1/3 bệnh nhân mắc bệnh phổi do ô nhiễm môi trường

09:10 | 15/11/2019;
TS.BS Hoàng Thanh Vân, Tổng Thư ký Hội Phổi Việt Nam, cho hay, tại Việt Nam, 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không phải do hút thuốc lá mà do những yếu tố liên quan đến ô nhiễm môi trường.
TS.BS Vân cho biết, năm 2018 ước tính bệnh nhân hen trên thế giới có khoảng 300 triệu người và đến năm 2020 con số này sẽ lên đến 400 triệu người.
 
Có đến 81,4% bệnh nhân không hoặc ít bị ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Chỉ đến khi có những biểu hiện khó thở khi đi lại với khoảng cách ngắn hoặc thực sự ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày thì người bệnh mới đến khám.
 
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2020 bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ gây tử vong đứng thứ 3 và sẽ đứng thứ 5 trong gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu. Nói đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nói đến các yếu tố nguy cơ, đầu tiên đó là hút thuốc lá.
 
TS.BS Hoàng Thanh Vân, Tổng Thư ký Hội Phổi Việt Nam. Ảnh: KT
 
 
Tuy nhiên 1/3 trong số bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không phải do hút thuốc lá mà do những yếu tố liên quan đến ô nhiễm môi trường. Tình trạng gia tăng bụi mịn trong không khí là yếu tố tác động nhiều đến bệnh hen, phổi tắc nghẽn mãn tính và tất cả các bệnh đường hô hấp.
 
Nói về tình hình gánh nặng bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam, TS Thanh Vân cho biết, tần suất hen chiếm tỉ lệ 44,4% dân số Việt Nam, nhưng trong số đó chỉ có 29% bệnh nhân hen được điều trị dự phòng và 39,7% bệnh nhân có sự kiểm soát tốt. 
 
Ảnh minh họa

 

Hiện nay tại các cơ sở y tế vẫn chỉ quan tâm đến việc điều trị, chưa thực sự quan tâm đến việc dự phòng thứ cấp. Chưa thực sự có sự truyền thông sâu rộng để người dân có thể hiểu được cách phòng chống và tái khám. Phía cơ quan quản lý cũng chưa có được chiến lược xử lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính một cách lâu dài. “Chúng ta cũng chưa có sự kết nối giữa việc điều trị bệnh nhân nội trú cũng như bệnh nhân ngoại trú. Ngay cả những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng chưa có cộng đồng để cùng chia sẻ với nhau về cách dùng thuốc phòng bệnh ra sao và mỗi người dân sẽ trở thành bác sĩ của mình” – TS.BS Hoàng Thanh Vân nói.
 
Hiện nay, các chi phí điều trị ở các nước phát triển đều rất cao tuy nhiên ở Việt Nam chi phí điều trị trực tiếp là 371 USD/bệnh nhân/năm điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
 
Mục tiêu điều trị của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là giảm nguy cơ bệnh trong tương lai, ngăn chặn bệnh tiến triển, tác dụng phụ của thuốc. Đối với bệnh hen cũng vậy, cần kiểm soát triệu chứng hiện tại của bệnh nhân dùng thuốc cải thiện chức năng hô hấp và hoạt động hàng ngày của người bệnh, giảm biện pháp phòng ngừa và điều trị khẩn cấp. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn