10 nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa liên tục

11:43 | 19/11/2022;
Tắc tia sữa tái đi tái lại nhiều lần khiến mẹ đau nhức, mệt mỏi, thậm chí là stress. Dưới đây là các nguyên nhân khiến mẹ sau sinh thường xuyên gặp phải vấn đề này.

Có nhiều mẹ sau sinh than phiền rằng, suốt ngày bị tắc tia sữa. Nhiều lần đến mức muốn cai sữa cho con luôn. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng, mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến mình bị tắc tia sữa và tìm cách khắc phục, chứ không nên cai sữa sớm cho trẻ.

Tìm ra nguyên nhân gốc sẽ giúp mẹ trị tắc tia sữa hiệu quả. Nếu chỉ tìm người xử lý tắc tia cho mình hoặc chỉ bôi một số loại kem giúp lành đầu ti thì đôi khi các mẹ chưa điều trị dứt điểm, do đó, tắc tia sữa sẽ tái đi tái lại nhiều lần.

Dưới đây là 10 nguyên nhân khiến mẹ thường xuyên bị tắc tia sữa khi cho trẻ bú:

1. Đầu ti của mẹ bị tổn thương

Sau khi cho con bú hoặc hút sữa, mẹ thường cảm thấy đau rát đầu ti. Lúc này vú mẹ đã bị tổn thương. Cho dù vết thương rất nhỏ không nhìn thấy nhưng cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Mẹ phải giải quyết dứt điểm tình trạng đau đầu ti thì mới có thể hết tình trạng tắc tia sữa.

Lý do đầu tiên khiến mẹ luôn cảm thấy đau rát đầu ti đó là bé ngậm sai khớp khi bú. Để tránh được những nguyên nhân này, các mẹ cần cho con bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm.

Cách cho trẻ bú đúng khớp ngậm đó là:

Bước 1: Đặt bé áp vào người mẹ, mặt bé gần với bầu vú.

Bước 2: Để đầu bé hơi ngửa sao cho môi trên dễ dàng chạm vào núm vú của mẹ. Điều này sẽ giúp bé có thể há rộng miệng.

Bước 3: Đưa miệng bé lại gần vú mẹ. Khi bé bắt đầu há miệng rộng, cằm có thể chạm vào vú mẹ trước, đầu ngửa ra để bắt đầu há rộng miệng, giúp đưa lưỡi chạm tới bầu vú càng nhiều càng tốt.

Bước 4: Khi cằm bé đã chạm ngực mẹ, mũi giữ khoảng cách thông thoáng thì bé há miệng. Lưỡi của bé đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới. Môi bé mở ra ngoài, không bị vặn hay mím vào phía trong.

Miệng bé gắn chặt vào quầng vú, ngậm vú kín miệng. Lúc này, phần lớn quầng vú nằm trong miệng bé. Khi bé đang mút, mẹ sẽ không nhìn thấy núm vú, mà chỉ thấy phần bên ngoài của quầng vú. Với cách ngậm vú đúng, lưỡi bé sẽ mở về phía nướu dưới, tạo thành vùng lõm quanh núm vú và làm giảm bớt áp lực từ hàm. Mẹ lưu ý tư thế cho trẻ ngậm bắt vú đúng là tai – vai – hông thẳng hàng, cổ bé hơi ngửa, khớp ngậm đúng, bé mút – nuốt – thở một cách dễ dàng mà không bị sặc.

10 nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa liên tục - Ảnh 1.

Bé ngậm đúng khớp giúp mẹ hạn chế tình trạng tắc tia sữa.

2. Dùng máy hút sữa sai cách

Lý do thứ 2 khiến mẹ bị tắc tia sữa nhiều lần đó là do hút sữa không đúng cách. Ví dụ như dùng size phễu chưa phù hợp với đầu ti, cách chọn size phễu là mình sẽ đo đường kính đầu ti. Sau đó mình cộng thêm từ 2-4mm nữa là sẽ sẽ kích thước phễu cần dùng. Giả sử đầu ti có đường kính là 20mm thì mình sẽ cộng thêm 2-4mm nữa và sẽ thành 22-24mm, và mẹ này có thể sử dụng size phễu 24mm. Tuy nhiên cách tính này chỉ là tương đối! Quan trọng là mẹ dùng size phễu nào thấy dễ chịu nhất thì mình sẽ sử dụng size phễu đó.

Một ví dụ tiếp theo về hút sữa chưa đúng cách đó là các mẹ hút sữa trong thời gian dài cho một cữ. Điều này sẽ khiến cho đầu ti phải làm việc quá sức, và cái đầu ti đó sẽ bị tổn thương. Lý tưởng thì các mẹ nên hút trong 15-30p thôi.

Bên cạnh đó nếu các mẹ hút sữa với lực hút quá cao thì cũng có thể gây tổn thương đầu ti. Lực hút mình cần điều chỉnh ở mức không gây đau chứ mình đừng dùng lực hút cao nhất của máy.

3. Ngực mẹ quá nhạy cảm

Lý do thứ 3 đó là do ngực mẹ quá nhạy cảm. Nhiều bà mẹ đã cố gắng chọn máy hút sữa tốt. Lực hút vừa phải, thời gian hút thích hợp, đổi rất là nhiều size phễu luôn nhưng mà đầu ti vẫn đau. Những mẹ này thường sẽ được khuyên là cố gắng tập cho con bú mẹ trực tiếp. Nếu có sinh đứa nữa thì đừng phụ thuộc máy hút sữa vì các bà mẹ này không thích hợp để dùng máy hút sữa. Thực tế nhiều bà mẹ hút sữa rất thoải mái. Nhưng có nhiều bà mẹ không thể đụng được tới cái máy hút sữa luôn. Vì đầu ti quá nhạy cảm. Các mẹ nên nhớ chỉ có em bé mới giúp cho sữa ra khỏi ngực hiệu quả nhất. Còn máy hút sữa chỉ là phương tiện hỗ trợ chúng ta mà thôi.

4. Mẹ bị ứ sữa nhiều trong bầu ngực

Lý do thứ tư đó là do mẹ quá nhiều sữa. Khi em bé không bú hết hoặc người mẹ không hút phần sữa thừa sau khi trẻ bú no. Với tình trạng dư thừa sữa dẫn đến sữa tồn đọng lại trong bầu sữa cũng như ống dẫn sữa gây ra nguyên nhân tắc tia sữa liên tục. Sữa mẹ được hình thành từ tháng thứ 6 của chu kỳ mang thai nên sau khi trẻ được sinh ra, sữa đã được sản xuất khá nhiều trong bầu ngực. Tuy nhiên, sữa chưa thể tự chảy ra ngoài cho bé bú được. Nếu không kích thích để sữa tiết ra ngoài, sẽ gây nên tình trạng ứ đọng sữa bên trong bầu sữa khiến cho vú căng cứng và đau, hoặc bà mẹ có thể bị sốt nhẹ.

Ngoài ra, những mẹ hút sữa không đều hoặc thường xuyên bỏ qua giờ hút sữa… Điều này gây ứ sữa ở bên trong ngực, và sẽ làm tắc nghẽn ở bên trong. Vậy những bà mẹ đang hút sữa hoàn toàn thì nhớ là cần hút sữa tương đối đúng giờ, đừng trễ giờ nhiều quá. Trễ tầm 15-20 phút thì có thể chấp nhận được. Mẹ nào quá dễ tắc thì cũng không nên trễ luôn.

10 nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa liên tục - Ảnh 2.

5. Bé đột ngột ngủ xuyên đêm

Việc bé đột ngột ngủ xuyên đêm không ti mẹ cũng có thể khiến sữa ứ đọng trong bầu ngực gây ra tình trạng tắc tia sữa. Các mẹ nhớ hút ra một ít để không bị căng tức vào ban đêm và nó cũng giúp hạn chế tắc tia. Mình không hút cạn, vì càng hút cạn thì sữa càng nhiều. Mình hút bớt như vậy trong một vài đêm thì từ từ cơ thể sẽ hiểu là ban đêm bé không cần bú và nó sẽ giảm dần lượng sữa vào ban đêm.

6. Mẹ dư thừa nhiều sữa

Nhiều mẹ ham sữa nhiều nên thường kích sữa để "gọi" sữa về thêm. Đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng tắc tia tái đi tái lại nhiều lần. Các mẹ đừng có ham quá nhiều sữa. Trừ khi mình đang phải nuôi thêm một em bé nữa. Nếu mẹ nào muốn dư một ít sữa thì chỉ nên dư tầm 100-200ml/ ngày thôi so với nhu cầu của con.

7. Các ống tuyến sữa bị chèn ép

Với việc sử dụng áo ngực quá chật hoặc mặc áo quá bó hoặc mang địu nặng có thể gây áp lực lên ngực dẫn đến tình trạng tắc tia sữa. Hơn nữa, nếu bà mẹ nằm sấp khi ngủ hoặc tập luyện các bài tập ngực cũng có thể gây nên tình trạng tương tự.

8. Khó kích thích được phản xạ xuống sữa

Phản xạ xuống sữa xảy ra khi bé kích thích đầu ti với quầng vú giúp sữa được đẩy ra ngoài. Biểu hiện là khi bé bú bên này thì bên kia chảy sữa hoặc là người mẹ có cảm giả rần rần châm chích hay là như có nước chảy xuống ở hai bên bầu ngực. Nếu các mẹ dùng mọi cách mà vẫn kích thích phản xạ xuống sữa rất là khó khăn, làm cho việc lấy sữa ra khỏi ngực không hiệu quả thì nó sẽ hây ứ tắc lại ở bên trong ngực của mình và tăng nguy cơ gây tắc tia. Ở trường hợp này thì mẹ nên cho bé ti trực tiếp. Con chính là máy hút sữa hiệu quả nhất, mẹ đừng lạm dụng việc hút sữa bằng máy nhé.

9. Nguyên nhân thứ 9 đó là stress, căng thẳng

Đây là một trong những nguyên nhân gây tắc tia tái đi tái lại nhiều lần.

Các mẹ hãy cố gắng thư giãn, nghe nhạc, xem hài, đi dạo ở bên ngoài khi có thể, đừng có ở mãi trong 4 bức tường để chăm con.

Các ông bố hãy tâm lý động viên vợ, an ủi và giúp đỡ vợ!

10. Nguyên nhân cuối cùng là chấn thương ngực

Ví dụ em bé vô tình đạp vào ngực mẹ. Hay là mẹ bị tai nạn, bị một vật gì đó đập vào ngực.

Những ống sữa tại vị trí chấn thương có thể sưng, viêm, tắc tia. Mẹ nhớ khi chơi với con cần cẩn trọng đừng để bé đạp vào ngực mình. Khi massage ngực cũng cần nhẹ nhàng, không nên quá thô bạo khiến ngực bị tổn thương nhé.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn