Nước mắt bên bến sông

Minh họa của Nguyễn Thành Trung

Minh họa của Nguyễn Thành Trung

Chiều mát, tôi lại ra bến sông hóng gió. Xa xa, tôi thấy chị Liên ngồi bên bờ kè đá, khẽ thả xuống sông mấy bông cúc trắng, mắt xa xăm...

Anh Quân sang nhà tôi xin mấy quả khế chua. Thấy anh, tôi không giấu nổi niềm vui, đã mấy năm rồi anh mới về thị trấn. Nhớ ngày bé, anh vẫn hay dạy tôi học bài. Nhà có gì ngon, anh cũng dặn thằng Dũng, em trai anh, để phần cho tôi. Mỗi lần tôi và thằng Dũng chành chọe với nhau, anh vẫn hay bênh tôi, chứ chẳng mấy khi bênh nó.

Thấy bà tôi ngồi trong nhà, anh vào chào bà, hỏi han mấy câu rồi mới ra vườn trẩy khế. Bà tôi hấp háy mắt nhìn, à rồi ừ một hồi mới nhớ ra anh Quân. Nhớ rồi bà lại kể chuyện các anh ngày bé, vẫn thích tới nhà tôi chơi dưới bóng cây hòe vào những buổi chiều hè. Mới đó mà đã hai chục năm rồi. Trẻ con đã thành người lớn, còn người lớn hóa người già.

Lúc anh Quân đang trẩy khế ở vườn sau thì chị Liên sang nhà tôi xin mấy củ gừng. Trong bếp chẳng còn sẵn củ nào, nên tôi bảo chị ra đào mấy bụi gừng ở gần cổng. Gừng bà tôi trồng gần một năm, đám củ ấy đã ăn sâu vào đất, chẳng dễ gì mà đào lên được. Hai chị em hì hục một hồi, mướt mát hết cả mồ hôi mà vẫn chưa xong.

Trẩy khế xong, anh Quân thấy vậy liền xắn tay lên giúp. Anh đào gừng, ra bể nước rửa sạch đất cát rồi đưa cho chị Liên. Hai người im lặng, chẳng nói với nhau câu nào. Lúc ra về, anh chào bà và tôi, rồi quanh lại nhoẻn cười với chị Liên. Thế thôi!

Sáng ra, trước khi đi làm, mẹ đã dặn dò tôi kỹ càng chuyện chợ búa. Giặt giũ xong, tôi hăm hở xách làn ra chợ. Tới hàng thịt, tôi đã nghe mấy bà, mấy cô túm tụm lại bàn tán chuyện gì đó. Hóa ra, là chuyện chị Liên lấy chồng. Chuyện này đã râm ran khắp thị trấn cả tuần này. Đúng hôm người yêu chị về chơi, hai anh chị dắt nhau đi chợ, nên mấy bà nhiều chuyện lại được thể bàn ra, tán vào.

Nước mắt bên bến sông - Ảnh 1.

Chiều về trên sông quê

Tôi thấy họ rất xứng đôi, anh Khải, người yêu chị Liên cao lớn, da ngăm đen, nhưng trông hiền lành và đĩnh đạc. Chị Liên đã ngoài ba mươi, nhưng nhờ nước da trắng nõn, trông chị trẻ hơn so với tuổi. Người lạ, chắc chỉ đoán chị hai mươi sáu, hai mươi bảy là cùng.

Hai người đi cạnh nhau, trò chuyện không quá thân mật. Nhìn qua, họ giống bạn bè hơn là một đôi tình nhân, chuẩn bị làm đám cưới. Khi chị Liên chực vấp ngã vì bị một ai đó vô ý xô phải, anh Khải vội đưa tay ra đỡ. Tôi thấy rõ cái vẻ ngượng ngùng trên gương mặt chị. Chị biết, khi mình đi khuất sẽ có vô khối lời bàn tán sau lưng. Nhưng biết làm sao được, người con gái nhỏ bé như chị làm sao bịt được hết miệng thiên hạ. Đời mình, mình cứ vui vẻ mà sống thôi.

Trời nắng, hàng họ ế ẩm càng tạo điều kiện tốt cho mấy bà mấy cô ngồi buôn chuyện. Có người khen chị Liên và anh Khải xứng đôi. Người độc mồm thì nói họ cùng một chữ "sát" lấy nhau là hợp. Mấy năm trước, vợ anh Khải mất vì tai nạn. Hai người vừa mới cưới nhau được mấy tháng, còn chưa có con cái gì.

Chuyện ngày xưa của chị Liên cũng được người trong thị trấn lôi ra để làm quà với nhau. Chuyện đã qua cả chục năm rồi, tôi tưởng nó cũng theo nước sông mà trôi hết, nhưng hóa ra không phải. Ở cái thị trấn bé tẹo này, vẫn nhiều người nhớ những chuyện ấy. Nhất là cô Lan, cô ruột của anh Huy. Mỗi lần nhìn thấy chị Liên, kiểu gì cô cũng mát mẻ vài câu. Người dân trong cái chợ Thẫm này đã quen với chuyện đó cả chục năm nay.

***

Ngày ấy, chị Liên, anh Quân và anh Huy là ba người học giỏi nhất cái thị trấn này, là tấm gương cho bọn con nít chúng tôi. Ngày nào ba anh chị ấy cũng cùng nhau đạp xe lên trường chuyên, chiều lại rủ nhau cùng về. Đến một ngày anh Quân và anh Huy cùng ngỏ lời yêu chị Liên. Không từ chối, cũng không nhận lời, chị chỉ nói với hai anh là cả ba đang còn kì thi đại học đang ở phía trước, đợi thi xong hãy tính.

Nước mắt bên bến sông - Ảnh 2.

Cuối cùng, kỳ thi đại học cũng kết thúc. Cả ba hồi hộp đợi kết quả. Chị Liên chỉ đợi kết quả thi, nhưng hai anh còn đợi cả đáp án từ trái tim chị. Không biết là vì yêu chị, vì quá nôn nóng để đợi đáp án từ trái tim người con gái mình yêu, hay sợ hãi một cuộc cạnh tranh của người bạn thân, sợ một cái lắc đầu từ chị… anh Huy và anh Quân đã làm một việc mà cả ba người có dùng cả phần đời sau để hối hận cũng không hết!

Hai chàng trai mười tám ấy, sẽ cùng bơi một vòng quanh sông Thẫm, người thắng sẽ được theo đuổi chị, người thua sẽ phải tự nguyện rút lui. Khi anh Quân bơi một vòng và lên bờ, vẫn không thấy anh Huy đâu. Anh Quân đã cùng mấy người gần đó nhảy xuống cứu anh Huy. Nhưng không kịp nữa rồi…

Đau lòng hơn, sau đó không lâu, giấy báo đỗ Đại học Bách Khoa được gửi đến nhà anh Huy. Nhìn mẹ anh ôm tờ giấy báo kết quả của con trai mà ngất lên ngất xuống, chị Liên như thể người mất hồn. Chẳng biết do cái thị trấn này bé quá hay do miệng lưỡi thiên hạ giỏi đưa chuyện, mà khắp các hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng nghe thấy chuyện của chị Liên.

Người tốt bụng thì bảo: "Sống chết có số, chắc thằng Huy chỉ ở với bố mẹ nó được đến chừng ấy thôi, chứ con bé Liên nào có tội tình gì". Người ác miệng thì bảo: "Chắc tại nó sát trai nên thằng Huy vừa dính vào nó là chết. Các bà không nhớ ngày xưa có một anh nhà gần cầu Đa Sô đến tán tỉnh cô Thắm-cô ruột nó, bị trai làng này đánh chết hay sao. Gái độc sát trai có dây có dòng cả đấy. Ai dại mà dây vào cô cháu nhà ấy thì chỉ có chết bất đắc kì tử".

Cứ thế, những chuyện đã cũ lắm, từ mấy chục năm trước cũng bị mấy bà nhiều chuyện trong thị trấn lôi ra để bêu riếu. Bà Thắm, người đàn không chồng, nhưng nổi tiếng hiền lành, mộ đã xanh cỏ từ mấy năm trước cũng không được yên. Có hôm đi chợ, thấy người ta nói ra, nói vào nhiều quá, mẹ tôi mới bênh chị Liên có mấy câu, thế mà đã bị cả đám người xúm vào, hùa nhau nói như tát nước vào mặt.

Lại nói về chị Liên, cả tháng trời, chị hết giam mình trong nhà, lại chạy ra bến sông. Vợ chồng bác Phúc sợ con nghĩ quẩn, sợ con không đối mặt được với miệng lưỡi thiên hạ nên đã phải cho chị lên Hà Nội sớm hơn so với giấy báo nhập học của nhà trường. Đến tận bây giờ bác Hy, mẹ chị Liên vẫn bảo: "May mà năm ấy con bé đậu đại học, chứ nếu trượt rồi ở nhà thêm thời gian nữa không khéo nó chết mất".

Nước mắt bên bến sông - Ảnh 3.

Ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải là nhân vật trong bài. Ảnh ST

Còn anh Quân cũng không chịu được ám ảnh bởi cái chết của anh Huy, cũng như áp lực từ phía dư luận nên anh đã không học ở trường Y của tỉnh như ý định ban đầu mà chuyển vào Nam học. Ít lâu sau gia đình anh cũng chuyển đi. Độ vài năm, anh lại về thị trấn, nhưng vẫn không bỏ được cái vẻ lầm lũi của một người mang tội. Ở trong nhà ông bà nội chán, anh lại ra bến sông ngồi hút thuốc. Nước sông có khi trong, khi đục, nhưng lòng người thì chẳng bao giờ phẳng lặng.

***

Chị Liên đẹp lắm! Nhưng mà là đẹp buồn. Nhất là đôi mắt. Một đôi mắt to tròn đen láy láy, long lanh ươn ướt như muốn khóc. Bà tôi bảo con gái đứa nào có đôi mắt buồn như thế sau này đa đoan lắm. Chẳng phải chờ đến sau này, ngay từ mùa hè năm ấy số chị đã đa đoan rồi. Và nỗi đa đoan này còn theo chị mãi đến tận bây giờ.

Chị tốt nghiệp đại học rồi đi làm. Bạn bè chị có người đã lấy chồng, sinh con đầu lòng, có người đã làm đám cưới. Chỉ có chị là vẫn lủi thủi một mình. Cũng có vài anh đến tán tỉnh chị. Người thì vừa nghe thấy chuyện cũ đã vội chia tay. Có người đã tính đến chuyện trăm năm với chị, nhưng cuối cùng cũng không thắng nổi sự phản đối từ gia đình.

***

Chiều mát, tôi lại ra bến sông ngồi. Xa xa, tôi thấy một người con gái buông mái tóc dài, ngồi yên lặng trong gió chiều lồng lộng. Chị Liên ngồi bên bờ kè đá, khẽ thả xuống sông mấy bông cúc trắng. Sau đó chị ngồi bó gối, mắt xa xăm nhìn theo mấy bông hoa cúc đang chầm chậm trôi. Trên đê, đám học sinh cấp ba đang hối hả đạp xe về cho kịp giờ cơm chiều. Tôi thấy chị cứ nhìn theo chúng mãi, những gương mặt non nớt, chưa vướng lo toan, hay buồn khổ ấy thật đẹp. Tiếng cười của chúng tan trong gió. Bất giác tôi và chị cùng mỉm cười.

Chia tay chị, tôi không biết liệu chị có quên hết chuyện buồn để sống trọn vẹn với cuộc sống mới hay không? Nhưng đám cưới của chị xe hoa không đi qua bến sông mà chọn một con đường vòng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.