Phật giáo Hòa Hảo: Người chồng phải chung thủy và giúp đỡ vợ mọi việc trong gia đình

04/06/2023 19:00
Phật giáo Hòa Hảo mừng đại lễ Đản sinh lần thứ 103 của Đức Huỳnh giáo chủ. Ảnh: Thanh Niên

Phật giáo Hòa Hảo mừng đại lễ Đản sinh lần thứ 103 của Đức Huỳnh giáo chủ. Ảnh: Thanh Niên

Vai trò của Phật giáo Hòa Hảo trong vấn đề hôn nhân khá đặc biệt. Người chồng là chủ nhà nhưng phải là người chủ mẫu mực, chung thủy và có trách nhiệm giúp đỡ vợ trong công việc gia đình, và biết làm vui lòng vợ…

Đề cao "hiếu thuận" và "nhẫn nhịn" trong gia đình

Với Phật giáo Hòa Hảo, có thể thấy trong giáo lý của tôn giáo này được kế thừa từ nhiều tôn giáo, song tiêu biểu nhất là Phật giáo với nền tảng cơ bản là "Học Phật tu nhân". Trong đó "Bát nhẫn" là sợi chỉ đỏ hướng dẫn tín đồ rèn luyện trở thành con người giàu tình yêu thương, khoan dung, độ lượng, vị tha,…

Việc thực hành giáo lý giúp tín đồ loại bỏ vô minh, mê muội, diệt trừ tham dục và qua đó bồi dưỡng tinh thần Tứ ân. Tứ ân là bốn ân mà tín đồ Phật giáo nói chung và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nói riêng phải ghi nhớ tạc dạ để báo đáp, đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào và nhân loại.

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tích cực tham gia cùng các hoạt động cứu trợ thiên tai làm cầu đường, làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương...

Tứ ân trong phật giáo Hòa Hảo là sự tiếp thu Tứ ân trong giáo lý Phật giáo, song có tính cải biến nhằm phù hợp với tình hình thực tế của Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo. Do đó, Tứ ân ở Phật giáo Hòa Hảo nêu cao ý thức dân tộc, xã hội và tinh thần yêu nước.

Trên phương diện duy trì gia đình bền vững, hạnh phúc, vai trò của Phật giáo Hòa Hảo nổi trội ở nếp sống gia đình, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng xã hội. Đó là việc đề cao "hiếu thuận" và "nhẫn nhịn" trong gia đình, hướng các thành viên trong gia đình sống đời sống trong sạch, cao thượng.

Có thể thấy "Bát nhẫn" không chỉ được xem là sợi chỉ đỏ để tín đồ tu tập rèn luyện (Hạnh nhẫn) mà còn là chuẩn mực ứng xử trong gia đình, ứng xử trong cộng đồng tín đồ theo tôn giáo này. Cụ thể, trong gia đình, người cha được xem là chủ nhà nên việc giáo dục con cái và khi con lớn thì dựng vợ gả chồng cho chúng đều do người cha quyết định.

Ân tổ tiên, cha mẹ

Bổn phận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ là phải tôn thờ, hiếu kính và được ví như tín đồ tôn thờ Đức giáo chủ, đó chính là "ân tổ tiên cha mẹ". Phật giáo Hòa Hảo coi trọng ông bà, cha mẹ là vì họ trải rất nhiều khó nhọc sinh ra và nuôi dưỡng con cái, nên con cái phải biết ơn cha mẹ.

Nếu như cha mẹ có lầm lỗi, trái với luân thường đạo lý thì con cái phải tìm cách khuyên ngăn. Điểm nhấn của Phật giáo Hòa Hảo là con cái phải có trách nhiệm, bổn phận báo đền cho mẹ. Không để cho cha mẹ thiếu ăn, thiếu mặc, anh em phải hòa thuận trên kính dưới nhường nhằm tạo hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh đó, vai trò của Phật giáo Hòa Hảo trong vấn đề hôn nhân cũng khá đặc biệt. Hôn nhân là nền tảng thành lập gia đình, trong đó mối quan hệ vợ - chồng là cơ bản. Người chồng là chủ nhà nhưng phải là người chủ mẫu mực, chung thủy và có trách nhiệm giúp đỡ vợ trong công việc gia đình, và biết làm vui lòng vợ. Người vợ phải có nhiệm vụ đáp lại tình cảm của người chồng, thực hiện thiên chức làm vợ làm mẹ, chăm sóc bố mẹ, thờ kính ông bà,…

Có thể thấy Phật giáo Hòa Hảo có ảnh hưởng từ Phật giáo, nhất là kinh Giáo thọ Thi ca la việt. Vai trò của Phật giáo Hòa Hảo là khuyên răn tín đồ duy trì cuộc sống gia đình hài hòa, thủy chung,… hướng đến một gia đình hạnh phúc bền vững, bao dung, hướng thiện. Điều này thể hiện rõ trong các ngày lễ lớn của Phật giáo Hòa Hảo khi người đứng đầu gia đình thường xuyên nhắc nhở, dạy bảo con cháu phải thực hành nghiêm túc những điều răn do Giáo chủ đã dạy.

Ngoài ra, trong giáo lý Phật giáo Hòa Hảo luôn bài trừ mê tín dị đoan, điều này thể hiện rõ trong nghi thức thờ cúng trong gia đình tín đồ. Như chúng ta biết, nơi trang trọng nhất trong gia đình tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, phía trên thờ Tam bảo (Phật pháp tăng), phía dưới là ban thờ tổ tiên ông bà, trước sân là ban thờ Thông thiên. Ngôi tam bảo là tấm Trần dà. Ban thờ tổ tiên ông bà chỉ là một bát hương và trong những bữa cơm hằng ngày có những gì thì dâng cúng.

Như vậy: "Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được… Kẻ nào phải ở chung đậu với người khác không có tu hiền hay không cùng một Đạo với mình hoặc nhà cửa chật hẹp quá không có chỗ thờ phụng, thì đến giờ cúng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng". Hay "Đi làm ruộng đến thời cúng, ngó về hướng Tây nguyện rồi xá bốn phương. Còn đi xa nhà thì nguyện tưởng trong tâm cũng được" hoặc "Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không".

Theo quan niệm của tín đồ, người qua đời không dùng được nên dâng cúng chỉ là hình thức để tỏ lòng nhớ ơn sinh thành, nuôi dưỡng. Ngoài ra, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không thờ vị thần nào mà không rõ lai lịch.

Giáo lý khuyên tín đồ không tìm đến thầy cúng, thầy bùa,… nghĩa là khuyên tín đồ tránh xa bói toán, mê tín,... Trên phương diện này, có thể thấy trong nghi thức thờ phụng của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chủ yếu là niềm tin và sự chuyển hóa niềm tin qua hành động tu tâm dưỡng tính, kính trọng ông bà tổ tiên, sùng kính tam bảo, làm việc thiện giúp người giúp đời.

Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo ra đời ở Nam bộ năm 1939, có số lượng tín đồ tương đối lớn và là một trong những tôn giáo ở Việt Nam đã có tổ chức hoạt động hợp pháp. Người sáng lập đạo là ông Huỳnh Phú Sổ, quê làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Hoạt động từ thiện là nét đẹp truyền thống của đạo Phật giáo Hòa Hảo. Ngay khi mới ra đời, người truyền giảng đạo đồng thời là người thầy thuốc trị bệnh cứu người. Duy trì truyền thống đó, ngày nay đạo tổ chức khám chữa bệnh Nam Đông y, cấp thuốc, châm cứu, hỗ trợ bệnh nhân nghèo như hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm bệnh nhân đi mổ mắt, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho gia đình nghèo có người qua đời với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tích cực tham gia cùng các tổ chức đoàn thể hoạt động cứu trợ thiên tai làm cầu đường, làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương... với kinh phí đóng góp ủng hộ của tín đồ hàng tỷ đồng, hàng vạn ngày công.

Đồng bào Phật giáo Hòa Hảo tuyệt đại bộ phận là nông dân lao động sinh sống ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Hiện nay, tín đồ có mặt ở 24 tỉnh, thành phố nhưng tập trung đông tại các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ, các tỉnh khác tuy có nhưng số lượng ít.

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn