Đó là tâm sự của chị Nguyễn Hạnh, 32 tuổi, đến từ Lâm Đồng. Trước năm 2022, chị Hạnh vẫn sống và làm việc tại TPHCM, thành phố hoa lệ mà chị đã gắn bó hơn 10 năm.
Vốn là người con của cao nguyên Lâm Đồng, cuộc sống từ nhỏ gắn liền với ruộng đồng, thiên nhiên nhưng khi lớn lên, chị Hạnh Nam tiến, vào Sài Gòn sống và học tập.
Chị Hạnh vốn là người con của mảnh đất Lâm Đồng, có hơn 10 năm sống và làm việc tại TPHCM
Suốt hơn 10 năm ở Sài thành hoa lệ, chị Hạnh từng kinh qua nhiều công việc khác nhau, từ kinh doanh đến làm truyền thông, tổ chức sự kiện.
Làm việc trong môi trường hiện đại, được đi nhiều, gặp gỡ những nhân vật trong không gian xa hoa, tráng lệ nhưng chị Hạnh luôn cảm thấy mình không thuộc về những nơi ấy. Quãng thời gian 10 năm không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn, vậy nhưng chị Hạnh vẫn thấy bản thân khó bắt nhịp được với sự hối hả, xô bồ của chốn thị thành.
Niềm đau đáu về cuộc sống an yên, bình dị nơi thôn quê càng bùng lên mãnh liệt từ sau chuyến du lịch lên vùng cao Tà Xùa (Sơn La).
"Tôi vốn yêu thiên nhiên và cực mê cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Sau một lần đi Tà Xùa chơi, tôi quyết định sống tại đây luôn. Từ trước Tết năm nay, tôi chính thức trở thành dân nhập cư tại một bản làng toàn người Mông ở Tà Xùa.
Từ bỏ công việc cũ với quần áo công sở xúng xính, bây giờ trang phục hằng ngày của tôi là những bộ đồ nông dân luôn lấm lem và bàn tay lúc nào cũng nhem nhuốc.
Công việc của tôi chủ yếu là làm vườn, trồng hoa và làm một căn homestay nhỏ cho khách du lịch thuê" - Chị Hạnh tâm sự.
Từ khi sinh con, chị Hạnh đã tìm hiểu rất nhiều về lối sống thuận tự nhiên, trở về gần gũi nhất có thể với thiên nhiên và những giá trị truyền thống. Nhưng khi sống chen chúc giữa Sài Gòn xô bồ, muốn hít thở bầu không khí trong lành, tràn ngập cây xanh, không khói bụi, không ồn ào quả thực rất khó.
Từ khi lên Tà Xùa, chị Hạnh mới thực sự tìm được "chân ái", chị được sống lối sống lành mạnh, trở về với truyền thống và lấy nông nghiệp bền vững làm gốc rễ.
Quãng thời gian đầu khi quyết định bỏ phố về rừng, chị Nguyễn Hạnh nhận ra đằng sau vẻ bình dị, an yên là những nỗ lực để thích nghi và sinh tồn.
Điều đó quả thực không hề dễ dàng và đơn giản một chút nào. Chưa kể, vốn sinh ra ở quê nhưng đã nhiều năm rời xa công việc chân tay, chị Hạnh bị bạn bè, gia đình, đồng nghiệp ngăn cản, ái ngại trước ước muốn bỏ phố về rừng của chị.
"Bạn bè, người thân mình từng hỏi, sao lại "khùng" vậy, bỏ cuộc sống hiện đại, tiện nghi ở thành phố để đánh đổi về nơi này?Đang đầy đủ vậy về đây thì sao sống nổi?
Thế nhưng mình vẫn luôn vững vàng vì trước quyết định táo bạo này, mình đã xác định rõ mục tiêu và mong muốn của bản thân, nên cứ thế mà hiện thực hóa mục tiêu thôi.
Ngược lại, nhiều bạn thấy mình sống nơi khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ cùng những con người thân thiện, trong thiên đường mây và trập trùng đồi núi thì cũng trầm trồ xuýt xoa.
Thế nhưng phía sau sự bình yên, thơ mộng ấy là rất nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, thậm chí cả nỗi sợ hãi, chênh vênh" - chị Hạnh bộc bạch.
Hiện tại, chị Hạnh đang sống ở trên núi cao 1.941 mét so với mực nước biển, gần rừng nguyên sinh, nhiệt độ trung bình năm chỉ từ 15 đến 20 độ C.
Ngày đầu lên Tà Xùa, chị chọn mua mảnh đất sát rừng để làm trang trại nhỏ. Phụ nữ "chân yếu tay mềm" là thế, nhưng chị Hạnh không ngại "xông pha" làm tất cả mọi công việc tay chân nặng nhọc để tự xây "tổ ấm cho mình".
Chị sống trong căn lán chưa đến 10 mét vuông, tự lấy nước sinh hoạt từ đầu nguồn. Ngoài làm vườn, chị Hạnh bắt đầu xây dựng một homestay cho khách du lịch thuê. Các vật liệu, nội thất tại homestay đều từ gỗ. Dầu gội, sữa tắm sử dụng tại đây đều là sản phẩm hữu cơ chị tự làm, hạn chế hóa chất, rác nhựa dùng một lần.
Căn homestay siêu "chill" của chị Hạnh ở Tà Xùa
"Tôi hy vọng có thể lan tỏa lối sống lành mạnh tới các vị khách ghé thăm, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ. Vật liệu, đồ dùng của homestay đều từ thiên nhiên cũng giúp cho không gian nơi đây càng thêm mộc mạc, bình dị, "thơ" hơn.
Ngoài kinh doanh homestay, tôi còn làm nông và bán các nông sản, sản phẩm sạch do mình tự tay trồng, chế biến. Bình thường làm vườn đã khó, làm theo kiểu thuận tự nhiên thì còn khó hơn. Từ việc canh tác không hóa chất sẽ tốn kém tiền bạc và thời gian hơn tới việc chọn lựa chất liệu gần gũi".
Được về sống giữa thiên nhiên, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chị Hạnh cảm thấy vô cùng hạnh phúc và thỏa mãn với những niềm vui bình dị mà bản thân đang được tận hưởng mỗi ngày.
Điều chị thích nhất khi về rừng là thực phẩm, rau, củ, quả sạch và rất tươi ngon. Cứ đi một vòng quanh vườn là chị lại thu được thực phẩm sạch mang về. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt cũng ít hơn nhiều so với khi ở thành phố.
Con của chị được tận hưởng không gian sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên hơn. Trẻ em nơi đây có không gian rộng lớn cùng thiên nhiên, không bị "nhốt" trong bốn bức tường nên luôn thư thái, dễ chịu, ôn hòa hơn.
Sống giữa thiên nhiên là niềm mơ ước của chị Hạnh
Chị Hạnh chiêm nghiệm: "Trẻ con ở đây có khả năng tự cân bằng cảm xúc, chúng không bị căng thẳng, stress. Chúng lớn lên một cách bình an vì có không gian rộng lớn cùng thiên nhiên, không bị "nhốt" trong bốn bức tường.
Cái này người lớn thấy rất rõ, tại sao chúng ta thường có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, được giải tỏa muộn phiền khi ở không gian thoáng, tầm ngắm mắt được phóng xa, không khí dễ chịu?
Từ khi có con, mình cũng từng theo đuổi cụm từ: "Thuận tự nhiên" để rồi lạc vào ma trận của những phương pháp, những món hàng hoá, những khoá học được trao đổi bằng tiền....
Để đến giờ nhận ra, chỉ cần nhìn vào sự giản đơn trong cách người Mông nuôi con, tôi học được rất nhiều".
Sống giữa thiên nhiên là niềm mơ ước của chị Hạnh, mặc dù gặp nhiều chông gai khi bỏ phố về rừng, nhưng chị vẫn khẳng định, được "sống chậm", gần với tự nhiên chính là cách chị nuôi dưỡng thân, tâm, trí.
Chị trải lòng: "Tôi thích nhất cảm giác ngồi không như thế giữa thiên nhiên. Tự nhiên là tự do, là không bám víu, chẳng mong cầu, không buồn, chẳng vui, không có một chút gì đọng lại.
Tôi thầm cảm ơn những ngày tháng ở phố để nhìn rõ hơn mong muốn của mình".
Ảnh: NVCC
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn