Phụ nữ Mông xa nhà mưu sinh, chấp nhận lao động chân tay, thu nhập thấp

11/05/2023 21:00
Tranh thủ lúc nông nhàn, chị Giàng Thị Chu từ Hà Giang xuống xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, làm thuê tại công trường xây dựng

Tranh thủ lúc nông nhàn, chị Giàng Thị Chu từ Hà Giang xuống xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, làm thuê tại công trường xây dựng

Trên công trường xây dựng của một khu đô thị ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, khói bụi, tiếng ồn khiến không gian nơi này trở nên ngột ngạt. Giữa không gian làm việc miệt mài đó, chúng tôi bắt gặp một nhóm lao động nữ người Mông đang chuyển đất san nền.

Khi vợ đi làm ăn xa…

Hỏi chuyện chúng tôi được biết, họ đến từ xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, về công trường này làm phụ hồ, đổ đất san nền từ nhiều tháng nay. Không chỉ có nhóm lao động nữ từ xã Mậu Duệ, chỉ tính riêng khu vực công trường D1 tại xã Nghĩa Trụ này, có cả trăm người lao động là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu…

Chị Giàng Thị Dinh, người Mông, đến từ thôn Ngái Trò, xã Mậu Duệ, cho biết: "Do công việc mùa vụ ở nhà đã xong nên tôi theo chị em xuống làm việc, kiếm thêm tiền cho gia đình. Chồng tôi cũng làm thuê ở gần nhà, chăm sóc bố mẹ già, con cái và làm ruộng nương".

Cùng đi với chị Dinh, chị Giàng Thị Chu ở cùng thôn Ngái Trò. Hoàn cảnh gia đình chị Chu khá éo le khi hai vợ chồng đã ly hôn, mỗi người nuôi một đứa con. Xuống công trường làm việc, chị phải gửi con lại cho bà ngoại chăm sóc. Hằng tháng, chị Chu gửi tiền về cho 2 bà cháu sinh sống.

Phút nghỉ giải lao trên công trường của chị Hạng Thị Mỷ (người Mông, ở thôn Pác Lủng, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Hà Giang)

Phút nghỉ giải lao trên công trường của chị Hạng Thị Mỷ (người Mông, ở thôn Pác Lủng, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Hà Giang)

Nỗi niềm di cư

Đa số lao động nữ là người dân tộc thiểu số về công trường D1 làm việc đều tranh thủ khoảng thời gian nhàn rỗi sau mùa vụ để làm thêm, với tiền công 200 nghìn đồng/ngày. Mặc dù được chủ thầu xây dựng bố trí nơi ăn chốn ở nhưng so với mặt bằng chung ở Hưng Yên, mức tiền công như vậy vẫn là thấp so với lao động ở địa phương. 

Anh Nguyễn Đình Lộc, một chủ sử dụng người lao động ở đây, cho biết, chị em người dân tộc thiểu số từ vùng cao xuống đây làm việc đa số không có trình độ chuyên môn. Họ chỉ có thể tham gia làm các công việc phụ nên thu nhập thấp hơn lao động khác. Ngoài ra, họ làm việc mang tính thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn nên không thể vào làm ở những nhà máy, xí nghiệp đòi hỏi tính chất ổn định. Chị em chỉ có thể xin làm những công việc lao động chân tay nặng nhọc như tại công trường xây dựng.

Trong báo cáo nghiên cứu "Tình hình di cư nội địa của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam" do UN Women thực hiện tại Việt Nam và công bố vào cuối năm 2021, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ, việc phụ nữ dân tộc thiểu số di cư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện thu nhập và sinh kế, cũng như nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Điều quan trọng hiện nay là phải có những chương trình đào tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp, dạy tiếng phổ thông cho nhóm phụ nữ này; đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động và thủ tục đăng ký cư trú tại nơi đến… để nâng cao khả năng cạnh tranh của nhóm lao động này trên thị trường lao động và giảm thiểu rủi ro từ quá trình di cư.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho đối tượng là lao động di cư trở về thông qua các chương trình hỗ trợ sinh kế để họ tận dụng các kỹ năng, kiến thức, vốn và quan hệ xã hội tích lũy được từ việc di cư vào xây dựng mô hình sinh kế bền vững tại địa phương.

Ngày ngày ra công trường làm việc, đến tối họ về nghỉ tại các khu lán trại được dựng lên, vào mùa đông thì lạnh, mùa hè thì oi bức. Thế nhưng mỗi lán có tới hàng chục chị em cùng sinh hoạt và cư trú. Điều kiện vệ sinh, nước sinh hoạt ở ngoài công trường đông đúc khiến họ gặp khá nhiều bất tiện nhưng đã chấp nhận vào đây làm việc, họ cũng chẳng thể mong được điều kiện làm việc khá hơn.

Chị Sùng Thị Mái (ở xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ, phải đi làm xa nhà, chị rất nhớ nhà, thương con thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, tất cả nhờ vào ông bà và người bố. Sau mỗi ngày làm việc, chị Mái lại tranh thủ gọi điện thoại về nhà nói chuyện với các con. Dẫu biết thời gian đi làm chỉ vài tháng nhưng mỗi lần nhìn thấy con, mắt chị lại rưng rưng lệ.

Có một nỗi niềm chung của hầu hết lao động nữ này là họ rất sợ ngày mưa. Bởi trời mưa, họ không thể làm việc, chỉ có thể ngồi trong lán chơi, vừa không có thu nhập lại nhớ nhà da diết.

Bà Phan Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang), cho biết, hiện nay, phụ nữ người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn hơn. Khi xong mùa vụ, họ sẵn sàng đi tìm việc làm để tăng thu nhập cho gia đình. Điều đó trước đây không có ở huyện miền núi này. Tuy nhiên, việc đi làm xa của chị em cũng tạo lỗ hổng về lao động tại địa phương, sự mất cân bằng trong một số gia đình khi vợ xa chồng, con sống xa cha mẹ.

- Dân tộc Mông cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó tập trung ở các tỉnh thuộc Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… Những năm 1980-1990, một số người Mông đã di dân vào Tây Nguyên, sống rải rác ở một số địa phương thuộc các tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

- Theo kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam công bố ngày 8/12/2021, có 36,1% phụ nữ Mông trong độ tuổi từ 15 đến 49 biết chữ. Tỷ lệ phụ nữ Mông biết chữ chỉ gần bằng 50% so với nam giới.

- Trong số 5 dân tộc thiểu số có tỷ lệ sinh cao nhất, người Mông đứng thứ 5 (với 3,57 con/phụ nữ), sau các dân tộc: Mảng, Chứt, Cơ Lao, La Hủ.

- Theo kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tảo hôn ở người Mông là 51,5% trong tổng số những cặp kết hôn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.