Không chỉ những đứa trẻ phải học trưởng thành, những người làm bố, làm mẹ cũng phải học để trở thành những bậc phụ huynh tốt trong thời hiện đại. Học để kiên nhẫn, đồng hành với con, hiểu suy nghĩ và mong muốn của con, tạo cho con những trải nghiệm phong phú bằng cách dành thời gian và thương yêu chúng theo cách của mình.
Dưới đây là 10 điều cha mẹ nói với trẻ càng sớm càng tốt, đợi con lớn mới dạy thì đã quá trễ.
Thông qua cách cư xử tốt, trẻ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng bố mẹ và những người xung quanh trẻ. Ngay sau khi trẻ có thể giao tiếp bằng lời nói thì chúng sẽ biết nói "xin lỗi" và "cảm ơn". Giải thích với con để con hiểu rằng khi con lịch sự với mẹ, mẹ sẽ giúp con. Sẽ hiệu quả hơn cho trẻ khi học cách tôn trọng người khác thông qua những hành vi rõ ràng từ bố mẹ thay vì chỉ lắng nghe những lời bạn giảng dạy.
Người xưa có câu "tiên học lễ, hậu học văn" ý muốn nói tới việc đầu tiên cần học chính là lễ nghĩa, đạo đức. Và lòng biết hơn chính là yếu tố quyết định tới nhân cách của một người. Vậy nên, hơn cả trí tuệ, việc dạy con có lòng biết ơn từ khi còn nhỏ chính là nền tảng để giúp bé trở thành người tốt trong tương lai, từ đó giúp con thêm hạnh phúc và yêu đời.
Thật thà, trung thực là một trong những đức tính quan trọng và cốt lõi giúp hình thành nhân cách, tính cách, quyết định tới cuộc sống sau này của trẻ. Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dạy những đứa trẻ trung thực, thật thà là một thách thức bởi trẻ rất khó phân biệt giữa sự thật và lời nói dối, đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi. Vậy nên việc dạy con sống trung thực là việc mà ai cũng cảm thấy vô cùng cần thiết.
Con đường để con đến với ước mơ có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Khi ước mơ và những khát khao được nuôi dưỡng hàng ngày với niềm tin và lòng quyết tâm thì ước mơ đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.
Trong cuộc sống hiện nay, học cách vượt qua thất bại cũng quan trọng không kém việc cố gắng thành công. Nếu không học cách đứng dậy sau thất bại, trẻ có thể bị khủng hoảng dù ở lứa tuổi mầm non hay đại học. Và có lẽ điều quan trọng hơn là nó khiến trẻ từ bỏ việc cố gắng hoặc thử những điều mới.
Đừng bao giờ so sánh bé trước đám đông, hoặc phán xét khả năng khi bé làm 1 việc gì. Dù bé làm không tốt, nhưng bé đã mạnh dạn làm, đáng cổ vũ hơn là phán xét. Nhiều phán xét chỉ vô ý hoặc chỉ cho vui, nhưng đối với trẻ từ 3-12 tuổi là rào cản để trẻ tiếp tục làm điều đó trong tương lai. Trẻ sẽ thiếu tự tin để làm bất cứ việc gì. Và con có thể bắt chước cách phán xét đó của ba mẹ.
Thông thường khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ yêu cầu con nói xin lỗi. Đó là một phản xạ cửa miệng. Nhưng làm thế nào để trẻ không cần nhắc nhở mà vẫn biết nói lời xin lỗi, trẻ tự nhận thức được lỗi lầm mình đã gây ra là điều không dễ dàng. Việc buộc trẻ nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai không giúp chúng phát triển các kỹ năng xã hội và tình cảm. Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết được lý do tại sao phải xin lỗi để trẻ nhận ra những lỗi lầm của mình.
Kỹ năng chăm sóc bản thân rất có lợi trong việc phát triển tinh thần, thể chất và cả trí tuệ cho trẻ sau này. Trẻ sẽ được rèn luyện tinh thần trách nhiệm, tính tự giác với mọi hành động, lời nói của mình. Bên cạnh đó, trẻ còn bắt đầu tìm hiểu về bản thân, nhận biết được đâu là sở trường, sở đoản để có những định hướng phát triển phù hợp nhất.
Việc dạy trẻ kỹ năng này không chỉ giúp trẻ chăm sóc tốt cho bản thân mà còn có khả năng quan tâm tới mọi người xung quanh, nhất là những người mà trẻ yêu thương như ông bà, ba mẹ, anh chị em...
Chăm chú lắng nghe có thể giúp trẻ phát triển các mối quan hệ và trở thành người bạn tốt. Kỹ năng này cũng có thể giúp trẻ tiếp thu nhiều thông tin hơn trong lớp học.
Việc lắng nghe mở ra cơ hội tuyệt vời để con em chúng ta tiếp cận với thế giới xung quanh.
Dù có chuyện gì xảy ra, hãy dạy con biết rằng người thân yêu là quan trọng nhất. Lúc nào ba mẹ cũng ở bên, lắng nghe và là hậu phương của con. Dành thời gian cho những người mà mình yêu là một cách thể hiện tình yêu thương, nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn