“Nữ đại sứ” đưa nón lụa Việt ra thế giới

27/07/2023 09:32
Nghệ nhân Tạ Thu Hương

Nghệ nhân Tạ Thu Hương

Những chiếc nón lá làng Chuông của nghệ nhân Tạ Thu Hương không chỉ góp mặt trong các sự kiện quảng bá văn hóa tại Việt Nam, mà đã theo chân du khách, mang nét duyên của phụ nữ Việt ra khắp năm châu.

Đến với làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, bạn sẽ được nghe kể nhiều về nón lá – sản phẩm đặc trưng của làng nghề.

Ngày nay, làng Chuông không chỉ sản xuất những chiếc nón lá truyền thống, mà các nghệ nhân sáng tạo, để chiếc nón đẹp hơn, thời trang và độc đáo hơn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương là một người con làng nghề, đã ghi dấu ấn với những sản phẩm nón lá lạ mà quen, quen mà lạ của làng Chuông.

“Nữ đại sứ” đưa nón lụa Việt ra thế giới  - Ảnh 1.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương giới thiệu các mẫu nón lụa với bạn đọc báo PNVN

Đổi mới để giữ nghề của cha ông

Hơn 50 năm gắn bó với làng nghề, biết làm nón từ lúc lên 5, lên 6, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã được chứng kiến đủ những lúc thăng trầm của chiếc nón lá. Buồn nhất là phải chứng kiến cảnh nón lá bị mai một, không còn được người tiêu dùng ưa chuộng, người dân trong làng đội nón đi bán rồi đội nón về. Trước nỗi khổ của bà con làng nghề, của những người thân của mình, chị tự nhủ, bằng mọi cách, phải giữ được nghề làm nón lá, phải giữ hồn cho chiếc nón làng Chuông.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ: "Thời điểm khó khăn nhất của làng nghề có lẽ là lúc Nhà nước bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Nón lá làm ra không biết bán cho ai. Từ yêu nghề, thương dân và cũng là tự cứu lấy chính mình, tôi đã mang từng chiếc nón đến các công ty xuất khẩu. Tôi đã đầu tư rất nhiều chất xám để nghĩ ra các mẫu mã mới mang đến các công ty chỉ với một điều kiện, nếu có đơn hàng, thì hãy liên hệ với tôi, chứ đừng để người khác làm. Ban đầu rất gian nan, vất vả nhưng rồi tôi cũng ký được đơn hàng đầu tiên với công ty xuất nhập khẩu ở Hưng Yên. Dần dần, đầu ra cũng được mở rộng hơn, người dân làng nghề có công việc ổn định.

“Nữ đại sứ” đưa nón lụa Việt ra thế giới  - Ảnh 2.

Nón lá hoàn toàn làm thủ công bằng tay, với rất nhiều công đoạn

"Loại nón đang được khách hàng ưa chuộng nhất là nón lụa. Đây là mẫu nón được làm dựa trên quy trình làm nón truyền thống. Bên trong chiếc nón vẫn dùng lá và mo nhưng bên ngoài thì thay lá bằng lụa Hà Đông nhiều màu sắc. Nón có sự kết hợp giữa nón lá truyền thống và vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của lụa; không chỉ để sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những bức tranh, họa tiết được vẽ lên một cách tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết", nghệ nhân Thu Hương cho biết.

Để làm một chiếc nón, người thợ phải toàn tâm toàn ý trong vòng 8 tiếng, chau chuốt, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ. Không chỉ dừng lại ở kích cỡ truyền thống của chiếc nón lá, nghệ nhân làng nghề còn cải tiến, làm các kích cỡ to nhỏ, màu sắc khác nhau, để phục vụ nhu cầu làm quà tặng, quà lưu niệm hay trang trí nhà cửa…

“Nữ đại sứ” đưa nón lụa Việt ra thế giới  - Ảnh 3.

Những chiếc nón lá đã có mặt tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới

Chiếc nón lá đã vượt ra khỏi cánh cổng làng, trở thành sản phẩm tiêu biểu của thành phố Hà Nội (sản phẩm được chứng nhận OCOP), được xuất hiện tại các sự kiện ngoại giao lớn như Hội nghị Apec; tham dự các tuần văn hóa Việt Nam tại Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… và theo chân các du khách quốc tế đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Nghệ nhân Tạ Thu Hương được nhiều người đặt cho biệt hiệu là "Đại sứ nón". Hiện tại, sản phẩm nón của nghệ nhân đã có hai cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình) và Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (Hà Nội).

“Nữ đại sứ” đưa nón lụa Việt ra thế giới  - Ảnh 4.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương hướng dẫn du khách làm nón lá

Lan tỏa vẻ đẹp của làng nghề truyền thống

"Thời 4.0 rồi, nón lá thì cũng phải thật thời trang", nghệ nhân Thu Hương hào hứng giới thiệu. Không dừng lại ở việc trưng bày và bán những chiếc nón làm sẵn, chị còn mở các lớp trải nghiệm, vẽ nón, làm nón để các nghệ nhân làng Chuông hướng dẫn cho các bạn trẻ, khách tự tay làm ra những chiếc nón mang dấu ấn của riêng mình.

Dù trong căn nhà nhỏ của gia đình, hay tại khu vực trải nghiệm không gian làng nghề tại các trung tâm thương mại lớn, nghệ nhân Thu Hương vẫn luôn dành thời gian tỉ mỉ hướng dẫn cách làm nón, từ xoay vòng đến ghép lá… sao cho làm ra được chiếc nón vừa bền chắc, vừa thanh, vừa độc đáo.

Theo chân du khách, những chiếc nón lá mang hồn quê Việt đi khắp muôn nơi

"Nhìn thấy các em nhỏ hay những du khách thích thú, say mê bên chiếc nón lá, mọi vất vả, cực nhọc dường như tan biến hết. Tôi thấy thật tự hào vì được sinh ra, lớn lên trên đất làng nghề, mình đã có một nghề cha truyền con nối, lập nghiệp được với nghề và giúp bà con trong làng sống được với nghề.

Năm nay tôi đã bước sang tuổi 55, các con luôn động viên: Mẹ nghỉ hưu đi. Nhưng tôi nghĩ, còn sức khỏe, còn trí tuệ thì mình vẫn còn tiếp tục cống hiến. Tôi cũng không ngại lên mạng, livestream bán hàng, để những sản phẩm của làng nghề đến tay người tiêu dùng được giá tốt nhất. Đó mới là hạnh phúc tôi tìm kiếm!", nghệ nhân Tạ Thu Hương tâm sự.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.