Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên làm việc từ xa trở nên phổ biến ở các công ty, mọi người đều hạn chế ra đường trừ khi có việc cần thiết. Hàng quán đóng cửa trừ những nơi bán nhu yếu phẩm khiến bà mẹ một con có sở thích ăn hàng như tôi không khỏi lúng túng.
Tràn ngập facebook là hình ảnh các món ăn từ lung linh cho đến "thảm hoạ" của các chị em nhằm thích nghi với việc ở nhà khi hàng quán phần lớn đóng cửa. Mấy chị đồng nghiệp vốn tôn thờ cái đẹp, từng sung sướng cả ngày khi có được chiếc túi mới, nay chẳng ngại người ám dầu mỡ để đeo tạp dề vào bếp. Tôi vẫn nghĩ mình sẽ "kiên định" với sở thích ăn hàng cho đến ngày nghe đứa con trai 3 tuổi ngây ngô thắc mắc.
"Mẹ ơi! Con thích món này, món này, món này nữa! Sao mẹ không làm bánh như bác Hường (chị dâu tôi)? Mẹ không biết làm à?".
Ngay ngày hôm sau, tôi chính thức tuyên bố với cả nhà về chiến dịch "Nói không với ăn hàng". Một người vẫn tự hào "cái gì người khác làm được mẹ cũng làm được" như tôi chẳng lẽ lại chịu khuất phục trước câu hỏi của đứa trẻ lên 3?
Vậy là một ngày của tôi trở nên bận rộn hơn với việc lên kế hoạch "Hôm nay ăn gì" và không ngừng tìm kiếm các công thức nấu ăn. 1 tháng với đầy những cung bậc cảm xúc của trải nghiệm mới, tôi đã nhận ra rằng "tự chuẩn bị đồ ăn ở nhà giúp bạn tiết kiệm tiền" là câu nói không hề đơn giản. Tôi đã đúc rút ra sai lầm của bản thân và rất nhiều bạn bè khác từ những việc tưởng chừng là tiết kiệm song thực chất là lãng phí.
Không lên kế hoạch khi mua đồ
Ngay ngày đầu tiên trong chiến dịch "Nói không với ăn hàng", tôi đã xách ví đến siêu thị ngay gần nhà để chuẩn bị cho những món ăn đầy bổ dưỡng. Nấu ăn có phải là điều gì khó khăn đâu. Tôi vốn là người khá thích nấu nướng, chỉ là do công việc bận rộn và nhà có ít người nên ít nấu mà thôi.
Trong đầu tôi hiện lên đủ những món ngon "trên trời, dưới biển, mặt đất". Vậy là tay không ngừng lấy đồ, đến khi nhận ra chiếc xe đẩy đã chật kín đồ ăn, tôi mới giật mình chạy ra quầy tính tiền. Tất nhiên hóa đơn hôm đó hết gần 1,5 triệu đồng không khiến tôi quá ngạc nhiên. Tôi tự trấn an rằng mình sắp tiết kiệm được cả đống tiền nhờ việc nấu nướng ở nhà. 1,5 triệu này mà đi ăn hàng thì có được mấy bữa đâu.
Tuy nhiên khi về đến nhà và xếp đồ ra, có những món đồ tôi thậm chí không hiểu mình đã nhặt vào lúc nào. Ở lần mua đồ sau, tôi nhận ra ngay khi bước vào siêu thị, chân tôi sẽ theo thói quen mà "la cà" ở những quầy hàng bánh kẹo, đồ ăn vặt trước rồi mới đi tới những quầy có đồ cần mua. Tôi sẽ chất đầy xe hàng của mình bằng những món đồ thậm chí không trong kế hoạch và không cần thiết.
Học được kinh nghiệm từ cô bạn, giờ đây trước khi đi mua đồ tôi đều lên trước danh sách những thứ mình cần mua, chỉ cầm theo một lượng tiền vừa đủ để tránh việc phát sinh những sản phẩm không cần thiết.
Thêm vào đó, để cưỡng lại sự cám dỗ từ những quầy bánh kẹo, đồ ăn vặt, tôi sẽ đến thẳng quầy thực phẩm mà mình cần mua và chỉ dùng một chiếc giỏ kéo vừa đủ thay vì lấy xe hàng thật to rồi chất cho đầy để thỏa mãn.
Không có thói quen kiểm kê đồ, tủ lạnh luôn quá tải
Một lần nọ, khi cao hứng muốn làm món bánh gato, nhớ mang máng nhà hết bột nở từ lâu, tôi đành vượt lười đến nơi chuyên bán đồ dùng làm bánh. Ngay khi bước vào cửa hàng, 1001 mặt hàng đủ chủng loại khiến tôi chẳng thể nào cưỡng nổi.
Tôi bắt đầu đi tìm bột nở, rồi tiện tay nhặt thêm mấy gói bột mì. Bột báng cũng hay, tôi có thể dùng đến khi nấu chè, socola và whipping cho món socola tươi béo mềm tan trong miệng... Cũng vì lúc đó chưa rút kinh nghiệm lên danh sách trước khi mua đồ nên tôi đã sà vào đống đồ làm bánh và mang về gần 400 nghìn đồng tiền các nguyên liệu khác nhau. Chuyện chưa hết ở đó khi tôi về nhà thì phát hiện mình vẫn còn bột nở. Vậy là tôi nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm đồ.
Định đi mua một gói bột nở giá 5 nghìn nhưng cuối cùng tôi lại xách về cả đống đồ với hóa đơn gần 400 nghìn đồng.
Tôi quyết dành ra một buổi chiều để kiểm kê các đồ làm bánh và thực phẩm trong nhà. Cầm một cuốn sổ và bút trong tay, tôi không ngờ trong ngăn tủ của mình có nhiều thứ như vậy. Hơn 10 túi bột các loại, từ bột mì, bột năng, bột chiên giòn, bột làm bánh cuốn... trong tình trạng dùng dở, có gói không biết đã mở từ bao giờ, có gói thậm chí còn hết hạn sử dụng.
Tôi bắt đầu với những gói đồ còn nguyên, giữ lại các sản phẩm còn hạn sử dụng và ghi cẩn thận vào một tờ giấy note. Tôi sẽ tạo thói quen kiểm tra mình còn gì trước khi đi mua để tránh khuân về một đống đồ rồi lại để hết hạn, vứt đi.
Tôi phân loại các sản phẩm và ghi vào giấy note cùng cả hạn sử dụng để dễ dàng quản lý.
Xong xuôi với tủ đồ khô, tôi tiếp tục "chiến đấu" với chiếc tủ lạnh và nhận ra những gì mình có chẳng khác nào một "siêu thị mini". Ngăn đá và ngăn mát chất đầy những hộp to hộp nhỏ, đồ ăn đồ uống rồi cả thuốc, mặt nạ... Thậm chí ở ngăn đá, tôi còn tìm ra chiếc cặp tóc là kỷ niệm của một người bạn. Có lẽ trong một lúc đãng trí, tôi đã "tiện tay" cất vào đó rồi lục khắp nhà mà chẳng thấy nó đâu.
Tôi sắp xếp lại tủ lạnh cho gọn gàng, ngăn đá chia rõ khu thịt và hải sản, ngăn mát cũng không để lẫn lộn rau củ với đồ ăn chín. Tôi nhận ra mình và rất nhiều người có thói quen cái gì còn, chưa ăn đến là cất vào tủ lạnh rồi có khi chẳng động tới. Một đống những thực phẩm sắp hết hạn hoặc lâu chưa dùng đến được lôi ra đầy cả bàn ăn. Tôi nhận ra sai lầm tiếp theo của mình chính là việc lãng phí đồ ăn thừa.
Lãng phí đồ thừa
Vì nhà chỉ có 2 vợ chồng và một con nhỏ nên tôi thường chọn việc ra hàng hay gọi đồ ăn ngoài khi lười, muốn ở nhà. Tôi không ngại nấu nướng song việc nấu ít dễ khiến tôi rơi vào cảnh thừa mứa đồ, tiền tự làm còn đắt hơn tiền mua đồ sẵn. Riêng điều này, tôi đã trải qua rất nhiều "kinh nghiệm đau thương" khi chi gần 200 nghìn để làm món bánh bao nhân thịt bò. Thành quả là được 8 cái và tôi chỉ hưởng được 1. Đó vẫn là còn may mắn so với những lần thử sức với những "công thức bất bại" mà vẫn thất bại như thường.
Tôi học cách suy nghĩ có hệ thống hơn khi chuẩn bị nấu một món ăn gì đó. Các nguyên liệu thường khó mua lẻ nên tôi sẽ tính toán xem với số nguyên liệu còn lại mình có thể dùng vào món gì. Nếu các nguyên liệu quá đặc biệt, dùng trong ít món thì có thể tôi sẽ lựa chọn mua sẵn ở ngoài khi thèm thay vì chi một mớ tiền ra, lục đục nấu nướng rồi bỏ phí cả đống nguyên liệu thừa.
Với bột mì, tôi có thể thỏa sức thể hiện các món bánh mì, bánh ngọt từ tây tới ta. Túi bột năng còn thừa sau khi làm bánh bột lọc có thể dùng làm bánh da lợn đậu xanh lá dứa, trân châu cho món trà sữa. Bột gạo không chỉ để làm bánh cuốn mà còn có thể biến hóa thành bát bánh đúc nóng cho bữa chiều hay bánh giò thơm ngon cho bữa sáng.
Món bánh bao, pizza ngon lành từ nguyên liệu chính là bột mì.
Với cà rốt, su hào hay su su còn thừa, thay vì vứt bỏ đi như trước đây, tôi sẽ biến chúng thành món dưa góp. Chỉ cần một chút giấm, đường và muối, chỗ thực phẩm kia có thể biến thành món dưa chua chua ngọt ngọt giải ngấy cực tốt.
Nếu không thích dưa góp, bạn có thể giữ lại các loại củ quả như củ cải, bí, hành tây hay cả táo, lê, dứa để cho vào các loại nước dùng. Đây cũng là bí quyết cho món nước lẩu thơm ngon mà không bị ngấy chồng tôi vẫn luôn miệng khen.
Sinh tố tổng hợp từ các trái cây còn thừa hay món sữa hạt ngon tuyệt từ túi đỗ đen được người họ hàng gửi cho.
Thỉnh thoảng, tôi sẽ "tổng kết" đồ ăn trong tủ trước khi mua thực phẩm mới. Đó có thể là một bữa cơm rang với các loại giò, xúc xích, trứng còn dư hay món pizza cho cả nhà đổi bữa. Mỗi loại trái cây còn vài quả, đôi khi vỏ không còn được đẹp mắt, tôi sẽ không vứt đi mà sơ chế rồi cất vào túi ziplock trong ngăn lạnh, khi cần chỉ cần lấy ra rất nhanh và chế biến thành món sinh tố tổng hợp đầy bổ dưỡng.
1 tháng "Nói không với ăn hàng", tôi không dám nhận mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền song chắc chắn đã có những bài học rất hữu ích được rút ra. Tôi đã biết lên kế hoạch trước khi đi mua sắm, biết được mình đang có những gì và không lãng phí từng chút đồ ăn thừa. Tôi tin rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp mình tiết kiệm được chi tiêu nhờ việc tự chuẩn bị đồ ăn và quan trọng hơn là gia đình tôi sẽ được ăn những món bổ dưỡng, nấu bằng cả tình yêu thương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn