Nữ nghệ nhân đau đáu giữ gìn rối nước Đào Thục

21/07/2023 14:49
Các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục trong một lần biểu diễn. Ảnh: NVCC

Các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục trong một lần biểu diễn. Ảnh: NVCC

Chúng tôi đến phường rối nước Đào Thục (Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) một ngày trung tuần tháng 7 để tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống mà bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ và phát triển.

Vợ chồng nghệ nhân nặng lòng với rối nước

Tiếp chuyện chúng tôi là vợ chồng Nghệ nhân ưu tú rối nước Nguyễn Thị Thỏa (58 tuổi) và Đặng Văn Hưng (64 tuổi), Trưởng phường rối nước Đào Thục.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thỏa sinh ra và lớn lên ở làng Đào Thục - vùng quê nổi tiếng với phường múa rối nước truyền thống có tuổi đời hơn 300 năm. Sớm có niềm đam mê với văn hóa truyền thống của cha ông, ngay từ khi 9-10 tuổi, cô bé Thỏa đã học lén các cô bác trong đội chèo của làng; rồi cùng chúng bạn lấy bèo tây và đất sét tạo ra những quân rối để biểu diễn trên mặt ao, mặt mương cho thỏa niềm đam mê...

"Thời các cụ nhà tôi còn khắt khe lắm, không cho chị em con gái trực tiếp diễn con rối, cứ xong một chầu diễn đưa về là các cụ lại cất biến đi. Vì đam mê với con rối, điệu chèo và sẵn có chút năng khiếu nên tôi tiếp thu rất nhanh", bà Thỏa tâm sự.

Những nghệ nhân đau đáu với rối nước Đào Thục - Ảnh 1.

Vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thỏa - Đặng Văn Hưng

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa, có lẽ là duyên tiền định với múa rối nước, bà lấy chồng là người cùng làng, bố chồng lại là nghệ nhân Đặng Minh Hải, nguyên Phó trưởng phường múa rối nước Đào Thục. 

"Bố chồng tôi là một trong những nghệ nhân say sưa với nghề, có công trong việc khôi phục lại nghệ thuật múa rối nước của quê hương. Chính bố chồng cùng là người đã khơi lại trong tôi ngọn lửa đam mê với nghệ thuật múa rối nước truyền thống và tôi được ông dìu dắt chỉ bảo. Từ năm 2000, tôi mới bắt đầu tham gia tích cực vào câu lạc bộ văn nghệ của thôn và được theo học múa rối nước một cách bài bản, chính thống...

Với tôi, rối nước là niềm đam mê lớn nhưng để niềm đam mê đó được cất cánh thì tôi may mắn được chồng là người yêu thương, tâm lý, luôn ủng hộ vợ hết mình. Dù vất vả nhưng anh vẫn một mình lo toan con cái, đồng áng để tôi yên tâm đi theo phường biểu diễn dài ngày", nghệ nhân Thỏa quay sang nhìn chồng một cách trìu mến.

Những nghệ nhân đau đáu với rối nước Đào Thục - Ảnh 2.

Con rối được tạo hình theo nhân vật của vở diễn

Theo ông Đặng Văn Hưng: "Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc truyền nghề múa rối nước tại địa phương là thế hệ trẻ tham gia học múa rối nước không nhiều. Sau mỗi khóa học, nếu giữ được khoảng 30% học viên gắn bó với nghề đã là một thành công. Do hiện nay, múa rối nước chưa thể nuôi sống được bản thân nên thế hệ trẻ chưa mặn mà theo đuổi nghề".

Những nghệ nhân đau đáu với rối nước Đào Thục - Ảnh 3.

Làm con rối là một trong những công đoạn khó

Gần 40 năm gắn bó cùng những con rối

Gần 40 năm làm bạn với những con rối, vở diễn, nghệ nhân Nguyễn Văn Thà (72 tuổi) cho hay, múa rối nước luôn là niềm đam mê cháy bỏng. "Qua hàng trăm năm với nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rối nước làng Đào Thục từng có thời điểm tưởng chừng bị mất đi. Tuy nhiên, vào năm 1984, nhờ Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm nên nghề rối nước mới được khôi phục và giữ đến ngày nay. Tôi là một trong những thành viên của phường múa rối nước trong những ngày đầu thành lập", nghệ nhân Nguyễn Văn Thà cho biết.

Những nghệ nhân đau đáu với rối nước Đào Thục - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thà tâm sự về nghề múa rối nước

Theo ông Thà, mỗi năm phường mở 1-2 khóa, mỗi khóa trong 1 tháng. Sau khi tốt nghiệp, các học viên phải qua 2 năm thử thách biểu diễn rối nước đạt đủ tiêu chuẩn về Từ - Tâm - Nghề rồi mới được công nhận là nghệ nhân múa rối nước ở Đào Thục. 

Hiện phường có khoảng 50 người, trong đó gần 30 nghệ nhân có thể biểu diễn thường xuyên. Người lớn tuổi nhất gần 80 tuổi, người trẻ nhất là các cháu học sinh 14-15 tuổi. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thà chia sẻ: "Tôi diễn rối nước được gần 40 năm. Lúc trước, cả phường có khoảng 30 người (hiện nay còn 7 người vẫn đủ sức khỏe và theo nghề). Ngoài những lúc biểu diễn, tôi làm nông nghiệp và khi rảnh rỗi thì đi làm thợ xây để kiếm thêm thu nhập".

Những nghệ nhân đau đáu với rối nước Đào Thục - Ảnh 4.

Thủy đình - nơi biểu diễn rối nước ở Đào Thục

Hiện nay, phường múa rối nước Đào Thục có một số tích trò đã bị mai một không thể khôi phục được bởi ngày xưa, mỗi nghệ nhân đều giữ bí quyết riêng để điều khiển con rối. Chỉ đến khi các nghệ nhân này già rồi mới truyền lại cho người thứ hai và đặc biệt là không truyền cho nữ giới. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận đã có 22 năm tham gia phường rối nhớ lại: "Trước đây, ở phường, chỉ nghệ nhân múa rối nước mới được sờ vào con rối và vào khu vực thủy đình, nữ giới không được tham gia phường rối. Đến năm 2000, những phụ nữ như tôi mới bắt đầu được tham gia phường rối nước".

Múa rối nước ở Đào Thục có từ thời Hậu Lê. Lúc bấy giờ, trong làng có một người tên là Nguyễn Đăng Vinh. Ông là người Đào Xá, Yên Phong, Bắc Ninh, hiện nay là Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh, giữ chức vụ Nội giám dưới thời nhà Lê. Ông yêu bộ môn nghệ thuật rối nước và được truyền bá rộng rãi đến nhiều đời sau. Khi còn làm quan, ông thường biểu diễn để phục vụ trong triều đình. Sau này khi ông mất, người dân làng nghề đã phong thần, lập bia để vinh danh công lao của ông. Vào ngày giỗ ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn