Ở thế kỷ 21, chúng ta có thể thấy có rất nhiều hình ảnh người phụ nữ tự tin, rạng ngời với sức khỏe và sắc đẹp. Nhưng với nhiều phụ nữ trên hành tinh, họ chưa bao giờ có được những đặc quyền của thời đại này. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ vẫn tiếp tục chịu sự tấn công bởi bạo lực, đàn áp, cô lập, sự thiếu hiểu biết và phân biệt đối xử. Ấn Độ đứng đầu các quốc gia tồi tệ nhất thế giới đối với phụ nữ trong một cuộc khảo sát do The Thomson Reuters Foundation thực hiện.
Dưới đây là danh sách 10 quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ trên thế giới năm 2020 do Wonderslist tổng hợp.
10. Mỹ
Mỹ là quốc gia phương Tây duy nhất trong top 10, nơi phụ nữ có nguy cơ gặp phải các vấn đề bạo lực tình dục, quấy rối tình dục, bị ép buộc quan hệ tình dục và thiếu khả năng tiếp cận công lý trong các vụ hiếp dâm.
Cuộc khảo sát được đưa ra sau khi chiến dịch #MeToo lan truyền vào năm ngoái, với hàng nghìn phụ nữ sử dụng phong trào này trên mạng xã hội để chia sẻ những câu chuyện về quấy rối hoặc lạm dụng tình dục. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn đứng đầu về tội phạm hiếp dâm trên thế giới.
9. Nigeria
Nigeria xếp hạng là quốc gia tồi tệ thứ 9 đối với phụ nữ, với các nhóm nhân quyền cáo buộc quân đội nước này tra tấn, hãm hiếp và giết hại dân thường trong cuộc chiến kéo dài 9 năm chống lại nhóm vũ trang Hồi Giáo Boko Haram. Nigeria cũng được mệnh danh là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới khi liên quan đến nạn buôn người và những rủi ro mà phụ nữ phải đối mặt từ các truyền thống, tập tục.
8. Yemen
Yemen đứng thứ tám trong danh sách các quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ do việc hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các nguồn lực kinh tế, rủi ro từ các hoạt động văn hóa và truyền thống cũng như bạo lực tình dục. Do xung đột vũ trang đang diễn ra, Yemen đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới với 22 triệu người đang cần sự hỗ trợ. Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em gái dễ bị bạo hành một cách vô nhân tính, cũng như bị lạm dụng và bóc lột về thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, Yemen là một trong những nơi nghèo đói nhất thế giới, và rất ít khi có các buổi từ thiện
7. Cộng hòa Dân chủ Congo
Sau nhiều năm đổ máu và diễn ra tình trạng vô luật pháp, quốc gia này được xếp vào danh sách thứ bảy trong nhóm quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ liên quan đến bạo lực tình dục. Ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, một cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người đã bùng phát trở lại và nhắm đến đối tượng là phụ nữ. Nhiều người khác là nạn nhân của các cuộc tấn công và bạo lực trực tiếp gây ra bởi các bên tham chiến hoặc bởi các lực lượng vũ trang. Phụ nữ ở Congo phải đối mặt với thực tế đặc biệt khắc nghiệt: khoảng 1.100 người bị hãm hiếp mỗi ngày. Kể từ năm 1996, hơn 200.000 vụ cưỡng hiếp đã được báo cáo ở nước này. 57% phụ nữ mang thai bị thiếu máu; phụ nữ không được ký vào các văn bản pháp luật nếu không được chồng cho phép.
6. Pakistan
Nước nguy hiểm thứ sáu đối với phụ nữ trên thế giới là Pakistan. Ở một số khu vực bộ lạc, phụ nữ bị hãm hiếp tập thể như một hình phạt cho tội ác. Tuy nhiên, việc giết người vì danh dự ngày càng lan rộng và một làn sóng tôn giáo cực đoan mới đang nhắm vào các nữ chính trị gia, nhân viên nhân quyền và luật sư. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng, tuy nhiên đất nước này vẫn còn thiếu luật chống bạo lực gia đình. Năm ngoái, ở Pakistan đã chứng kiến khoảng 1000 vụ giết hại phụ nữ và trẻ em gái vì danh dự, một hủ tục đã được du nhập sang phương Tây.
Pakistan nằm trong số các quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ về nguồn lực kinh tế và sự phân biệt đối xử cũng như những rủi ro mà phụ nữ phải đối mặt từ các hoạt động văn hóa, tôn giáo và truyền thống, bao gồm cả cái gọi là giết người vì danh dự. Nước này cũng được xếp hạng về bạo lực phi tình dục, bao gồm cả bạo lực gia đình. Ở Pakistan, theo thống kê có 90% phụ nữ bị bạo lực gia đình trong đời.
5. Ả Rập Xê Út
Vương quốc Ả Rập Xê Út được xếp hạng nguy hiểm thứ năm về khả năng tiếp cận kinh tế và phân biệt đối xử, bao gồm cả tại nơi làm việc và quyền sở hữu. Theo Ahlam Akram, người sáng lập Tổ chức British Arabs Supporting Universal Women's Rights, chia sẻ: "Một trong những luật tồi tệ nhất ngăn cản phụ nữ có cơ hội bình đẳng là quyền giám hộ, bởi vì mọi phụ nữ đều phải chịu sự giám hộ của nam giới. Phụ nữ không thể làm hộ chiếu, không thể đi du lịch, đôi khi còn không thể làm việc".
4. Somalia
Somalia, nơi xảy ra chiến tranh trong hơn hai thập kỉ đã khiến phụ nữ - những người đóng vai trò quan trọng trong gia đình gặp nguy hiểm. Theo đó, chiến tranh đã thúc đẩy một nền văn hóa bạo lực ở quốc gia này. Ở Somalia, 95% trẻ em gái phải đối mặt với việc cắt bộ phận sinh dục trong độ tuổi từ 4 đến 11. Chỉ có 7% ghế trong quốc hội do phụ nữ nắm giữ và chỉ có 9% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế.
Somalia được xếp hạng nguy hiểm thứ tư bởi khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nguy cơ phụ nữ gặp nguy hiểm bởi các hoạt động văn hóa và truyền thống có hại, cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế.
3. Syria
Cuộc nội chiến hoành hành ở Syria kể từ năm 2011 vẫn không có dấu hiệu lắng dịu. Theo báo cáo của BBC, phụ nữ Syria bị bóc lột tình dục để đổi lấy viện trợ nhân đạo. Có rất nhiều nguy hiểm cho trẻ em gái và phụ nữ ở đây.
Syria được xếp hạng là quốc gia nguy hiểm thứ ba đối với phụ nữ về khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và cả bạo lực tình dục và phi tình dục. Quốc gia này đang đứng trước những nguy hiểm về việc phụ nữ phải đối mặt với vần nạn bị lạm dụng tình dục.
Giám đốc điều hành của Women Now For Development, Maria Al Abdeh, cho biết: "Bạo lực tình dục xảy ra bởi tác động của chính phủ. Bạo lực gia đình và tảo hôn ngày càng gia tăng và ngày càng nhiều phụ nữ tử vong khi sinh con. Đây là thảm kịch không có hồi kết ".
2. Afghanistan
Afghanistan đứng thứ hai trong danh sách những quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ trên thế giới. Phụ nữ Afghanistan đã bị tước quyền gần 17 năm sau khi Taliban bị lật đổ. Bạo lực về giới đang diễn ra tràn lan, hơn 80% phụ nữ mù chữ và nhiều người chết khi sinh con.
Một phụ nữ Afghanistan trung bình sẽ chỉ sống đến 45 tuổi, ít hơn một năm so với nam giới ở đây. Sau ba thập kỷ xảy ra chiến tranh và đàn áp đã để lại một số lượng lớn phụ nữ mù chữ ở Afghanistan. Các bé gái ở quốc gia này đôi khi cũng không được học hành đến nơi đến chốn và các nạn nhân bị hãm hiếp ở Afghanistan có thể bị ép buộc kết hôn với kẻ tấn công mình theo luật. Hơn một nửa số cô dâu dưới 16 tuổi và cứ nửa giờ lại có một phụ nữ chết khi sinh con. Phần lớn (lên đến 85%) phụ nữ ở Afghanistan sinh con mà không được hỗ trợ chăm sóc y tế. Đây là quốc gia có tỷ lệ tử vong thai phụ cao nhất thế giới.
Afghanistan được xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ trong ba lĩnh vực, gồm bạo lực tình dục, tiếp cận chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các nguồn lực kinh tế. Ngoài ra, theo Women, Peace and Security Index năm 2018, Afghanistan là nơi tồi tệ nhất đối với một người phụ nữ.
1. Ấn Độ
Theo một cuộc khảo sát do Thomson Reuters Foundation thực hiện, Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ, do nguy cơ bạo lực tình dục và lao động nô lệ cao.
Mặc dù Ấn Độ là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển kinh ngạc nhất thế giới nhưng bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn là một điều phổ biến. Theo thống kê, cứ ba phút lại có một tội ác liên quan đến phụ nữ. Cứ mỗi 29 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp, cứ sau 77 phút lại có một "cái chết do hồi môn" (cô dâu về nhà chồng không mang đủ số hồi môn như đã thỏa thuận, bị nhà chồng mắng nhiếc, lên án... và không chịu nổi tủi nhục, cô dâu tự tìm đến cái chết) và cứ 9 phút lại có một người phụ nữ bị chồng hoặc người nhà bạo hành. 50 triệu trẻ em gái đã bị giết trong thế kỷ qua vì tập tục truyền thống. Ước tính có khoảng 100 triệu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của nạn buôn người; 44,5% trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi.
Ấn Độ được xếp hạng là quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ về ba vấn đề, gồm: Truyền thống văn hóa, bạo lực tình dục và buôn bán người. Bạo lực gia đình ở Ấn Độ là tình trạng phổ biến và chủ yếu nhằm vào phụ nữ. Khoảng 70% phụ nữ ở Ấn Độ là nạn nhân của bạo lực, bao gồm hiếp dâm, cưỡng hiếp trong hôn nhân, tấn công và quấy rối tình dục, các hoạt động văn hóa truyền thống và buôn bán người bao gồm lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục và nô lệ giúp việc gia đình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn