10 phút vàng dành cho con giải tỏa ấm ức

06:07 | 28/09/2018;
Hồi chúng tôi còn nhỏ, mỗi ngày trước khi đi ngủ, mẹ luôn dành 10 phút để hỏi chúng tôi có điều gì muốn góp ý với mẹ không? Nếu ý kiến của chúng tôi là đúng thì mẹ thừa nhận và xin lỗi. Ngược lại, mẹ sẽ giải thích để chúng tôi hiểu mẹ hơn.
10 phút để "trút bầu" ấm ức
 
Thói quen đó bắt nguồn từ một lần mẹ đánh anh em tôi một trận đau. Hôm đó, trước khi đi làm mẹ dặn anh em tôi ở nhà nấu cơm vì mẹ sẽ về muộn. Anh tôi học mẹ cũng lấy củi ra nấu cơm. Tới khi nước trong nồi sôi, sợ bị trào, anh vừa mở nắp nồi, vừa thúc cho lửa lớn hơn. Nào ngờ, anh thổi mạnh quá khiến tro bếp bay tung tóe, phủ kín cả nồi cơm.
 
Thấy vậy, tôi sợ quá, vội đảo cơm tung lên nhằm giấu đi lớp tro trên mặt. Nhưng, hóa ra, tôi cứu anh thì lại làm hại anh. Kết quả là cả nhà tôi bị trận đói vì cơm trộn với tro bụi lạo xạo nuốt không nổi. Mẹ tôi giận quá, lấy cây gậy đánh cho hai anh em một trận. Mẹ đánh anh vì vụng về, còn đánh tôi vì tội che giấu khuyết điểm. Bị mẹ đánh đau, anh em tôi ấm ức nhưng không dám nói lại câu nào.
 
Tối hôm đó, khi chúng tôi chuẩn bị vào giường thì mẹ gọi cả hai anh em lại. Mẹ bỗng nhiên xin lỗi chúng tôi. Mẹ bảo vì mẹ tiếc nồi cơm gạo trắng nên mất bình tĩnh. Lỗi là ở mẹ đã chưa hướng dẫn chúng tôi cách nấu bằng bếp củi nên sự cố mới xảy ra. Mẹ mong anh em tôi tha thứ cho mẹ và hứa từ nay sẽ không đánh chúng tôi nữa.
 
Hôm sau, mẹ đã vứt cái roi vào đống củi và thực hiện đúng lời hứa của mình. Từ đó, mỗi khi chúng tôi phạm lỗi, thay vì nổi nóng và phán xét, mẹ luôn lắng nghe chúng tôi trình bày trước. Sau đó, mẹ mới nhẹ nhàng phân tích xem chúng tôi sai ở đâu, đúng ở đâu. Đến cuối ngày, mẹ dành ra 10 phút hỏi xem chúng tôi có còn gì ấm ức hay muốn chia sẻ với mẹ không.
 
Có lần, anh cả tôi bị cô giáo chủ nhiệm phạt vì tội đánh bạn cùng lớp. Trước mặt cô giáo, mẹ tôi phê bình anh đánh bạn là sai. Bình thường, anh cũng đâu có muốn bị mẹ đánh thì tại sao anh lại làm vậy với bạn. Mẹ muốn anh tự viết kiểm điểm rồi hôm sau tới trường xin lỗi bạn.
 
happy-asian-daughter-lie-down-260nw-693613435.jpg
Ảnh minh họa

 

Tối, trước khi đi ngủ, mẹ hỏi anh có đồng ý với cách giải quyết của mẹ không? Lúc đó anh mới tấm tức trả lời là anh chưa thấy thuyết phục. Cậu bạn dám chế giễu, xúc phạm anh nên anh mới đánh bạn để trừng trị. Vì thế, nếu mẹ chỉ phê bình anh thì chưa công bằng. Mẹ nghe xong, hôm sau đã cùng anh đến trường gặp cậu bạn kia. Rồi mẹ nhắc cậu bạn không nên trêu anh nữa. Lúc đó anh mới vui vẻ trở lại.
 
Lại có lần, anh tôi mải chơi nên tan học về nhà muộn. Mẹ giận quá, thấy tôi đang chơi lơ vơ quanh đó liền mắng luôn tôi một trận. Mẹ nói từ nay không cho chúng tôi chơi nữa mà đi học xong phải về ngay làm việc nhà. Tôi im lặng nghe mẹ mắng nhưng thực sự thấy mình thật oan uổng. Đợi tới lúc 10 phút trước khi đi ngủ, tôi lại góp ý mẹ không nên như vậy. Lỗi của anh mẹ có thể mắng anh nhưng không nên giận lây sang cả tôi. Nghe tôi nói xong, mẹ thừa nhận đã sai, từ nay sẽ không “giận cá chém thớt” nữa.
 
Lắng nghe con… phê bình
 
Thói quen “10 phút nói chuyện với con mỗi ngày” của mẹ đã theo tôi lớn lên. Để rồi, khi làm mẹ, tôi lại áp dụng phương pháp đó với các con mình. Mỗi tối, tôi cho phép con góp ý với mình về các thiếu sót của tôi mà không sợ bị mẹ giận dữ quát nạt lại. Ngược lại, các con tôi cũng lắng nghe tôi phê bình nếu chúng mắc phải khuyết điểm nào đó. Mẹ con tôi lúc nào cũng bình đẳng với nhau như vậy. Ai sai thì phải nhận lỗi, ai làm đúng thì được khen, không phân biệt đó là mẹ hay con.
 
Chỉ là 10 phút thôi nhưng với tôi thật sự quý giá. Nó giúp cho tôi có điều kiện nghiền ngẫm lại vai trò làm mẹ của mình. Tôi có thể hiểu các con đang nghĩ gì về mình cũng như tự nhìn nhận cách cư xử của mình với các con ra sao. Tôi nhận thấy, để làm một người mẹ tốt, người bạn của con không đơn giản.
 
istock_000013051025medium.jpg
Ảnh minh họa

 

Nếu không cẩn thận, người làm bố mẹ sẽ dễ rơi vào trạng thái áp đặt suy nghĩ lên con. Còn các con dù có ấm ức cũng không dám chia sẻ trở lại. Chúng chỉ âm thầm giữ trong lòng và mỗi ngày một xa cách bố mẹ hơn.
 
Gần đây, khi tham dự một hội thảo về bí quyết làm cha mẹ tốt, một chuyên gia đã nói với chúng tôi về lý thuyết này. Theo chuyên gia bạo lực, cãi vã không bao giờ là cách dạy con đúng đắn. Thay vào đó, chỉ có sự sẻ chia, thấu hiểu, gần gũi giữa cha mẹ và con mới có thể khiến các con chịu nghe lời bố mẹ.
 
Tôi lại nghĩ về mẹ của mình. Mẹ của tôi không được học cao biết rộng, bà cũng không hiểu gì về lý thuyết làm bạn cùng con. Nhưng, bằng linh cảm của người mẹ, mẹ tôi đã tự tìm thấy phương pháp “10 phút lắng nghe con mỗi ngày” thật hiệu quả để tôi học tập và áp dụng theo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn