Nữ họa sĩ Việt Nam đầu tiên thành lập bảo tàng tư nhân

24/04/2023 09:21
Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ giới thiệu với khách về một bức tranh mà bà tâm đắc

Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ giới thiệu với khách về một bức tranh mà bà tâm đắc

Năm 2006, sau gần 40 năm miệt mài vẽ tranh, sưu tầm tranh và hiện vật, bà Phan Thị Ngọc Mỹ (hiện 76 tuổi), thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) là nữ họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam thành lập bảo tàng tư nhân mang chính tên mình - Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ.

Sớm bén duyên hội họa và sưu tầm hiện vật

Bà Mỹ sinh ra trong một gia đình nền nếp, gia giáo, cha là nhà giáo Phan Huy Thản, người anh cả là Phan Huy Minh theo nghề cha và sáng tác thơ. Anh trai thứ hai là Phan Huy Mẫn học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Họ còn được thừa hưởng tài năng từ gia đình, các bậc tiền nhân trong dòng họ nổi tiếng khoa bảng Phan Huy (gốc Hà Tĩnh) đã có nhiều hậu duệ tên tuổi, lưu danh sử sách như: Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Cẩn...

Chính trong mạch nguồn đó, Phan Thị Ngọc Mỹ gắn bó bền chặt với niềm đam mê hội họa. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ năng khiếu hội họa và theo đuổi nó bằng một quyết tâm cao. Nhưng cuộc sống đưa đẩy, lớn lên bà lại chọn theo học ngành Kế toán và làm việc cho Tổng Cục Thể dục thể thao. Chính ở đây, bà đã gặp tình yêu đầu đời và cũng là người chồng của mình sau này.

"Có lẽ, nghiệp hội họa đã ngấm vào máu nên trong con người tôi luôn chất chứa, một hoài bão và đam mê với tranh, sưu tầm hiện vật. Bởi tôi luôn có ý thức giữ gìn, sưu tầm những bức tranh và cổ vật có giá trị, chất chứa cả một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc", bà Ngọc Mỹ tâm sự.

Niềm đam mê từ thuở thiếu thời nên bà tự học vẽ và chính điều đó khiến bà không bị gò bó trong các khuôn phép của nghệ thuật nào mà tự vươn lên bằng lao động miệt mài không biết mệt để vẽ tranh sơn dầu.

Nữ họa sĩ U80 với bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 2.

Một góc trưng bày tranh

Trong suốt những năm 80 của thế kỷ trước, bà liên tục mở các cuộc triển lãm sưu tập tranh ở khắp các phòng tranh, phố tranh Hà Nội. Với những tình cảm quê hương thắm thiết, bà dành nhiều thời gian sưu tập, vẽ tranh sơn dầu về cảnh quê hương - những cảnh sắc mang nhiều dấu ấn truyền thống. 

"Là một người con nặng tình với quê hương xứ Đoài thơ mộng nơi có cảnh đẹp hữu tình, có thắng cảnh chùa Thầy, con người nặng tình, bao dung. Chính tình cảm chân thành đó đã ảnh hưởng và là mạch nguồn xuyên suốt trong tranh của tôi", họa sĩ Ngọc Mỹ tâm sự.

Nữ họa sĩ U80 với bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 3.

Trưng bày gốm cổ

Nhiều người đến xem tranh đã dành cho tác giả những tình cảm sự ngưỡng mộ chân thành. Nhiều tác phẩm của bà đã đạt giải thưởng trong các cuộc triển lãm.

Năm 2002, bà tham gia các cuộc triển lãm quốc tế, gửi 25 bức tranh sơn dầu với chủ đề "Quê hương" cùng 2 họa sĩ Pháp Gademonvco và Beravat do con gái bà là Nguyễn Ngọc Dung tổ chức ở Marseille (Pháp). Năm 2005, bà cùng với một số họa sĩ Việt Nam gửi tranh tham dự triển lãm ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc)...

Nữ họa sĩ U80 với bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 4.

Không gian trưng bày thư pháp kết hợp với hiện vật

Bảo tàng tư nhân mở cửa miễn phí

Với một hệ thống tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, thông qua giám sát của Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây, Bảo tàng tỉnh Hà Tây (cũ), tháng 10/2006, bộ sưu tập và nhà trưng bày của bà được Sở Văn hóa Thông tin công nhận và thành lập bảo tàng mỹ thuật mang tên Phan Thị Ngọc Mỹ.

Hiện tại, trong khuôn viên 1.600m2, căn nhà 3 tầng được bà Mỹ dùng để trưng bày tranh, hiện vật. Đến nay, bảo tàng của bà Mỹ đã sưu tập được hơn 1.000 đồ gia dụng gồm: sành, sứ, gốm, đồ đồng, hiện vật chiến tranh và gần 1.000 tác phẩm tranh, hội họa thư pháp. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã có nhiều hiện vật, bức tranh quý, trong đó có nhiều bức tranh của các họa sĩ tài danh của Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm…

Nữ họa sĩ U80 với bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 5.

Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ giới thiệu với người tham quan về bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Họa sĩ Ngọc Mỹ cho biết, theo quy định, Bảo tàng được phép thu phí để duy trì hoạt động. Song, đến thời điểm này, bảo tàng của bà vẫn mở cửa miễn phí, hoạt động vì cộng đồng, với mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá Việt Nam. "Chúng tôi mong muốn những người đến tham quan bảo tàng được nâng cao về nhận thức, biết yêu cái đẹp về mỹ thuật. Như thế, tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi", họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ tâm sự.

Hơn 40 năm qua, bà vẫn say mê sưu tầm những bức tranh đẹp, quý giá của các họa sĩ, đồng thời tìm kiếm những cổ vật trong dân gian mang về để trưng bày để làm phong phú thêm cho bảo tàng. 

Nữ họa sĩ U80 với bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh 6.

Một tác phẩm của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ

Hiện nay, Bảo tàng là điểm đến của những du khách trong và ngoài nước khi tới thăm di tích chùa Thầy và còn là nơi sinh viên các trường như Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Sư phạm nghệ thuật ghé thăm trong những buổi học thực hành ngoại khóa…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.