Phụ nữ Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện vào Tết Chôl Chnăm Thmây

12/04/2023 15:44
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/4 hàng năm

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/4 hàng năm

Những ngày này, đến chùa hay các phum (cụm dân cư), sóc (vườn) vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ, du khách sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra trong 3 ngày từ ngày 14 đến 16/4 dương lịch hàng năm.

Chị Chau Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - chia sẻ, Tết Năm mới chính là lễ hội lớn nhất đồng bào Khmer. Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng, tưởng nhớ tổ tiên mà còn là dịp để con người gần gũi với thiên nhiên qua nghi thức cầu mưa, thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Phụ nữ Khmer chuẩn bị Tết - Ảnh 1.

Chị Chau Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - mang cà mên (cặp lồng) đựng thức ăn đến chùa dâng các chư Tăng

Những ngày này, chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con chuẩn bị Tết cổ truyền của mình. Đây là dịp để những người phụ nữ trong gia đình thể hiện vai trò trong việc chuẩn bị đón tết như trang trí, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ mới, đồ cúng lễ…

Đối với người Khmer, phụ nữ là trụ cột thứ hai trong gia đình, cùng chồng chia sẻ trách nhiệm về kinh tế, tổ chức đời sống vật chất. Người phụ nữ Khmer thường chăm chỉ, chịu khó, họ trực tiếp lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất góp phần giảm nghèo nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội. 

Phụ nữ Khmer chuẩn bị Tết - Ảnh 2.

Bà con phơi bột làm bánh đón Tết

Trong những ngày Tết, công việc của phụ nữ sẽ bận rộn hơn vì ngoài việc chăm lo đời sống tinh thần cho cả nhà, họ phải chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà và các lễ vật cần có để dâng cúng chùa.

"Trước Tết, bao giờ tôi cũng phải dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua hoa tươi, các loại trái cây, nước ngọt... Ngoài ra, tùy theo mỗi năm tôi còn chuẩn bị các loại bánh như bánh tét, bánh ít, hoa quả để đem vào chùa dâng cúng chư Tăng, chư Thần", chị Nèang Khôl - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trung - chia sẻ.

Phụ nữ Khmer chuẩn bị Tết - Ảnh 3.

Bánh ít được làm từ bột nếp là bánh dùng để ăn và tiếp khách trong ngày Tết

Lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra 3 ngày và mỗi ngày đều có ý nghĩa riêng. Cụ thể, trong ngày Tết đầu tiên - Chôl sangkran Thmây, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch "Maha Sangkran," đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa Dù kê, Rô băm, Răm vông...

Phụ nữ Khmer chuẩn bị Tết - Ảnh 4.

Ngày Tết thứ hai - Wanabat (năm nhuận tổ chức 2 ngày), mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn, thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người làm lễ "Đắp núi cát" (Puôn-Panum-Khsách) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.

Phụ nữ Khmer chuẩn bị Tết - Ảnh 5.

Mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa làm lễ rước

Và ngày Tết thứ ba - Lơn-sắtk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật" - Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Biên thông tin.

Vào dịp năm mới, người dân chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp đẽ, sạch sẽ nhất, trẻ em được may, sắm quần áo mới. Đồ ăn, thức uống được chuẩn bị đầy đủ cho những ngày Tết. Trước đây người dân giã gạo, chà gạo sẵn, làm bánh vào đúng ngày Tết còn hiện nay, họ chuẩn bị gạo đầy đủ, cùng các đồ ăn như bánh trái, hoa quả, cá, thịt, rau… và được chế biến trước. Ngày Tết, mọi công việc thường ngày đều dừng lại, mọi người nghỉ ngơi và vui chơi trọn vẹn.

Ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới, chúc nhau sức khoẻ, cuộc sống yên vui, phát đạt. Ngoài ra, người dân cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian như thả diều, đánh quay lửa…

Đây là dịp, phụ nữ Khmer mặc lên mình những trang phục cầu kỳ, hoa văn trang trí tinh xảo, màu sắc rực rỡ và được điểm bằng những hạt cườm, kim sa lấp lánh. Dịp này, phụ nữ Khmer chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống thật đẹp. Đây cũng là cách gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc trong mỗi gia đình người dân Phum sóc (người dân tộc Khmer).

Tết năm nào cũng vậy, Hội LHPN xã Tịnh Biên cũng có những hoạt động thiết thực, quan tâm chăm lo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ Khmer để họ tự tin, phấn đấu, vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt trong dịp tết cổ truyền này Hội LHPN xã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức họp mặt, tặng quà cho các chị là cán bộ Hội, chi hội trưởng người dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã tổ chức tặng quà cho 300 phụ nữ Khmer nghèo, khó khăn tại xã An Cư.

Phụ nữ Khmer chuẩn bị Tết - Ảnh 7.

Hội viên, phụ nữ thị xã Tịnh Biên trong trang phục truyền thống. Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để đồng bào dân tộc Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện.

"Tôi luôn mong muốn cán bộ, hội viên, phụ nữ Khmer tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm giàu chính đáng góp phần xây dựng quê hương Tịnh Biên ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, tôi cũng mong muốn sau này bà con Khmer vẫn duy trì và phát triển các tập tục nét đẹp tuyền thống của đồng bào dân tộc", chị Thủy cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn