Nông lịch của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn

27/10/2022 14:31
Phụ nữ Cơ Tu mừng ngày thu hoạch lúa nước.

Phụ nữ Cơ Tu mừng ngày thu hoạch lúa nước.

Bao đời qua, người Cơ Tu ở các huyện miền núi cao: Tây Giang, Ðông Giang, Nam Giang (Quảng Nam) tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong trồng trọt, chăn nuôi.

Nông lịch của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn - Ảnh 1.

"Nhà rẫy" cải tiến của người Cơ Tu ở huyện Đông Giang.

Ðồng bào Cơ Tu nơi đây có một kho tàng tri thức bản địa về nông nghiệp nương rẫy thích ứng với đặc thù tự nhiên của thổ nhưỡng, môi trường... trên dãy Trường Sơn hoang dã.

Già làng Ploong Cril (73 tuổi, trú thôn ARung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, nông lịch của người Cơ Tu lấy âm lịch để tính thời gian và đựơc phân ra bốn mùa chính. Mùa xuân là bắt đầu thời vụ sản xuất nhưng chưa tập trung. Ðàn ông vẫn còn săn bắt thú trong rừng, đàn bà làm cỏ ở rẫy cũ để trồng bắp, gieo cải... Ðến đầu tháng giêng bắt đầu phát rẫy. Mùa hè từ khoảng tháng bốn, năm là thời gian tập trung đốt rẫy, tỉa, làm cỏ... Mùa thu vào tháng sáu, bảy mùa vụ tạm xong, nước suối cạn, phụ nữ Cơ tu rủ nhau đi bắt cá. Cuối tháng bảy đầu tháng tám thu hoạch lúa ba trăng, trời có mưa gió, đàn ông ở nhà đan lát, sắm sửa các dụng cụ bắt chim; đàn bà dệt thổ cẩm, kiếm củi dự trữ trong mùa đông... Mùa đông đàn bà thu hoạch lúa mùa, đàn ông săn bắt chim, thú ở núi cao...

Ễnh ương là sứ giả của vùng đất phì nhiêu

Nông lịch của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn - Ảnh 2.

Người Cơ Tu làm lúa nước ở Tây Giang.

Người Cơ Tu còn có kinh nghiệm xem ngày tốt xấu, nên làm việc gì, nên tránh việc gì. Cụ thể mùa trăng sáng nếu chặt cây tươi về làm gì, sau này chắc chắn sẽ bị mọt ăn, còn chặt vào mùa trăng khuyết thì không bị mọt ăn hoặc trồng sắn vào đầu và cuối tháng đều bị củ nhỏ, rễ nhiều năng suất kém.

Nếu trồng từ ngày 10 - 20 trong tháng thì năng suất, chất lượng cao. Ðối với những đất rẫy mới, tâm lý của đồng bào thích những khu đất rẫy nằm ở rừng già, nơi đất tơi xốp, tuy phải hạ cây rừng lớn nhưng đất ở đó tốt vì chưa bị khai khẩn nhiều lần, có tầng dày của cây lá mục nát lớn nên độ phì cao.

Theo kinh nghiệm, người Cơ Tu thường chọn đất canh tác tốt bằng cách căn cứ vào mật độ con ễnh ương sinh sống nhiều. Họ cho rằng nơi ấy đất có độ ẩm cao, cây trồng phát triển tốt, mùa màng bội thu nên họ xem ễnh ương là sứ giả của vùng đất phì nhiêu, mang lại ấm no cho đồng bào.

Độc đáo nhà Zơng (Duông)

Nhà Zơng (nhà Duông, nhà rẫy trong rừng) gắn với cuộc sống lao động làm nương rẫy và đây cũng là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam.

Zơng của đồng bào Cơ tu có diện tích trung bình khoảng 8 - 10 m2, tùy thuộc vào địa hình mà sàn của zơng cao so với mặt đất khoảng 1 - 1,2m nhằm để phòng thú dữ và mưa lụt. Cũng như nhà ở truyền thống, zơng được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng như: Gỗ, tre, nứa, tranh, mây… khai thác từ rừng.

Nhìn chung zơng gần giống như một nhà ở thu nhỏ. Trong zơng có nơi đựng lúa (Cơr’lăng haroo), có chỗ cất măng, rau củ quả từ rừng, có nơi để nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, có chỗ dành đan lát, chế tác nhạc cụ và các công cụ lao động (rìu, rựa, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt), có chỗ cất chiếc ná, tên, giáo mác để hộ thân và talét - một loại gùi dành riêng để đàn ông Cơ Tu đựng các loại vật dụng cần thiết.

Từ khi phát rẫy, đốt rẫy rồi gieo trồng lúa, bắp và các loại hoa màu những đàn ông Cơ Tu thường ở lại Zơng nhiều hơn ở nhà, chỉ đến khi thu hoạch xong, hoặc mỗi khi làng có lễ hội, vào dịp tết, gia đình có tang ma, đám cưới... thì họ mới rời Zơng về nhà.

Người Cơ Tu biết trồng tre lấy măng (ảnh trái). Phụ nữ cho cá ăn tại nhà Zơng.

Khi vào mùa giáp hạt thiếu ăn, đàn ông Cơ tu thường rủ nhau lên zơng ngủ lại có khi cả tháng trời để đặt bẫy chim, thú, săn bắt, hái măng... để có thêm nguồn thực phẩm cho gia đình.

Zơng của mỗi gia đình Cơ Tu thường cách nhau một con suối, ngọn đồi. Muốn đến Zơng người khác chơi có khi mất hàng giờ đồng hồ đi bộ. Tuy cách xa như vậy, nhưng mọi vấn đề liên quan về làng, gia đình, họ đều thông tin cho nhau biết.

Người Cơ Tu có tính cộng đồng rất cao, nên trong những ngày phát rẫy, đốt rẫy, gieo hạt đến khi thu hoạch, các gia đình thường hỗ trợ công giúp nhau cùng làm. Đặc biệt, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn như đau ốm, tai nạn, hoặc thú dữ về phá rẫy, đồng bào Cơ Tu đều quan tâm, giúp đỡ nhau một cách chân tình như người trong một nhà. Khách quý đến Zơng được khu Zơng nuôi chung, ai có gì góp nấy.

Văn hóa "chia phần" trong nhà Zơng

Ngày xưa, các con trai và cháu trai luôn được ông nội, người cha dẫn vào zơng ở cùng. Ngày nay, ít thấy gia đình đồng bào Cơ Tu dẫn con của họ vào ở cùng trong zơng mà để chúng ở nhà đến trường học cái chữ. Vào những lúc rảnh rỗi, họ thường bày cho con cháu cách đặt bẫy chim, thú, săn bắt đến truyền nghề đan lát, cách làm tên ná, dạy chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu… Vào những đêm trăng sáng, người già thường kể cho các con cháu họ nghe những câu chuyện về nguồn gốc tộc người hoặc những truyện cổ Cơ Tu.

Zơng cũng là nơi để đàn ông Cơ Tu gặp nhau qua mỗi lần đi săn bắt được con heo, chim, các loài cá ở sông suối... Đặc biệt, ở Zơng văn hóa chia phần luôn được đề cao, ai hái, bắt, kiếm được gì đều được chia phần cho các nóc Zơng tùy theo sản vật, ít thì chia theo nóc Zơng, nhiều thì chia theo nhân khẩu của các nóc Zơng, người mới mất chưa được 6 tháng cũng có phần, thai nhi trong bụng mẹ cũng có phần. Người ốm đau nặng được người dân trong khu Zơng chung sức khiêng võng, cõng đi bộ băng rừng về tới bệnh viện để chữa trị. Đây là nét văn hóa độc đáo, nhân văn của người Cơ Tu ở Zơng.

Khi có nguồn thực phẩm dồi dào, ngoài phần đã chia ra, họ thường tụ tập đến Zơng để vui chơi, ăn và uống rượu. Đây là hình thức sinh hoạt gắn với cuộc sống lao động làm rẫy và gắn với không gian núi rừng, nó giúp cho mọi người có thời gian thư giãn, phấn khởi lao động đạt hiệu quả cao hơn để làm ra nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ cho gia đình. Theo đó, nhà Zơng luôn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế và sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm mang sắc thái đặc thù tộc người và nó sẽ không bao giờ mất đi mà sẽ mãi mãi trường tồn với người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn hoang dã.

Già làng Cơlâu Blao (84 tuổi), ở thôn Voòng, xã Tr’hy (Tây Giang – Quảng Nam) cho biết, người Cơ Tu đã có kinh nghiệm canh tác ruộng bậc thang từ xa xưa. Cụ thể như ruộng bậc thang Chuôr ở xã Axan có từ hàng trăm năm nay do những đôi bàn tay cần mẫn của người Cơ Tu vùng biên này kiến tạo nên, cũng là nhờ kho tri thức dân gian của đồng bào dân tộc Cơ Tu từ bao đời, là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa nhất mà tổ tiên, ông bà người Cơ Tu đã lưu truyền qua nhiều đời.

Mỗi mùa thu hoạch lúa là mùa lễ hội ăn mừng lúa mới để đồng bào tưởng nhớ đến công ơn của thần linh, Yàng, đã phù hộ dân làng có được mùa thu hoạch bội thu và no đủ, thông qua các nghi thức cúng tế rất linh thiêng và trang nghiêm.

Nông lịch của người Cơ Tu dựa theo chu kì mặt trăng

Già làng Ðinh Văn Bớt (77 tuổi, trú tại xã Ba, huyện Ðông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, người Cơ Tu dựa theo chu kỳ của mặt trăng theo ngày âm lịch làm nông lịch và chia các tháng trong năm để ấn định các công việc nương rẫy, xem như là nông lịch.

Nông lịch không ghi trên sổ sách nào mà các già làng hay những bậc cao niên đều biết tháng nào thì phát rẫy, tháng nào thì đốt rẫy và dọn tỉa, tháng nào thì làm cỏ, thu hoạch... Nông lịch còn quy định công việc lấy mật ong, bẫy thú rừng, bẫy chim, bắt cá, bắt dơi, bắt mối, làm rượu tà vạt, rượu tr'đin... được thực hiện vào tháng nào...

Cụ thể, tỉa lúa được tiến hành sau khi đốt rẫy thông thường vào tháng bốn, tháng năm, khi các cơn mưa dông chiều đã dứt. Già làng và những người có kinh nghiệm nhìn trăng, nhìn mây và số lượng các ngày mưa dông đã qua để tính toán thời gian sẽ tiến hành tỉa lúa.

Ngày xưa, khi đến giai đoạn tỉa lúa, chủ làng tỉa "làm phép" sáu hạt thóc đầu tiên, sau đó các gia đình thành viên trong làng mới được tỉa lúa của gia đình mình. Trong phạm vi gia đình thì người quản lý, trông giữ thóc giống (thường người đàn bà lớn tuổi nhất) sẽ là người tỉa những hạt lúa trước tiên.

Nông lịch của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn - Ảnh 4.

Người Cơ Tu nuôi cá.

Già làng Y Kông (93 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang) cho hay, theo phong tục tập quán, ngày xưa người Cơ Tu thường phát rẫy cũ trên 3 năm để canh tác và trồng các loại cây hoa màu như: Lúa, bắp, rau, đậu... Ngoài ra, họ còn làm bẫy để bắt thêm con thú rừng, săn bắn các loài chim, chuột, hái thêm các loại măng, đọt mây rừng... nhằm đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho gia đình. Vì vậy, gia đình Cơ Tu nào cũng làm cho mình một nhà Zơng không những để trú mưa, trú nắng mà còn để bảo vệ nương rẫy không cho chim, chuột và các loài thú vào phá hoại, nhất là vào mùa lúa chín. Trong chăn nuôi nuôi trâu, bò thường được đồng bào chọn trong một khu rừng có địa thế cô lập như là một ốc đảo để nuôi thả. Con vật phải tự đi tìm thức ăn, đồng bào chỉ cho ăn một lần vào buổi chiều với các loại thức ăn cố định để giữ đàn đại gia súc…".

"Ngày nay, hưởng ứng chủ trương định canh định cư của nhà nước, đồng bào Cơ Tu đã bỏ tập tục phá rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, những rẫy lúa trên nương đã làm từ bao đời vẫn áp dụng canh tác theo "nông lịch" của đồng bào. Những chân ruộng gieo cấy lúa nước, đồng bào vẫn tuân thủ theo lịch gieo sạ của ngành nông nghiệp địa phương đưa ra nhằm gia tăng năng suất cây lúa nước…"- già làng Y Kông tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn