10 câu không nên nói với con

18:29 | 17/02/2016;
Có những câu nói, thậm chí khen ngợi, có thể gây ra ảnh hưởng xấu tới trẻ nhỏ hơn là làm cho chúng trở nên tiến bộ.

Con làm tốt lắm

Nói những câu chung chung như “con gái ngoan” hay “con làm tốt lắm” mỗi khi con bạn làm tốt một việc gì đó sẽ khiến cho chúng phụ thuộc vào lời khen của bạn nhiều hơn là vào khả năng thực của chúng. Chuyên gia cố vấn cho các bậc phụ huynh Jenn Berman, tác giả của cuốn “The A to Z guide to Raising Happy” khuyên rằng các bậc phụ huynh chỉ nên khen con mình khi chúng thực sự xuất sắc và phải đưa ra một lời khen càng cụ thể càng tốt.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Sự thật là những đứa trẻ càng dành nhiều thời gian hơn thì những kỹ năng của chúng sẽ càng được tôi luyện tốt hơn. Tuy nhiên, câu ngạn ngữ cửa miệng này của các bậc cha mẹ lại vô tình trở thành áp lực cho bé. Tiến sĩ Joe Fish, tác giả của cuốn sách “101 Ways to BE a Terific Sports Parent” nói: “Nó gửi đi một thông điệp rằng nếu bạn phạm sai lầm thì đó là do bạn đã không rèn luyện chăm chỉ”.

Có nhiều đứa trẻ lao đầu vào tập luyện không ngừng nghỉ nhưng vẫn luôn dằn vặt tự hỏi tại sao mình không phải là nhất. Vì vậy thay vào việc nói câu nói này, các bậc phụ huynh nên khuyến khích con mình học tập và làm việc chăm chỉ hơn vì việc này sẽ giúp bản thân con cải thiện bản thân và cảm thấy tự hào về sự tiến bộ của mình.

Con không sao đâu

Khi những đứa trẻ của bạn bị xước đầu gối và òa khóc, theo bản năng bạn sẽ trấn an chúng ngay rằng chúng không đau. Nhưng bạn không biết rằng chính sự trấn an đó lại càng làm đứa trẻ cảm thấy tồi tệ hơn. Tiến sỹ Berman nói: “Con bạn khóc là bởi vì nó cảm thấy không ổn.”. Việc của bạn lúc này là giúp con mình vượt qua cơn đau bằng cách hiểu và giúp chúng đối phó với cơn đau đó. Những lúc như vậy, bạn hãy thử an ủi chúng bằng một cái ôm và thừa nhận nỗi đau của chúng thay vì phủ nhận, rồi sau đó tìm cách chữa trị.

Nhanh lên! 

Con bạn bỏ mứa bữa sáng, khăng khăng tự buộc dây giày theo ý mình mặc dù chẳng biết buộc và kết quả là muộn giờ học. Điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại khiến cho bạn trở nên căng thẳng và bắt đầu giục chúng bằng cách quát lên một cách cáu gắt: “Nhanh lên!”.

Tiến sỹ Linda Acredolo khuyên rằng, mặc dù tức giận nhưng các bậc phụ huynh vẫn nên nói với giọng điệu mềm mỏng một chút. Vì như vậy con bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn. Hoặc thậm chí bạn còn có thể biến câu nói đó trở thành một trò chơi chẳng hạn như thi chạy để kích thích chúng.

Mẹ đang ăn kiêng

 

Bạn suốt ngày chỉ chăm chú theo dõi cân nặng của mình, luôn kêu than rằng mình béo. Điều này rất có thể sẽ khiến cho con bạn phát triển thể chất một cách không lành mạnh. Giáo sư nhi khoa và dịch tễ tại Trung tâm y tế Đại học Quốc tế Nassau, New York,  ông Marc S. Jacobson khuyên rằng tốt hơn là mỗi lần cảm thấy mình béo, bạn không nên nói trước mặt con mình rằng mình phải ăn kiêng mà hãy nói rằng bạn ăn như vậy là để tốt cho sức khỏe.

Chúng ta không có đủ khả năng

Câu nói này rất hay bắt gặp khi những đứa trẻ của bạn đòi mua những món đồ chơi mới. Chính câu nói buột miệng này lại khiến cho đứa trẻ nghĩ rằng bạn đang không có đủ tài chính và có thể gây tâm lý lo sợ cho trẻ. Thay vì câu nói đó, bạn hãy diễn đạt theo một cách khác như: “ Mẹ không mua là bởi vì chúng ta đang tiết kiệm cho thứ quan trọng hơn”. Thậm chí nếu như những đứa trẻ vẫn khăng khăng muốn thảo luận về vấn đề này thì bạn sẽ có cơ hội được chỉ cho chúng cách quản lý tiền bạc.

Đừng nói chuyện với người lạ

Đây thực sự là một khái niệm khó nắm bắt đối vời những đứa trẻ. Vì chúng chẳng thế biết được đâu là người xa lạ. Một khi một người đối tốt với chúng thì rất có thể chúng sẽ không nghĩ đó là người lạ. Hay ngược lại, chúng hoàn toàn có thể khước từ sự giúp đỡ của cảnh sát hay nhân viên ý tế khi nghĩ họ là người lạ. Bạn nên diễn đạt lại thành: “Nếu có bất kỳ ai làm con sợ hãi, buồn bực hay bối rối, hãy nói với mẹ ngay nhé”.

Cẩn thận!

Việc thốt ra câu nói này khi con bạn đang chơi đùa trong công viên hay đi sang đường rất có thể sẽ khiến cho chúng gặp nguy hiểm. Deborah Carlisle Solomon, tác giả cuốn Baby Knows Best, chia sẻ rằng: “ Lời nói của bạn sẽ làm đứa trẻ xao nhãng khỏi những gì chúng đang làm, khiến chúng mất tập trung”. Trong những trường hợp như vậy, tốt nhất bạn nên trực tiếp đến gần và nhắc nhở con mình.

Sẽ chẳng được ăn gì hết nếu như con không ăn hết bữa tối của mình

Câu nói này sẽ càng khiến cho con bạn cảm thấy chán ăn hơn. Vì vậy tốt nhất các bậc phụ huynh nên điều chỉnh câu nói của mình một chút, chẳng hạn như: “ Chúng ta sẽ ăn hết bữa tối đã rồi sau đó con sẽ được ăn những thứ mà con thích”. Sự thay đổi ngôn từ nói chuyện đơn giản này sẽ đem đến những tác động tích cực hơn đối với những đứa trẻ của bạn.

Để mẹ giúp 

Khi con bạn đang muốn tự xếp những khối lego hay tự giải đáp một câu đố thì đó là lúc chúng đang muốn tự mình giải quyết vấn đề. Tiến sĩ Myrna Shure nói rằng: “ Nếu bạn tham gia quá sớm, nó sẽ làm giảm tính tự lập của con bạn vì từ đó chúng sẽ luôn tìm câu trả lời từ người khác”. Bạn nên hỏi con mình những câu hỏi nhằm gợi ý cho chúng lời giải.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn