Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước

08/10/2023 14:18
Bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Định - tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân Công giáo có thành tích xuất sắc tại Đại hội đại biểu "Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" tỉnh Bình Định lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Định - tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân Công giáo có thành tích xuất sắc tại Đại hội đại biểu "Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" tỉnh Bình Định lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh minh họa

Cùng với sự phát triển của tổ chức Công giáo tại Việt Nam, phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo của đồng bào Công giáo luôn được đề cao, chú trọng phát triển rộng khắp các tỉnh thành.

Nổi bật trong các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, phải kể đến các hoạt động tiêu biểu như giúp nhau phát triển kinh tế, từ thiện xã hội, tham gia phúc lợi xã hội và giữ gìn an ninh, trật tự…

Trong hoạt động kinh tế, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại để nâng cao giá trị và sản lượng hàng hóa; phát triển ngành nghề truyền thống với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ đã đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất và kinh doanh, khẳng định mình trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm và tham gia hoạt động từ thiện xã hội.

Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước - Ảnh 1.

Linh mục Nguyễn Văn Riễn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, khẳng định, nhờ phong trào giúp nhau làm kinh tế được lan tỏa rộng rãi mà đời sống vật chất của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện và nâng cao

Nhiều tổ chức Công giáo đã thực hiện các chương trình hỗ trợ các gia đình nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt. Tiêu biểu như Cộng đoàn Betania - Hội dòng mến Thánh giá Xuân Lộc (Đồng Nai) đã tổ chức chương trình dạy nghề may thêu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo, khuyết tật. Giáo xứ Nam Hà, giáo xứ Xuân Mỹ (Đồng Nai) tổ chức chương trình "Đại lý hỗ trợ các hộ nghèo chăn nuôi", vận động các hộ kinh doanh ứng bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo và thu tiền sau khi bán được vật nuôi…

"Nhờ phong trào giúp nhau làm kinh tế được lan tỏa rộng rãi mà đời sống vật chất của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện và nâng cao, bộ mặt các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp", linh mục Nguyễn Văn Riễn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khẳng định.

Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước - Ảnh 2.

Đại hội đại biểu "Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" tỉnh Bình Định lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028

Song song với hoạt động kinh tế, hoạt động từ thiện luôn được các tổ chức Công Giáo đề cao, coi đó là việc làm hàng ngày thể hiện lòng kính Chúa, yêu nước. Có thể nói, đây là nét đẹp truyền thống của đồng bào Công giáo trong các phong trào thi đua yêu nước được thể hiện qua những việc làm thường xuyên như: mở lớp tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, khuyết tật; chăm sóc bệnh bệnh nhân AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây cầu phục vụ dân sinh; xóa nhà tạm và hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất; ủng hộ người dân bị thiên tai…

Thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ Thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục, dòng tu đã mời gọi các y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến Trung ương về khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại các giáo xứ, không phân biệt lương, giáo. Tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ của UBĐKCG Việt Nam tỉnh, thành phố 5 năm (2017-2022): Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam", "Vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xây nhà đại đoàn kết"… Tổng cộng quy đổi thành tiền là hơn 1.959 tỷ đồng.

Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước - Ảnh 3.

Phụ nữ Công giáo xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Thiện Tâm

Nhìn lại thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành ở nước ta, đồng bào Công giáo mỗi nơi đều tìm ra những cách thức riêng khắc phục những khó khăn trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tiêu biểu: các dòng tu nam, dòng tu nữ ở Đà Lạt đã chủ động đến các nhà vườn có rau bị các công ty ngừng thu mua do dịch để xin thu hoạch gửi về Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… giúp đỡ các dòng, các cơ sở xã hội đang nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi. Nhiều giáo dân tự kết thành nhóm thiện nguyện để chung tay làm việc bác ái, bằng việc mua rau gửi đến đồng bào đang gặp khó khăn do dịch bệnh…

Chỉ riêng tại TPHCM, các vị chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và đồng bào Công giáo thành phố đã quyên góp ủng hộ tiền, hàng hoá, trang thiết bị y tế, các phần quà trị giá trên 20 tỷ đồng; đã có hơn 1.000 lượt các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến thu dung trên địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ việc điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân nhiễm Covid-19...

Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước - Ảnh 4.

Trẻ em được chăm sóc, yêu thương trong Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định

Đối với sự nghiệp xã hội hóa giáo dục, tại các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Hà Nội…, các dòng tu nữ luôn tích cực tham gia trong lĩnh vực giáo dục lứa tuổi nhà trẻ mầm non. Đơn cử, ở Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 90 cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các Hội Dòng Nữ tu Công giáo thành lập và quản lý với hàng chục ngàn cháu. Các trường mầm non của các Hội Dòng Nữ tu Công giáo luôn được đánh giá cao về chất lượng. Trong số đó, có nhiều trường mầm non đạt chuẩn quốc gia như Trường Mầm non Hiển Linh, Thăng Long (Đà Lạt), Thiên An (Đơn Dương)… Đặc biệt, nhiều trường mầm non Công giáo không những không thu học phí mà còn hỗ trợ tiền ăn cho các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình nghèo. Một số cơ sở hội dòng mở các lớp lưu trú cho học sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được học hành.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam - linh mục Nguyễn Văn Riễn cho biết thêm: "Các dòng tu đã tổ chức và điều hành lớp học tình thương để nuôi dạy các cháu khiếm thính, khiếm thị, các em mồ côi và suy dinh dưỡng,... Các trường dạy nghề cũng được các tu sĩ, linh mục đặc biệt quan tâm như Trung tâm dạy nghề La San do các Sư huynh Dòng La San đảm trách; trường Cao đẳng nghề Hòa Bình, trường Trung cấp nghề Tân Tiến Bảo Lộc (Lâm Đồng) do Dòng Don Bosco đảm trách, đang bồi dưỡng và đào tạo con người cả về nhân cách và tay nghề, ưu tiên hỗ trợ cho trẻ em nghèo, mồ côi".

Có thể nói, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, cộng đoàn giáo dân đã luôn đoàn kết, cùng nhau có trách nhiệm chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cộng đồng Công giáo luôn đi đầu trong việc thực hiện thong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các nội quy, quy ước, hương ước là những hành động thiết thực nhằm thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với xã hội, làm tròn bổn phận của cộng đoàn giáo dân với Giáo hội.

Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước - Ảnh 5.

Đức Mẹ Sao Biển - địa điểm hành hương Công giáo Việt Nam ở Đà Nẵng

Theo thông tin từ Trung ương Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần VIII, (nhiệm kỳ 2023- 2028) sẽ tổ chức trong hai ngày 11, 12/10/2023, tại Thủ đô Hà Nội.

Tham dự đại hội, ngoài đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số ban, ngành và tôn giáo bạn còn có 400 đại biểu chính thức là những linh mục, tu sỹ và giáo dân đại diện cho đồng bào Công giáo cả nước.

Đại hội lần này có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo giai đoạn 2023 - 2028; tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn