Ăn sữa chua sau bữa ăn để kích thích tiêu hóa, uống nước cháo tốt cho dạ dày... là những lời khuyên sức khỏe nhiều người hay nói với nhau. Tuy nhiên, đây hoàn toàn đều là những quan điểm chưa khoa học. Dưới đây là những lối sinh hoạt tưởng lành mạnh nhưng thực chất không như bạn nghĩ.
Nhiều người cho rằng uống sữa chua hoặc các loại đồ uống chứa vi khuẩn lactic sau bữa ăn có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa và làm khỏe dạ dày. Tuy nhiên, trên thực tế, uống các loại này sau khi ăn ít có tác động đến tiêu hóa. Hơn nữa, uống sữa chua sau bữa ăn có thể sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và tăng thêm calo.
Sữa chua tốt nhưng không nên dùng sau bữa ăn. (Ảnh minh họa)
Nhiều người béo phì, cao huyết áp cho rằng không nên ăn thịt, cá, trứng, sữa mới tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai. Bác sĩ Lý Toàn Dân, Trung Quốc nói rằng bạn chỉ nên ăn ít dầu, ít muối, ít đường. Thịt là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, nguồn cung cấp vitamin B và các nguyên tố vi lượng quan trọng. Cá, tôm, thịt gia cầm bỏ da là những loại thịt giàu chất đạm, ít chất béo, rất phù hợp với những người trong chế độ ăn kiêng giảm béo.
Uống nước cháo được nhiều người rỉ tai là bí quyết dưỡng sinh, có ích lợi cho dạ dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quả thực nước cháo gây hại. Người bị viêm loét dạ dày uống nước cháo dễ viêm nặng, do nồng độ ion canxi cao sẽ làm tăng tiết axit dạ dày và làm tổn thương thêm trong niêm mạc dạ dày. Thêm vào đó, ăn thức ăn dễ tiêu lâu ngày làm khả năng tiêu hóa của dạ dày sẽ kém đi.
Nước ninh, hầm các loại xương, củ, quả được cho là nhiều dinh dưỡng, càng đặc thì càng nhiều dinh dưỡng. Dinh dưỡng của canh không liên quan gì đến thời gian nấu, chỉ cần sôi một lúc để đạt được vị ngọt nhất định của thực phẩm là được. Nếu bạn ninh quá lâu, hàm lượng nucleotide trong đó càng cao. Chất purine gây ra bệnh gút là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa nucleotide, có nghĩa là, nước dùng càng đun lâu thì nguy cơ gây ra bệnh gút càng cao.
Bác sĩ khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Trung Quốc chỉ ra, nhiều người không dám ăn lòng đỏ trứng vì sợ cholesterol cao và lipid máu cao. Thực tế, lòng đỏ trứng chứa nhiều nguyên tố vi lượng và cũng là một nguồn tuyệt vời của phospholipid làm giảm cholesterol, nhờ thế có thể thúc đẩy sự hấp thụ các vitamin tan trong chất béo. Ngoài ra, lòng đỏ trứng còn có choline, giúp hạ lipid máu và chống xơ vữa động mạch.
Đối với quan điểm hàm lượng cholesterol cao trong lòng đỏ trứng khiến nhiều người lo lắng là gây tăng lipid máu, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Heart năm 2020 chỉ ra, những người ăn trứng hàng ngày có nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch thấp hơn 18% so với những người không hoặc hiếm khi ăn trứng.
Ăn lòng đỏ trứng gà tốt cho cơ thể, nếu dùng với lượng vừa đủ. (Ảnh minh họa)
Rượu tưởng chừng có lợi cho giấc ngủ nhưng thực sự có thể cản trở giấc ngủ, làm gián đoạn toàn bộ trạng thái ngủ.
Có thể ban đầu rượu rút ngắn thời gian đi vào giấc ngủ, nhưng sau khi tác dụng của rượu giảm, bạn thường xuyên bị thức giấc, làm giảm chất lượng giấc ngủ tổng thể. Sức khỏe ban ngày và các chức năng nhận thức thần kinh như học tập và trí nhớ cũng bị suy giảm đáng kể nếu giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn do uống rượu trước khi đi ngủ.
Theo bác sĩ Vương, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Nhân dân Thành Đô (Trung Quốc), chất Alpha-lactalbumin trong sữa chứa 5,3% tryptophan, chất này có thể tổng hợp 5-hydroxytryptophan trong cơ thể, tiếp tục chuyển hóa thành melatonin, tham gia vào quá trình điều hòa giấc ngủ. Tuy nhiên, hàm lượng tryptophan trong sữa rất ít, hàm lượng khi đi vào cơ thể con người để lên não lại càng thấp nên tác dụng hỗ trợ giấc ngủ yếu.
Sữa tươi tốt cho cơ thể. (Ảnh minh họa)
Ngủ giường có độ cứng nhất định có thể loại bỏ áp lực lên đĩa đệm do sức nặng cơ thể gây ra, có lợi cho việc giảm các triệu chứng đau thắt lưng. Tuy nhiên, nếu bạn ngủ trên một tấm ván cứng, nó không thể khớp với đường cong bình thường của cột sống con người, không thể chống đỡ thắt lưng, gây ra các triệu chứng đau lưng. Tốt nhất nên nằm giường lót đệm 3-5 cm sẽ tốt hơn cho cột sống.
Bác sĩ Lý, khoa Tâm lý và Giấc ngủ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc phủ nhận quan điểm này. Từ thực tế cá nhân, cô chỉ ra thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị bội thực, khả năng miễn dịch suy yếu, vóc dáng ngày càng xấu đi. Ngược lại, nếu bạn ngủ quá lâu, các tế bào não sẽ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi.
Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh phổ biến của người già trên 65 tuổi. Mặc dù xoa bóp mạnh có thể khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn trong thời gian ngắn, các triệu chứng sẽ sớm xuất hiện trở lại, thậm chí đẩy nhanh quá trình phát triển của bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Sau khi xoa bóp mạnh, phù nề cơ sẽ hình thành, gây ra một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại, khiến cường độ xoa bóp sẽ tăng lên. Việc xoa bóp mạnh trong thời gian dài sẽ phá hủy sự vững chắc của cột sống cổ, đẩy nhanh quá trình thoái hóa và lồi đĩa đệm, khiến tủy sống cổ bị chèn ép nghiêm trọng hơn. Do đó, tốt nhất bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chụp chiếu và có phác đồ điều trị phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn