Từ cảnh nhà “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nữ giáo dân Tạ Thị Hợi (57 tuổi, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ) đã cùng chồng con vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi khang trang.

Về đến đầu thôn Vĩnh Phú (xã Thụy Vân), nơi có Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Hóa, hỏi thăm nhà bà Tạ Thị Hợi, chúng tôi được người dân chỉ đến phía có 2 ngôi nhà "biệt thự". Cả hai cùng tọa lạc trên một quả đồi. Ngôi nhà ở lưng chừng là của người con cả bà Hợi. Kế đó ngôi nhà của người con út – hiện nay vợ chồng bà đang sinh sống tại đây.

Ngôi nhà của người con út được xây xong cách đây không lâu, kiểu dáng nhà biệt thự mái Thái 3 tầng. Phía trước là một khoảng sân rộng, cùng với ao sâu thả cá và khu chăn nuôi gà vịt. Nhìn vào sự bề thế của nó, không ai ngờ được rằng cách đây hơn 30 năm, nơi đây vốn chỉ là mảnh vườn hoang dại.

Nữ giáo dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi gồm những ngôi nhà “biệt thự” - Ảnh 1.

Toàn cảnh cơ ngơi gồm 2 ngôi nhà "biệt thự" nối tiếp nhau của đại gia đình bà Tạ Thị Hợi

Đói ăn, đói mặc, gia cảnh xác xơ

Đó là thời điểm bà Hợi về Vĩnh Phú làm dâu (1984). Vợ chồng bà được cha mẹ chồng cho ra ở riêng, cấp lưng vốn một quả đồi rộng 1ha, chừng yến gạo và 3 miệng thúng sắn. Cuối năm đó, bà Hợi hạ sinh con đầu lòng, cảnh nhà neo người, làm công điểm ít, gia đình 3 người không tránh khỏi những bữa đói.

Cảnh nhà khốn khó, bà Hợi phải gửi người trông con để cùng chồng hàng ngày ra đồi trồng cây lâu năm, trồng sắn. Sáng làm việc ngoài đồi, ngoài đồng, tối về hai vợ trồng lại tranh thủ đan lát rổ tre, có hôm người chồng đi đào ao, đóng gạch thuê. Công việc đầu tắt mặt tối lại không có điều kiện ăn uống, bà Hợi trở nên gày gò, da mặt xám xịt.

Nữ giáo dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi gồm những ngôi nhà “biệt thự” - Ảnh 2.

Bà Tạ Thị Hợi, giáo dân Giáo xứ Vĩnh Hóa

Một lần, bà Hợi ở ngoài đồng trở về nhà, đi ngang qua nhà của bá ruột (chị gái của bố). Thương cháu gái gày gò, bác gọi bà Hợi vào cho nắm xôi sắn, ăn để lấy sữa cho con bú. Dẫu rằng rất đói, nhưng bà Hợi chỉ dám ăn một nửa. "Nửa còn lại nén giấu bác mang về cho chồng. Khó khăn đến mức độ như thế", bà Hợi kể.

Để vượt qua được những năm tháng này, những khi thiếu đói, bà Hợi thường phải vay sắn từ các hộ xung quanh cứu nguy cho bữa ăn của gia đình. Vay tính lãi, vay 10kg sắn, đến mùa gặt xong, phải đem trả 15kg thóc. Được biết, thời điểm đó, một cân sắn có giá trị bằng 1/2 cân thóc.

Chăn nuôi để thoát đói nghèo

Trước cảnh làm lụng vất vả nhưng mãi không đủ ăn, bà Hợi và chồng mạnh dạn phát triển thêm chăn nuôi. Từ con bê non được bố đẻ cho, dày công chăm bẵm, bà Hợi đã gây được con bò nái, rồi có cả đàn bò. Sau đó, gia đình bà mua được con bò đực về kéo xe, phục vụ đắc lực trong việc vận chuyển nông sản của gia đình.

Không dừng lại ở đó, bà Hợi còn phát triển chăn nuôi gia cầm và gia súc. Ban đầu, từ số lợn ít ỏi, bà gây thành đàn, gây được lợn nái. Nhờ việc bán lợn, gia đình bà Hợi đã có điều kiện sắm xe đạp cho con đi học. Ngoài là phương tiện đến trường, con bà còn dùng phụ giúp ba mẹ chở lúa về nhà mỗi khi thu hoạch xong.

Nữ giáo dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi gồm những ngôi nhà “biệt thự” - Ảnh 3.

Thời đó, xe đạp vẫn còn ít ỏi, nên hễ nhà ai có xe đạp, xe bò, thường được xếp vào hàng tươm tất. "Thóc lúa, sắn trữ đầy trong cót tre, mỗi khi cần tiền hay gia đình có giỗ chạp, vợ chồng lại gánh ra chợ bán. Được vậy thì tươm tất, mát mặt lắm", bà Hợi tự hào kể lại. Đến lúc này, vợ chồng bà Hợi đã có 3 người con và cả ba đều được đi ăn học đàng hoàng.

Xây nhà biệt thự trên sông nước

Tuy kinh tế gia đình đã khá giả hơn so với nhiều hộ xung quanh nhưng vợ chồng bà Hợi cũng chưa thực sự bằng lòng. Với mong muốn con cái sau này có cuộc sống bền vững hơn, vào khoảng năm 2004, hai vợ chồng bảo nhau bán tất cả bò, lợn, gia cầm và vay mượn thêm tiền để mua chiếc tàu chở cát 130 khối trên sông Hồng.

Ban đầu chỉ có người con cả và vợ chồng bà Hợi lênh đênh trên tàu, hai con còn lại gửi nhờ bà nội trông. Đi được 2 năm, thấy cuộc sống trên tàu ăn uống đầy đủ, người con thứ hai khi vừa tốt nghiệp THCS cũng theo cha mẹ và anh trai làm nghề này. Ít lâu sau, con trai út cũng dừng lại trước bậc phổ thông và theo nghiệp sông nước của gia đình.

Nhờ nguồn thu nhập cao từ việc vận chuyển cát, gia đình bà Hợi đã có tiền mua thêm một miếng đất gần nhà. Sau khi các con lập gia đình, vợ chồng bà chia đều cho mỗi con một mảnh đất để ra ở riêng, sống tự lập.

Đến năm 2016, gia đình bà Hợi mua được tàu chở cát 1.000 khối. Thu nhập nhờ vậy ngày càng cao, tàu làm ra tiền đến đâu, các con bà tích cóp xây nhà đến đấy. Hiện nay, ba người con của bà Hợi đã nhà cửa ổn định, các tòa nhà to như những ngôi biệt thự, trở thành một điểm nhấn đặc biệt ở một xóm làng thuộc vùng trung du.

Nữ giáo dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi gồm những ngôi nhà “biệt thự” - Ảnh 4.

Ngôi "biệt thự" của con trai út bà Hợi xây xong cách đây không lâu

Về phần vợ chồng bà Hợi, do tuổi cao sức yếu nên đã lui về "ở ẩn", phụng dưỡng mẹ già, phụ giúp các con trông nom nhà cửa, chăm sóc và đưa đón các cháu đi học.

Dường như đã quen với việc lao động, không để đôi tay nhàn rỗi, bà Hợi dùng khoảng đất trống trước nhà phát triển mô hình kinh tế gia đình vườn chuồng kết hợp với nuôi thả cá. "Hiện giờ trong chuồng có khoảng 100 con gà, 60 con vịt. Mới đây, tôi vừa thả 13 triệu tiền giống cá trắm, cá trôi, cá trê, toàn loại 1,5-2kg thôi", bà Hợi phấn khởi liệt kê.

Nữ giáo dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi gồm những ngôi nhà “biệt thự” - Ảnh 6.

Mô hình kinh tế gia đình vườn chuồng kết hợp nuôi thả cá của gia đình bà Tạ Thị Hợi

 

Chia sẻ về yếu tố then chốt để có được thành quả trên, bà Hợi bày tỏ: "Tuy cuộc sống có những lúc khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là vợ chồng cần biết chia sẻ, thông cảm, động viên nhau. Và chỉ cần xây dựng được một gia đình hạnh phúc, kinh tế cũng theo đó dần dần tiến triển tốt lên".

Ngoài phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống gia đình, bà Hợi còn tích cực tham gia các hoạt động trong cộng đồng giáo dân và các phong trào phụ nữ trên địa bàn – giáo lý viên, Tổ trưởng Tổ 2 - Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Phú.

"Từ một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng những nỗ lực, chị Hợi đã vươn lên trở thành một gia đình khá giả. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội và hàng năm được đánh giá cán bộ cơ sở xuất sắc", bà Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch Hội LHPN xã Thụy Vân, đánh giá.

Thực hiện: Trường Hùng