10 cách hiệu quả giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ tự kỷ kiểm soát tiếng ồn

20:13 | 04/04/2018;
Tiếng ồn thường gây ra những tác động tiêu cực với trẻ tự kỷ, thậm chí làm tổn thương trẻ. Thầy Andy Trung, Giám đốc Vietnam Therapeutic Riding Center chia sẻ 10 cách mà các gia đình có con tự kỷ có thể tham khảo để giúp con vượt qua khó khăn này.
vip3.jpg

Âm thanh mà con người bình thường luôn đón nhận trong cuộc sống hằng ngày, nhưng đối với trẻ tự kỷ có thể là một nguy cơ gây hoạ 


 1. Phải biết âm thanh nhạy cảm

Có thể là tiếng chó sủa, tiếng quạt trần kêu vù vù hoặc tiếng xả nước từ bồn cầu và tất cả những âm thanh có liên quan tới sinh hoạt hằng ngày... đều có thể tác động tới trẻ tự kỷ. Nếu chúng ta chịu khó quan sát và lắng nghe khi gần con, chúng ta sẽ đưa những âm thanh đó vào mục cần lưu tâm, từ đó có cách kiểm soát trước, trong và sau khi vấn đề đó tác động vào con, dù là gián tiếp hay trực tiếp.

2. Thiết bị hỗ trợ

Một số nhà chuyên môn, bác sỹ có những đề xuất trong việc kiểm soát tiếng ồn đối với trẻ tự kỷ thông qua trang thiết bị hỗ trợ như tai nghe, máy trợ thính mang theo ở mọi lúc, mọi nơi nếu cần thiết. Điều này giúp bớt đi nỗi lo khi đưa trẻ đi sinh hoạt nơi công cộng. Tuy nhiên, hạn chế của trang thiết bị là quá phụ thuộc vào chúng và kéo dài trong suốt cuộc đời.

3. Môi trường an toàn cho trẻ tự kỷ

Công viên, nhà hát, khu vui chơi giải trí với những trò tiêu khiển… có thể là những tiếng ồn gây tổn thương tới con. Bạn sẽ làm gì giúp con lúc đó? Câu trả lời thật khó khi mà chính bạn cũng là người mới chỉ nghe được âm thanh lạ đó lần đầu. Vì vậy, xác định được môi trường an toàn là điều cần thiết khi đưa con tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. 

4. Cho phép kiểm soát một số tiếng ồn cần thiết liên quan nhiều tới sinh hoạt hằng ngày

Chúng ta phải giúp con tập làm quen những âm thanh quen sinh hoạt hằng ngày. Thời gian sẽ giúp con cảm thụ được âm thanh quen thuộc đó. Nó có thể khó khăn lúc ban đầu, nhưng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi con nghe và thấy nó một cách thường xuyên và có phương pháp (âm nhạc trị liệu). 

vip1.jpg

Xác định được môi trường an toàn là điều cần thiết khi đưa trẻ tự kỷ tham gia hoạt động vui chơi, giải trí


 5. Âm thanh xấu với âm thanh thích, âm thanh xấu với hoạt động ưu thích của con

Con sợ tiếng kêu của máy giặt hoặc tiếng ồn lần đầu bắt gặp? Ta nhanh chóng gây sự chú ý sang một âm thanh quen thuộc sẽ làm con yên tâm ngay. Sự chuyển hướng từ hoảng sợ sang thích thú (tò mò), là cách giúp con bình tĩnh và gia đình dễ dàng kiểm soát con.

6. Tăng dần âm thanh nhạy cảm

Con sẽ hoảng sợ nếu âm thanh ở độ 5 bất chợt. Ta sẽ giúp con quen dần với các cấp độ 1-2-3-4-5. Việc này giúp con dễ đón nhận âm thanh và giảm đi lo lắng khi gặp phải. Bạn có thể thu âm âm thanh đó ra đĩa và giúp con làm quen hằng ngày qua loa đài hoặc âm thanh trên bài hát con thích. Hãy chậm và từ từ để con cảm nhận thứ tiếng ồn đó, không biết là bao lâu, để con nhận thấy đó là vô hại.

7. Thay thế không gian ồn ào bằng không gian yên tĩnh

Nếu gia đình cảm thấy bất an với tiếng ồn ở môi trường con đang hoạt động thì ngay lập tức phải kiểm soát và đưa con tới nơi có âm thanh nhẹ nhàng, gần gũi hoặc có sự yên tĩnh nhất có thể. Điều này giảm thiểu rủi ro khi đang vui chơi ở nơi công cộng. 

8. Nhận thức hành vi

Ta không thể kiểm soát được hỗn hợp âm thanh ngoài cuộc sống với con. Vì vậy, giúp con tự kiểm soát âm thanh ồn ào đó cũng là cách hạn chế tối đa rủi ro khi gặp phải. Thiền, Yoga và một số phương pháp truyền thống, sẽ giúp con nhận biết được âm thanh phức tạp. 

9. Hỗ trợ từ bác sỹ chuyên khoa thính giác

Đó là cách để biết chính xác con có bị ù tai không? Có biết thính giác kém, mất thính lực truyền dẫn, hư hại thần kinh thính giác gây ra những hạn chế trong giao tiếp hằng ngày không? Vấn đề gì gặp phải từ tai của con? Hãy thăm khám thường xuyên, liên tục định kỳ để kiểm tra sức khỏe con.

10. Tránh các chất phụ gia thực phẩm

Một chế độ ăn kiêng phù hợp và lắng nghe những chuyên gia về dinh dưỡng dành cho trẻ tự kỷ là cách giúp con giảm độ nhạy cảm và kiểm soát con dễ dàng hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn