhiều người dân vẫn sử dụng chung thớt trong chế biến thực phẩm sống và chín mà không biết rằng nguy cơ bệnh tật xâm nhập rất lớn.

Theo chuyên gia Trần Quốc Hùng, Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, đấy là những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn với sức khỏe mà người dân cần phải thay đổi càng sớm càng tốt: "Chúng ta băm, chặt, thái thức ăn mà vệ sinh không kỹ, hoặc làm xong để muộn quá chúng ta mới vệ sinh ví dụ chặt từ tối hôm qua để qua đêm đến sáng hôm sau mới rửa, hoặc sáng làm đến tận chiều tối đi làm về mới rửa, cái thớt lúc nào cũng ẩm, nó làm cho thức ăn bám lại ở trên bề mặt và chính thức ăn bám lại trên bề mặt đó đã tạo điều kiện cho hàng triệu con vi khuẩn phát triển, gây một số bệnh như dạ dày, viêm ruột, thương hàn, tiêu chảy. Cho nên sử dụng, chọn mua và bảo quản phải làm theo đúng một chế độ thích hợp thì mới có giá trị bảo vệ sức khỏe cho gia đình."

Chiếc thớt chỉ là một vật dụng nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, thế nhưng nếu không sử dụng đúng thì những ảnh hưởng tới sức khỏe là rất lớn mà nhiều khi trước mắt không nhìn thấy được. Đặc biệt, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona, Mỹ đã phát hiện ra rằng, trung bình một chiếc thớt có chứa lượng vi khuẩn gấp 200 lần so với bệ ngồi bồn cầu. Vi khuẩn tích tụ sau những lần bạn sử dụng chúng để cắt, thái thịt sống, nội tạng động vật. Một thời gian sử dụng, bề mặt thớt xuất hiện nhiều vết lõm khiến cho việc vệ sinh trở nên khó khăn hơn, đồng thời dễ hình thành nấm mốc và chứa độc tố gây ung thư tên là aflatoxin.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc dùng riêng thớt trong chế biến thực phẩm, người dân cũng cần lưu ý làm sạch thớt đúng cách theo quy trình sau:

1. Rửa thớt bằng chất tẩy rửa và nước trước, nhớ làm sạch mặt trước, mặt bên cạnh và mặt sau của thớt.

2. Sau đó rắc một thìa muối lên thớt, nhúng miếng bọt biển rửa bát vào một ít nước rồi lau đi lau lại trong 30 giây rồi rửa sạch bằng nước lạnh.

3. Pha giấm trắng và nước theo tỷ lệ 1:2, cho vào bình tưới, xịt lên bề mặt thớt.

4. Không rửa lại với nước. Để thớt ở nơi thoáng gió và có ánh nắng mặt trời và để khô tự nhiên.

Ngoài ra, nếu thấy thớt màu đen, bị nứt nẻ, có dấu hiệu nấm mốc thì nên lập tức vứt bỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.