Phụ nữ Đông Giao cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, "giữ lửa" làng nghề

12/08/2023 20:02
Phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề

Phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề

Trực tiếp tham gia vào những công đoạn chạm khắc gỗ nghệ thuật, những người phụ nữ Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Theo sử sách ghi lại, làng nghề Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã có lịch sử hơn 300 năm. Trước đây, ngôi làng này có tới 97% số hộ dân tham gia nghề mộc; và chủ yếu là nghề chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp xuất khẩu. Ngày nay, số hộ tham gia trực tiếp tại làng nghề chiếm gần 50%.

Tham gia sản xuất tại làng nghề, không chỉ có nam giới, mà những người phụ nữ chân yếu tay mềm cũng chính là những người cầm đục, cầm khoan, chạm khắc gỗ một cách thành thục. Đặc biệt, điều ấn tượng nhất tại làng nghề Đông Giao là những người phụ nữ tham gia sản xuất đều có tuổi đời còn khá trẻ, ở lứa tuổi 7X, 8X, 9X. Các chị đang từng ngày "thắp lửa", gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông.

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 1.

Gắn bó với nghề 25 năm, chị Vũ Thị Yên cho biết: Để tạo ra một sản phẩm chạm khắc gỗ, khâu chọn gỗ rất quan trọng. Sau khi đã chọn được cây gỗ ưng ý; người thợ sẽ tiến hành các bước: xẻ, cắt, đẽo, bào… để làm ra một thân gỗ đúng quy cách. Tiếp đến, sau khi mẫu được vẽ trên giấy bản thì sẽ được in vào gỗ. Sau đó, những người phụ nữ làng nghề sẽ bắt tay vào công đoạn chạm khắc. Những người có kinh nghiệm như chị chỉ cần phác lại những nét chính, đăng đối, đúng kích thước là đã có thể tạo ra một sản phẩm chất lượng.

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 2.

Mỗi người thợ của làng Đông Giao phải có trong tay tới gần 40 chiếc đục với kích thước khác nhau để tạo nên những sản phẩm đẹp mắt. Những chiếc đục lớn dùng để chạm những đường nét thô ban đầu còn những chiếc đục nhỏ hơn sẽ để tạo ra những đường nét nhỏ và yêu cầu sự tinh xảo, tỉ mỉ hơn.

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 3.

Chị Vũ Thị Thuận chia sẻ, các công đoạn chính do phụ nữ phụ trách là chà, gọt, tỉa các đường nét. Thu nhập trung bình của các chị dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 – 600.000 đồng/ngày, tùy từng tay nghề.

Để trở thành một người thợ lành nghề; dù là chạm khắc đồ đơn giản cũng đòi hỏi kinh nghiệm lên tới hàng chục năm. Bởi để biết được kỹ thuật, người thợ phải nhớ được các lối, các họa tiết và các đề tài. Đặc biệt, nghề chạm còn đòi hỏi yêu cầu cao hơn những nghề khác. Người thợ không chỉ cần có sức khỏe bền bỉ, đôi bàn tay khéo léo cùng với sự kiên trì; mà khả năng mẫn cảm, phác họa và tái hiện lại theo mẫu; hay sáng tạo nên các mẫu mã mới

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 5.

Thời gian để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh khoảng 10 ngày, cũng có thể mất hàng tháng.

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 6.

Với sự khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó, người Đông Giao đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ phong phú, đa dạng.

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 7.

Trước đây, các sản phẩm chạm gỗ chủ yếu là đồ gia dụng (bàn ghế, giường tủ...) và đồ thờ cúng (ngai ỷ, hương án, bát bửu...) thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách hiện đại như tượng, con giống trang trí các loại, bình hoa… Sản phẩm phụ vụ cho các thị trường trong nước và xuất khẩu cho các thị trường: Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore,Thái Lan...

Những người thợ của làng Đông Giao không chỉ làm việc với cái tâm dành trọn cho nghề; mà đó còn là trách nhiệm gìn giữ truyền thống mà ông cha để lại. Hiện nay, tại làng nghề, lực lượng lao động trẻ chiếm số lượng khá đông, trong đó có tới gần 50% là phụ nữ.

Cầm đục chạm khắc gỗ nghệ thuật, phụ nữ Đông Giao giữ lửa làng nghề - Ảnh 9.

Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề khác, làng nghề Đông Giao phải đối mặt với những hạn chế của làng nghề như ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn... Những hạn chế này ảnh hưởng không ít tới sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của chị em như đau lưng, đau cột sống, tiêu hóa, hô hấp... Nhưng vượt qua những khó khăn đó, những người làng Đông Giao vẫn ngày ngày miệt mài lao động, sáng tạo, giữ lửa cho làng nghề truyền thống của mảnh đất xứ Đông

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn