1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng

19:13 | 04/09/2019;
Theo kết quả từ cuộc khảo sát ý kiến do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và bà Najat Maalla Mjid - Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về bạo lực đối với trẻ em, 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết họ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực.
Cũng theo khảo sát này, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
 
bat-nat-tren-mang-2.jpg
Nỗi đau khi bị bắt nạt trên mạng

  

Khảo sát ý kiến qua tin nhắn ẩn danh thông qua U-Report- một công cụ tăng cường sự tham gia của thanh thiếu niên, gần 3/4 thanh thiếu niên cho biết, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng. Bà Henrietta Fore - Giám đốc Điều hành UNICEF nhận định, không gian lớp học kết nối với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học.  Thật đáng buồn, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó.  Cải thiện giáo dục cho thanh thiếu niên đồng nghĩa với trách nhiệm đối với môi trường mà thanh thiếu niên tiếp xúc, cả trên mạng và ngoài đời.
 
Thanh thiếu niên được khảo sát ý kiến thông qua tin nhắn (SMS) và ứng dụng công nghệ tin nhắn miễn phí được hỏi một loạt những câu hỏi liên quan đến trải nghiệm bị bắt nạt trên mạng và bạo lực, nơi nào thường xuyên xảy ra nhất, ai có trách nhiệm chấm dứt vấn đề này. Khoảng 32% người được khảo sát ý kiến tin rằng, chính phủ có trách nhiệm chấm dứt bắt nạt trên mạng, 31% cho rằng trách nhiệm thuộc về thanh thiếu niên và 29% cho rằng thuộc các công ty cung cấp dịch vụ internet. Về vấn đề  này, 44% thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng chính họ có trách nhiệm chấm dứt bắt nạt trên mạng và 30% cho rằng đó là nhiệm vụ của chính phủ.
 
bat-nat-tren-mang-4.jpg
Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter... là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng

  

Hơn 170.000 người sử dụng U-Report (U-Reporters) tuổi từ 13-24 đã tham gia khảo sát ý kiến, bao gồm thanh thiếu niên của Albania, Bangladesh, Belize, Bolivia, Brazil, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Ecuador, Pháp, Gambia, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Jamaica, Kosovo, Liberia, Malawi, Malaysia, Mali, Moldova, Montenegro, Myanmar, Nigeria, Romania, Sierra Leone, Trinidad & Tobago, Ukraine, Việt Nam và Zimbabwe. Kết quả khảo sát ý kiến thách thức quan niệm cho rằng bắt nạt trên mạng giữa học sinh với nhau là vấn đề chỉ tồn tại ở các quốc gia thu nhập cao. Ví dụ, 34% người được hỏi ở khu vực châu Phi hạ Sahara cho biết, họ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Khoảng 39% nói rằng họ biết những nhóm bí mật trên mạng tồn tại ở cộng đồng có trường học, trên nhóm này một số học sinh chia sẻ thông tin về những học sinh khác phục vụ mục đích bắt nạt.
 
Là một phần trong chiến dịch chấm dứt bạo lực #ENDviolence của UNICEF trong và xung quanh trường học, trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã xây dựng Tuyên bố của Thanh thiến niên Chấm dứt bạo lực #ENDviolence vào năm 2018, kêu gọi các chính phủ, giáo viên, cha mẹ và mọi người ủng hộ để chấm dứt bạo lực, đảm bảo rằng học sinh cảm thấy an toàn tại trường và xung quanh trường học, bao gồm cả bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
 
bat-nat-tren-mang-3.jpg
Bị bắt nạt trên mạng dễ dẫn tới bệnh trầm cảm, tự tử

  

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước LHQ về Quyền Trẻ em, UNICEF kêu gọi, cần phải đảm bảo rằng, quyền trẻ em được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách an toàn mạng và bảo vệ trên mạng. Để chấm dứt bắt nạt trên mạng, bạo lực trong và xung quanh trường học, UNICEF và các đối tác đang kêu gọi các ngành khẩn trương hành động để:
 
-Thực hiện các chính sách bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nạn bắt nạt trên mạng và bắt nạt nói chung.
-Mở các đường dây điện thoại quốc gia để hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên.
-Đẩy mạnh các tiêu chuẩn đạo đức và thực hành của những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến thu thập, quản lý thông tin và dữ liệu.
-Thu thập các bằng chứng tốt hơn, được phân tích về hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng để giúp định hướng chính sách và hướng dẫn thực hiện.
-Tập huấn cho giáo viên và cha mẹ để phòng tránh, giải quyết bắt nạt trên mạng và bắt nạt nói chung, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn