Phật giáo Hòa Hảo khuyên mọi người siêng năng học hành

08/07/2023 09:32
An Hòa tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

An Hòa tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

Giới luật, luật lệ, lễ nghi của Phật giáo Hòa Hảo đã đề cập đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống thế tục và ít nhiều mang giá trị có tính nhân văn.

Trên thực tế, những giá trị, chuẩn mực đạo đức quy định trong giáo luật, luật lệ của Phật giáo Hòa Hảo đã có ý nghĩa nhất định trong việc giáo dục và duy trì đạo đức xã hội.

Theo sách Sấm giảng thi văn toàn bộ thì Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo gồm có hai phần đó là Học Phật và Tu nhân. Có ý kiến cho rằng nếu gọi là Giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo thì chỉ có phần học Phật, còn phần tu Nhân chỉ là lối sống đạo. Tuy nhiên để hiểu được nét đặc trưng của giáo thuyết Phật giáo Hòa Hảo thì cần hiểu cả hai quan niệm về học Phật và tu Nhân.

Phần học Phật: Phật giáo Hòa Hảo dựa vào giáo lý của Phật giáo nhưng khi giải thích lại tập trung vào ba pháp môn chính là Ác pháp, Chân pháp và Thiện Pháp.

Phần tu nhân: Giáo thuyết Phật giáo Hòa Hảo nhấn mạnh việc tu học theo Tứ ân tức là bốn điều ân nghĩa: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào, Ân tam bảo.

Với giáo lý học Phật tu Nhân nêu trên, ông Huỳnh Phú Sổ cho rằng Phật giáo Hòa Hảo là một môn phái đặc sắc nhất trong các môn phái của Phật giáo. Nó sẽ khắc phục được các hạn chế của Phật giáo là có quá nhiều kinh sách, triết lý cao siêu, trừu tượng chỉ phù hợp trong việc giáo hóa cho một số rất ít người có điều kiện xuất gia tu hành. Còn Phật giáo Hòa Hảo mang tính chất phổ quát phù hợp với căn cơ của đại đa số chúng sinh, những cư sĩ tại gia. Pháp môn học Phật và tu Nhân của Phật giáo Hòa Hảo sẽ nhanh chóng đào tạo ra nhiều người hiền, có công đức trong chúng sinh.

Trong cuộc sống, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thực hiện tám điều răn của ông Huỳnh Phú Sổ, xem đó như giới luật của đạo. Phật giáo Hòa hảo còn răn dạy tín đồ tôn trọng những người khác tín ngưỡng, nhất là không cậy đông người mà ức hiếp hoặc nói xấu, bài xích; không nên gây oán thù mà phải làm lành với họ. Đối với nhân sinh nói chung thì phải giữ mối quan hệ hòa hợp, gây thiện cảm lẫn nhau; đồng thời phải biết thương xót, giúp đỡ mọi người nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Phật giáo Hòa Hảo khuyên mọi người siêng năng học hành - Ảnh 1.

Phật giáo Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm Kỷ Mão 1939, lấy pháp môn “Học Phật – Tu Nhân” làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Tôn giáo này lấy Đạo Phật làm nền tảng, kết hợp với những bài sấm kệ do chính Huỳnh Phú Sổ biên soạn.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Phật giáo Hòa Hảo còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của đời sống xã hội với thái độ tích cực như cấm tuyệt đối việc chơi cờ bạc, hút thuốc phiện và mê tín dị đoan; Phật giáo Hòa Hảo còn khuyên mọi người siêng năng học hành để mở rộng kiến thức và giúp cho việc tu học.

Việc đảm bảo sức khỏe, học vấn, giáo dục nhân cách cho trẻ là một trong những vấn đề cốt lõi của mỗi gia đình, của mỗi quốc gia. Giáo dục của gia đình có vai trò rất quan trọng trong sự giáo dục hình thành nhân cách con trẻ từ khi sinh ra đến lúc lớn lên. Điều này, càng được chú trọng sâu sát hơn khi những đứa trẻ còn nhỏ.

Khi trẻ em ở trường học hay ở ngoài xã hội thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng, giúp củng cố nền tảng giáo dục cho con trẻ ở những giai đoạn sau. Tôn giáo dù có những tác động trực tiếp, hay gián tiếp thì vẫn luôn hướng con người tới những hành động chuẩn mực, tuân thủ giáo lý giáo luật và các quy tắc của tôn giáo, để qua đó thể hiện được vai trò cũng như niềm tin tôn giáo đến việc giáo dục nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của trẻ em trong mỗi gia đình.

Phật giáo Hòa Hảo có 02 ngày lễ trọng trong năm, đó là: ngày 18/5 âm lịch - ngày Khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo và ngày 25/11 âm lịch - ngày Đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, hằng năm thu hút rất đông du khách và tín đồ đến hành hương, viếng lễ tại trung tâm An Hòa tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn