Trận động đất xảy ra vào lúc 19 giờ 26 (giờ địa phương) ngày 16/12/1920 với tâm chấn nằm ở Hải Nguyên, khi đó là một quận của tỉnh Cam Túc. Có rất nhiều nguồn tin khác nhau đề cập đến quy mô của thảm họa thiên nhiên này. Một số luồng thông tin khẳng định, trận động đất Hải Nguyên đạt 8,5 độ richter, trong khi một số nguồn khác lại chỉ ra rằng, con số này "chỉ" là 7,8 độ richter. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất về cường độ địa chấn của trận động đất Hải Nguyên: đạt mức cao nhất trong thang cường độ Mercalli.
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, trận động đất Hải Nguyên đã khiến 234.117 người ở tỉnh Cam Túc thiệt mạng, khu vực tâm chấn Hải Nguyên có 73.604 người thiệt mạng. Tại thời điểm xảy ra trận động đất, 96 cơ quan giám sát động đất trên khắp thế giới đã ghi nhận được sóng chấn động đến từ thảm họa thiên nhiên khủng khiếp này.
Một số chuyên gia nghiên cứu uy tín về động đất trên thế giới phân tích, sức mạnh do thảm họa của trận động đất Hải Nguyên gây ra tương đương với 2 tỷ tấn thuốc nổ TNT. Độ sâu địa chấn là 17 km, sóng địa chấn nghiêm trọng nhất là trong phạm vi 200 km, bao gồm huyện Hải Nguyên, Cố Nguyên, Long Đức, Tây Cát, Tĩnh Viễn, Hội Ninh, Cảnh Thái, tại Hàm Dương hay Tây An của tỉnh Thiểm Tây hay như một số nơi tại Tân Cương có nhà cửa đổ sập, phạm vi đạt 1,7 triệu km².
Toàn bộ Trung Quốc đều phải chịu ảnh hưởng của trận động đất Hải Nguyên. Thủ đô Bắc Kinh, các thành phố Thượng Hải, Thái Nguyên, Trùng Khánh, Quảng Châu... bị phá hoại ở các mức độ khác nhau; ước tính dân cư trên 1/4 diện tích của Trung Quốc cảm nhận được chấn động của trận động đất.
Động đất hay các thảm họa thiên nhiên là điều mà con người phải gánh chịu, không chừa nơi nào trên thế giới. Nhưng đối với trận động đất ở Hải Nguyên, cho đến nay, nhiều người vẫn day dứt một điều, số nạn nhân thiệt mạng là quá lớn.
Xét về logic, trận động đất Hải Nguyên xảy ra ở miền Tây Bắc của Trung Quốc, diện tích của tỉnh Cam Túc vô cùng rộng lớn, dân cư thưa thớt, nên lẽ ra số nạn nhân bị thiệt mạng phải giảm. So sánh với trận động đất Kanto (Nhật Bản) năm 1923 với gần 150.000 nạn nhân bị thiệt mạng hay trận động đất Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, vào năm 1976 (232.769 người thiệt mạng), số nạn nhân ở trận động đất Hải Nguyên đều lớn hơn, trong khi những khu vực Kanto hay Hà Bắc đều có mật độ dân cư cao hơn. Số nạn nhân bị chết bởi trận động đất Hải Nguyên cao thứ 3 trong lịch sử các trận động đất ở Trung Quốc (chỉ xếp sau trận động đất Thiểm Tây năm 1556 với hơn 800.000 người chết và trận động đất Sơn Tây năm 1303 với gần 300.000 người chết).
Ở thời điểm đó, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn chưa ra đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa nắm quyền lãnh đạo. Chính phủ Bắc Dương điều hành đất nước Trung Quốc khi ấy bị chỉ trích là quá thụ động trong quá trình cứu trợ. Nạn tham nhũng và chuyện bỏ túi phần lớn quỹ cứu trợ của các quan chức càng khiến hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu thêm thảm khốc.
Trận động đất Hải Nguyên lại xảy ra vào mùa đông, khu vực xảy ra động đất có độ cao trung bình từ 1.500 đến 3.000 mét so với mặt nước biển, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Nhiều người có thể vẫn sống sau trận động đất nhưng lại không thể tồn tại được sau đó vì chết đói, chết rét.
Việc thiếu phương tiện giao thông và thông tin liên lạc thích hợp đã gây khó khăn cho việc đảm bảo luồng thông tin và hàng hóa thông suốt. Ở thời điểm đó, thậm chí một số tờ báo có trụ sở ở Bắc Kinh còn không thể xác định rõ vị trí chính xác của trận động đất và phải mất nhiều ngày để tìm hiểu điều gì đang xảy ra.
Ngoài ra, tỉnh Cam Túc nằm ở Cao nguyên Hoàng thổ, nơi đất khô cằn và tơi xốp. Điều này khiến cho khu vực này dễ bị động đất và khi thảm họa xảy ra, nhiều người dân đã bị chôn vùi trong những ngôi nhà yếu ớt của mình. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc phân tích rằng, nếu như trận động đất Hải Nguyên xảy ra ở thời điểm hiện nay, số nạn nhân bị thiệt mạng cũng như thiệt hại sẽ giảm nhiều.
Hiện nay, tại khu tự trị Ninh Hạ (tỉnh Cam Túc trước kia), chính quyền địa phương đã cho xây dựng "Công viên địa chất địa chấn huyện Hải Nguyên". Công viên chủ yếu lấy di tích động đất làm cảnh quan, đồng thời là điểm phong cảnh cấp quốc gia và là nơi tưởng niệm những nạn nhân của vụ động đất Hải Nguyên trong quá khứ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn