Con người sống khó lòng tách rời khỏi cộng đồng. Chúng ta được móc nối với những mối quan hệ khác nhau: người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Song mỗi một nơi đều như một xã hội thu nhỏ, có những nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử khác nhau.
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần khả năng đối nhân xử thế tài tình. Đương nhiên, đây còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Ứng xử tốt, bạn có nhiều bè bạn. Ứng xử không tốt, bạn phải chấp nhận ít ỏi các mối quan hệ. Thứ bạn cần để sống tốt trong xã hội này chính là EQ.
Nếu 1 trong 5 năng lực này thấp thì EQ cũng không thể đạt đến trình độ cao.
Đầu tiên, khả năng cảm nhận người khác, là bạn có thể hiểu được những gì người khác cảm thấy, những gì người khác nghĩ.
Thứ hai, năng lực thấu hiểu chính mình. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trước khi muốn hơn thua với bất kỳ ai, hãy biết mình muốn gì và làm gì, nhận thức được bản thân tài giỏi đến đâu, có thể làm được những gì.
Người ta thường nói, phải có sự khôn ngoan trước rồi mới đến trí tuệ. Do đó, ngay cả bản thân cũng không thể hiểu thì làm gì cũng không xong.
Thứ ba, khả năng biểu đạt. Loại năng lực này chủ yếu đòi hỏi chúng ta có tài ăn nói, hoặc chí ít phải biết sử dụng ngôn từ và chuẩn mực trong giao tiếp.
Đó là lý do người sở hữu EQ cao thường có tài ăn nói, tinh tế từ hành động cho đến cách giao tiếp ứng xử hằng ngày.
Thứ tư, khả năng kiểm soát cảm xúc. Giữ vững tâm thái trong mọi tình huống. Giận không bốc đồng, buồn không than, vui không khoe. Có thể bạn sẽ cho rằng không có ai làm được tất cả yêu cầu trên.
Điều này hoàn toàn chính xác! Kiểm soát cảm xúc không phải là chuyện dễ dàng. Người làm được mới trưởng thành và tinh tế thật sự.
Không cần sự hoàn hảo, chỉ cần bạn biết suy nghĩ trước khi mở miệng lúc nóng giận, biết nỗ lực phấn đấu trước khi than thân trách phận, biết kiềm chế ham muốn khoe khoang phù phiếm trước khi thông báo cho thiên hạ biết mình đạt được những gì. Nhiêu đây thôi cũng đủ giúp bạn trở thành người có EQ cao.
Thứ năm, khả năng đối phó với các mối quan hệ phức tạp giữa người với người.
1. Người khác có thể tự chế giễu chính họ, tự quở trách bản thân, nhưng bạn không được hùa theo chêm lời vào. Người khác tự chế giễu có thể là một kiểu hài hước hoặc đó là câu chuyện của họ. Nhưng nếu bạn xen vào, “trôi theo dòng chảy”, chế giễu luôn họ, thì đó đã trở thành sự cố vô duyên và khiến người khác bị tổn thương.
2. Trước mặt, không nói lời ngông cuồng; sau lưng, không nói xấu thị phi. Gặp chuyện, không than oán. Cho dù bạn chỉ nói đùa, nhưng người khác có thể cho là thật.
3. Làm việc khi tỉnh táo, đọc sách khi lạc lối mơ hồ, ngủ khi tức giận, suy ngẫm khi ở một mình.
4. Cố gắng kiềm giữ những lời nói khiến người khác tổn thương khi cơn tức giận bùng nổ.
5. Không nên tiết kiệm sự chân thành và khen ngợi. Lời khen không mất phí. Bạn cho đi lời ngon tiếng ngọt, đối phương cũng trả lại sự dịu dàng.
6. Không để năng lượng tiêu cực ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi buồn, hãy an ủi chính mình rằng tất cả các cuộc gặp gỡ, những gì xảy ra đều là ý trời, tất cả những thứ có đều là do may mắn.
7. Không biết cách giao tiếp thì đừng nói bừa bãi và nên giữ im lặng. Mỉm cười ngược lại sẽ tốt hơn.
8. Người càng thân thiết gần gũi, càng phải đối xử bằng cả trái tim.
9. Gặp tiểu nhân, không tranh cãi, trên mặt nên mang theo nụ cười, ngoài miệng nói lời dĩ hòa vi quý, trong lòng phải đề phòng. Đây không phải là đạo đức giả, mà là tự bảo vệ chính mình.
10. Biết lắng nghe và đồng cảm. Đây là kỹ năng quan trọng nhất trong giao tiếp và ứng xử giữa người với người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn