Nụ cười của mẹ là hạnh phúc đời con

16/02/2023 08:37
Phạm Minh Hiếu và mẹ

Phạm Minh Hiếu và mẹ

Với chàng trai 19 tuổi Phạm Minh Hiếu (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM), mẹ cậu là một người phụ nữ vừa hiền dịu vừa nghiêm khắc. Cảm nhận được sự vất vả cũng như tình yêu mà mẹ dành cho mình, Hiếu muốn dành thời gian bên mẹ nhiều hơn.

Cái Tết đầu tiên ở thành phố

Quê ở tỉnh Bến Tre, hơn 30 tuổi, bà Phạm Thị Ý (sinh năm 1971) lập gia đình. Những tưởng cuộc sống từ đó sẽ đỡ vất vả hơn khi có người kề bên nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Khi bà Ý mang bầu Hiếu được hơn một tháng thì người chồng lặng lẽ bỏ đi. Sinh Hiếu, bà làm đủ công việc để nuôi con ăn học. Năm Hiếu học lớp 6, nghĩ tới tương lai của con, bà quyết định đưa con lên TPHCM tìm việc, sinh sống. "Khi lên thành phố, tôi chỉ có 300.000 đồng trong túi", bà Ý nhớ lại. 

Người phụ nữ xứ dừa đi làm công nhân nhưng công việc không ổn định khiến cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Dưới tình thương và sự bao bọc của mẹ, Hiếu lớn lên, thi tốt nghiệp phổ thông rồi học tại Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM. Cậu đi làm thêm thiết kế để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa kiếm thu nhập đỡ đần mẹ.

Hiếu nhớ nhất là Tết năm đầu tiên mới lên TPHCM. Hai mẹ con lúc đó có đúng 100.000 đồng. Cái Tết đầu tiên ở thành phố hoa lệ với hai mẹ con vì thế mà cũng thật… ấn tượng. "Em còn nhớ dù trong túi mẹ lúc đó chỉ 100.000 đồng nhưng mẹ vẫn dắt em đi ăn đĩa trái cây như món quà ngày Tết. Em nói: Mẹ ơi, thôi đừng ăn nữa. Nhưng mẹ vẫn mua hai đĩa, hết hơn 60.000 đồng và hai mẹ con cùng ăn. Lúc đó cảm thấy nhớ quê thật sự", Hiếu nhớ lại. Còn giờ, sau nhiều năm gắn bó, TPHCM đã là quê hương thứ hai của hai mẹ con.

Nụ cười của mẹ là hạnh phúc đời con - Ảnh 1.

Cảm nhận được sự vất vả cũng như tình yêu mà mẹ dành cho mình, Hiếu muốn dành thời gian bên mẹ nhiều hơn.

Muốn dành thời gian cho mẹ nhiều hơn

Hiện tại, Phạm Minh Hiếu sống cùng mẹ và cha dượng trong một căn nhà trọ thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM). Căn phòng được thuê với giá 2 triệu đồng/tháng trở thành tổ ấm của gia đình Hiếu từ nhiều năm nay. Rộng chừng 20m2, căn phòng chỉ đủ để kê một chiếc giường, bàn học và một số vật dụng khác. Dù đơn sơ nhưng căn phòng ấy luôn rộn ràng tiếng cười, gắn liền với bao kỉ niệm thân thương. 

Phạm Minh Hiếu chia sẻ, lúc còn nhỏ, cậu ít khi chuyện trò với mẹ. Khi Hiếu lên lớp 10, hai mẹ con chia sẻ với nhau nhiều hơn. "Mẹ luôn tạo điều kiện cho em hết sức có thể, cái gì thấy cần thiết cho tương lai của em thì mẹ sẽ hỗ trợ. Mẹ cũng tin tưởng, cho em đi làm thêm", Hiếu nói và nhắc đến việc mẹ mua trả góp cho cậu một chiếc máy tính để phục vụ cho học tập, làm việc.

Cảm nhận được sự vất vả cũng như tình yêu mà mẹ dành cho mình, Hiếu cũng dành hết tình thương, sự trân trọng cho mẹ. Trong cuộc sống hằng ngày, ngoài việc học tập, Hiếu luôn tranh thủ để phụ mẹ làm việc nhà. Những khi nhận được tiền công làm thêm, cậu lại rủ mẹ đi chơi vào dịp cuối tuần, ăn một vài món ngon. 

"Càng lớn em càng muốn dành thời gian cho mẹ nhiều hơn. Em cũng không muốn mình là gánh nặng của mẹ", Hiếu tâm sự. Giữa năm 2022, khi mẹ bị bệnh phải nhập viện điều trị, Hiếu toàn tâm chăm sóc mẹ, ngày thì nấu cháo, tối đến đấm lưng, bóp chân cho mẹ. "Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng tôi rất vui khi con hiểu chuyện và có hiếu", bà Phạm Thị Ý tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.