Phụ nữ Mông trắng coi thêu ghép vải là truyền thống của gia đình

Nghệ nhân Sùng Thị Xé (trái) hướng dẫn kỹ thuật thêu của người H’Mông trắng.

Nghệ nhân Sùng Thị Xé (trái) hướng dẫn kỹ thuật thêu của người H’Mông trắng.

Mới đây, tại Hà Nội, nghệ nhân Sùng Thị Xé cùng con gái Hầu Thị Dài đã trình diễn kỹ năng thêu truyền thống của người Mông trắng ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Hoạt động được Craft Link tổ chức nhằm giới thiệu cho công chúng, đặc biệt các tín đồ đam mê nghệ thuật sản xuất hàng thủ công truyền thống những kỹ thuật thêu ghép vải truyền thống độc đáo của người Mông trắng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trải nghiệm kỹ thuật thêu của người H’Mông trắng ngay tại Hà Nội - Ảnh 1.

Sự kiện là dịp để nhiều bạn trẻ tìm hiểu về trang phục truyền thống của dân tộc Mông

Giới thiệu về kỹ thuật thêu đặc trưng của người Mông trắng, nghệ nhân Sùng Thị Xé chia sẻ: "Trang phục có ý nghĩa rất lớn với người vùng cao. Nhìn vào đó, chúng tôi biết được nguồn cội và bản sắc của dân tộc mình. Vì thế, hầu hết, phụ nữ Mông đều biết thêu ghép vải từ nhỏ, xem nó là truyền thống của gia đình".

Tinh xảo và cầu kỳ, kỹ thuật thêu ghép vải được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ những đồ vật thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày như chiếc lược chải tóc, con ốc sên, mầm cây dương xỉ, bông hoa, hạt dưa,… tạo nên nét độc đáo trên trang phục của người Mông trắng.

Trải nghiệm kỹ thuật thêu của người H’Mông trắng ngay tại Hà Nội - Ảnh 2.

Kỹ thuật thêu ghép vải được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ những đồ vật thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày

Kỹ thuật thêu ghép vải kiểu trổ thủng là nét đặc trưng của các nhóm dân tộc Mông trắng, kỹ thuật này được sử dụng để tạo các mảng hoa văn trên cổ áo, tay áo, thắt lưng, địu trẻ em. Ở mỗi địa phương, các mẫu hoa văn cũng như những kỹ thuật thêu lại có sự khác biệt nhưng đều có điểm chung là sự tinh xảo đáng kinh ngạc.

Trên một nền vải dày và sẫm (thường là đen hoặc xanh) người ta đặt một miếng vải trắng, gập cạnh và khâu cố định. Tiếp theo là cắt thủng các đường nét hoa văn, hầu hết có dạng xoắn ốc. Lớp vải trắng này được khâu lược cố định các đường hoa văn bằng các đường chỉ thưa. Sau đó họ khéo léo vén các cạnh rồi khâu bằng các mũi chỉ ngắn, giấu thật kín.

Khi đã viền xong hết các đường hoa văn trổ thủng, họ dùng chỉ màu thêu các đường móc xích đè trên nền hoa văn trắng. Cứ như vậy cho đến khi che phủ hết các phần màu trắng. Để hoàn thiện mảnh thêu, họ còn dùng chỉ trắng khâu các mũi đột nhỏ li ti ở chính giữa các nét của phần nền sẫm còn lộ ra. Màu sắc được ưa chuộng nhất ở đây là đỏ, hồng sẫm và xanh lá cây.

Trải nghiệm kỹ thuật thêu của người H’Mông trắng ngay tại Hà Nội - Ảnh 3.

Tham gia sự kiện, du khách đã được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn của kỹ thuật thêu độc đáo này, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của nghệ nhân Sùng Thị Xé cùng con gái. Qua đó, du khách đã cảm nhận được không gian văn hóa và nét đặc trưng về phong tục, tập quán của đồng bào Mông trắng tại Lào Cai.

Marion, một du khách người Pháp cho biết: "Tôi rất vui vì được trải nghiệm kỹ thuật thêu của người Mông Trắng. Tôi thấy văn hóa Việt Nam thật đa dạng và phong phú. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và trải nghiệm những nét văn hoá khác biệt và độc đáo này".

Em Nguyễn Phương Hà (học sinh lớp 7, tại Hà Nội) chia sẻ: "Em chưa được đến Lào Cai nhưng thông qua hoạt động trải nghiệm này, em đã phần nào hiểu được văn hoá của người Mông Trắng ở Lào Cai, đến vai trò quan trọng của người phụ nữ trong cộng đồng người Mông Trắng, đó là duy trì và bảo tồn những giá trị văn hoá vốn có của cộng đồng mình".

Trải nghiệm kỹ thuật thêu của người H’Mông trắng ngay tại Hà Nội - Ảnh 4.

Du khách đã được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn của kỹ thuật thêu độc đáo này, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của nghệ nhân Sùng Thị Xé

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn