Màu sắc trên các bộ phận cơ thể cũng có thể tiết lộ các tình trạng sức khoẻ mà bạn đang gặp phải. Nếu 4 bộ phận này chuyển sang màu đen thì bạn nên lưu tâm đến sức khoẻ và đi thăm khám sức khoẻ sớm.
Môi dần chuyển sang màu đen hoặc sẫm có thể do nhiều nguyên nhân không đáng lo ngại như:
- Hút thuốc: Khói thuốc lá có chứa rất nhiều hoá chất có thể khiến môi đổi màu theo thời gian. Hút thuốc cũng làm giảm lưu lượng máu đến môi làm cho da môi bị sạm màu.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều: Tiếp xúc dài với tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời có thể gây tổn thương cho làn da mong manh trên môi. Theo thời gian, điều này có thể làm tăng sắc tố môi và khiến môi sẫm màu.
- Mất nước: Hydrat hoá không đủ có thể góp phần làm khô môi, nứt nẻ, dẫn đến sạm màu.
- Yếu tố lối sống: Sử dụng nhiều caffeine, liếm môi thường xuyên cũng sẽ khiến môi dễ bị sẫm màu.
Ngoài những nguyên nhân trên, môi chuyển sang màu đen cũng có thể cảnh báo các vấn đề sức khoẻ như:
- Thiếu máu: Đây là tình trạng đặc trưng bởi lượng hồng cầu hay huyết sắc tố trong máu thấp, có thể gây ra chứng xanh tím, khiến môi có màu hơi xanh hoặc sẫm.
- Bệnh tim tím tái: Nếu bạn thấy môi hoặc tay chân tím tái hoặc xanh, điều này cho thấy tuần hoàn kém và có liên quan đến bệnh suy tim sung huyết hoặc bệnh phổi.
Những đường màu đen trên móng tay có thể mang nhiều ý nghĩa, có thể do chấn thương, tác dụng phụ của thuốc và một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như khối u ác tính, HIV, viêm nội tâm mạc.
- Khối u ác tính
Khối u ác tính dưới móng, hay khối u ác tính ở móng tay, là bệnh ung thư da dưới móng tay. Nó thường xuất hiện dưới dạng một vệt đen, dọc (từ trên xuống dưới) trên móng tay. Khối u ác tính dưới móng rất hiếm nhưng nghiêm trọng.
Loại ung thư da này là một dạng u ác tính mạnh. Không giống như các bệnh ung thư da khác, khối u ác tính dưới móng không liên quan đến việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này có nhiều khả năng phát triển ở ngón chân cái, ngón tay cái hoặc ngón trỏ của bạn.
U ác tính ở móng thường được phát hiện muộn hơn các bệnh ung thư khác vì mọi người thường không biết các dấu hiệu cảnh báo. Để nhận biết khối u ác tính dưới móng, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây:
+ Móng tay tách, nứt hoặc biến dạng theo một cách nào đó.
+ Có sắc tố không đều (sự đổi màu không đồng đều).
+ Móng tay sưng hoặc bị viêm.
+ Móng bong ra khỏi ngón tay
+ Xuất hiện vết loét, nốt sần hoặc bắt đầu chảy máu.
+ Đổi màu vùng da xung quanh móng (dấu hiệu Hutchinson).
- HIV
HIV có thể gây ra những thay đổi ở móng tay, bao gồm cả những đường đen trên móng tay. Bản thân virus có thể gây ra những thay đổi này ở móng tay, cũng như các loại thuốc dùng để điều trị HIV. Nếu đường màu đen trên móng tay là do thuốc, các triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi bạn bắt đầu điều trị.
- Viêm nội tâm mạc
Vết đen trên nhiều móng tay cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng do vi khuẩn trong tim.
Các đường đen trên móng xảy ra do mạch máu bị tổn thương. Chúng được gọi là xuất huyết mảnh.
Ngoài các nguyên nhân nghiêm trọng trên, các vệt đen trên móng tay cũng có thể do bệnh vảy nến hoặc bị nhiễm trùng nấm.
Tình trạng cổ và nách đen là đặc trưng của bệnh gai đen. Ngoài cổ và nách, háng và những bộ phận khác cũng có thể bị thâm đen.
Bệnh gai đen thường xuất hiện ở những người thừa cân. Đây là tình trạng không nguy hiểm nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng sức khoẻ như:
- Bệnh tiểu đường loại 2
- Các tình trạng ảnh hưởng đến mức độ hormone – chẳng hạn như hội chứng Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tuyến giáp hoạt động kém.
- Trong vài trường hợp hiếm gặp, bệnh gai đen có thể là dấu hiệu cảnh báo một khối u ác tính trong một cơ quan nội tạng, chẳng hạn như ung thư dạ dày, ruột kết hoặc gan.
Một số triệu chứng của bệnh gai đen bao gồm:
+ Các mảng da màu nâu hoặc đen, phổ biến nhất ở các nếp gấp da, chẳng hạn như nách, cổ hoặc háng.
+ Vùng da đen này có cảm giác mượt mà, mịn
+ Một số người còn xuất hiện các u nhú nhỏ trên vùng da này
+ Ngứa
+ Các mảng da có mùi hôi
Các triệu chứng có xu hướng xuất hiện chậm, trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Nếu những dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Vết bầm tím, thâm đen trên da như tụ máu nhưng không rõ nguyên nhân, không bị chấn thương hay các tác động vật lý khác có thể là dấu hiệu của ung thư máu hoặc khiếm khuyết về mặt tuỷ xương.
Vết bầm tím do bệnh bạch cầu trông giống như bất kỳ loại vết bầm tím nào khác, nhưng có xu hướng nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, chúng có thể xuất hiện ở những vùng bất thường trên cơ thể bạn, chẳng hạn như lưng.
Tủy xương sản xuất hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu và nếu tủy xương xảy ra khiếm khuyết sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu và tiểu cầu gây rối loạn chảy máu và xuất hiện những vết bầm tím không rõ nguyên nhân trên da.
Tuy nhiên, vết bầm tím trên da không rõ nguyên nhân cũng có thể là triệu chứng gặp ở những người đang bị rối loạn nội tiết nghiêm trọng hoặc rối loạn chảy máu - bệnh này khiến máu khó đông.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn