10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2017

07:07 | 27/12/2017;
Đề xuất xóa biên chế giáo viên, cải cách chữ quốc ngữ, mùa tuyển sinh nhiều “kỷ lục” hay hiệu trưởng chối bỏ trách nhiệm khi đâm gãy chân học sinh… là những sự kiện giáo dục nổi bật của năm 2017.

1. Đề xuất xóa biên chế - cú sốc lớn với giáo viên

Giữa năm 2017, Bộ GD&ĐT khiến dư luận nói chung và thầy cô giáo nói riêng bỗng “tá hỏa” khi cho biết sẽ thí điểm xóa biên chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng với giáo viên là điều cần thiết để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Nhiều giáo viên đã sốc trước đề xuất xóa biên chế của bộ GD&ĐT. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm ở những nơi có điều kiện như một số trường phổ thông có thương hiệu. Hiện tại, việc này trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành.

Tuy nhiên, ý định này gặp phải sự phản đối rất quyết liệt từ chính người trong cuộc lẫn các chuyên gia đầu ngành giáo dục. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho rằng đề nghị xóa biên giáo viên là đề xuất vô bổ. Bản thân ông không tán thành nội dung này.

Đề xuất này gây tâm lý xáo trộn và hoang mang cực độ trong giáo viên đến độ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phải chính thức tuyên bố, đây chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT và Chính phủ chưa có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên, ngay cả với các trường đại học.

2. Mùa tuyển sinh nhiều “kỷ lục”

Có thể nói chưa năm nào kỳ thi THPT quốc gia và việc xét tuyển vào đại học lại nhiều xúc cảm như năm nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, điểm chuẩn vào ngành sư phạm thấp thảm hại, đến mức khối các trường sư phạm phải ngồi lại với nhau để đề xuất chiến lược cải cách đào tạo ngành sư phạm đang có chiều hướng tụt dốc kinh khủng.

Mùa tuyển sinh năm 2017 chứng kiến nhiều vấn đề "nóng" chưa từng có trong lịch sử. Ảnh minh họa 

Trong số các trường đầu ngành đào tạo giáo viên trong cả nước chỉ những trường đại học sư phạm trọng điểm như trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM có điểm trúng tuyển dao động ở mức từ 17 - 20 điểm thì hầu hết các trường sư phạm còn lại điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Thậm chí, ở khối trường cao đẳng sư phạm địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Như vậy, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là hệ lụy của việc nhà nước chưa có đầu tư thỏa đáng cho ngành sư phạm, và chưa có chiến lược đào tạo sư phạm. Đáng lý ra. Nhà nước phải có chủ trương về đào tạo sư phạm thì mới lôi cuốn người giỏi vào học. Phải có chính sách để đào tạo giáo viên xong không để cho thất nghiệp, bố trí việc làm ngay thì mới tạo ra được lòng tin cho người học.

Đối lập với ngành sư phạm là việc nhiều thí sinh dù đủ điểm tuyệt đối 30 điểm vẫn không có cơ hội “chen chân” vào trường y, công an - quân đội do cách xét tiêu chí phụ và cộng điểm ưu tiên. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm.

3. Đâm xe vào học sinh gây gãy đôi xương đùi, Hiệu trưởng chối bỏ

Chắc hẳn độc giả không thể quên được vụ việc đau lòng gây sự chú ý của đông đảo dư luận cả nước xảy ra vào tháng 2/2017 khi phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) tố cáo Hiệu trưởng đi xe ô tô trong trường học khiến con trai anh bị gãy đôi xương đùi. Bé trai phải phẫu thuật khoan vít để cố định xương đùi, nghỉ học nhiều tháng và phải tái phẫu thuật, kết hợp trị liệu mới có thể hồi phục.

Điều khiến dư luận vô cùng phẫn nộ chính là Hiệu trưởng- người có mặt trên chiếc xe chạy trong sdaan trường gây tai nạn cho học sinh của mình đã chối phăng trách nhiệm, một mực khẳng định mình không ngồi trên xe ô tô vào hôm tai nạn xảy ra.

Học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên bị Hiệu trưởng ngồi ô tô đâm gãy chân nhưng chối tội. Ảnh gia đình cung cấp
 

Chỉ đến khi cơ quan điều tra, báo chí vào cuộc, sự thật mới được làm rõ. Ngày 21/2, Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chính thức công bố kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương- Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên liên quan đến vụ tai nạn của cháu bé tại trường này.

4. Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk"

PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".

Tác giả Bùi Hiền với đề xuất cải cách tiếng Việt gây chú ý dư luận
 

Ngay lập tức, dư luận dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt, trong đó phần lớn phản đối về sự cải cách có phần… buồn cười của tác giả. Đặc biệt, thay đổi chữ viết sẽ gây ra một hệ lụy lớn trong toàn bộ hệ thống, ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực.

PGS.TS Bùi Hiền nhấn mạnh, công trình nghiên cứu này của ông chưa hoàn chỉnh; mặt khác lại chưa có sự chuẩn bị nhưng báo chí đã đưa lên giới thiệu. “Tuyệt nhiên, nó chưa phải đề án đem ra trưng cầu ở cấp nhà nước. Đến nay, tôi mới chỉ nghiên cứu xong một nửa (cải tiến các phụ âm). Vì chưa thật đầy đủ nên khi được đưa ra thì gây hiểu nhầm trong dư luận”- PGS Hiền nhấn mạnh.

Khi nội dung này được đưa ra, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu về ngôn ngữ đã lên tiếng phản biện khi cho rằng đề xuất thiếu cơ sở và thực tiễn khoa học. Tuy nhiên, sau rất nhiều tranh cãi, cuối tháng 12/2017, PGS Hiền vẫn tiếp tục công bố phần 2 của đề xuất cải cách tiếng Việt liên quan đến nguyên âm.

5. Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ

“Tỉ lệ tiến sĩ của Việt Nam còn quá thấp nên phải đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ và không đào tạo tràn lan”-  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết. 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Sự hỗ trợ được thể hiện dưới hình thức cấp học bổng, theo tư lệnh ngành giáo dục.

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan.

6. Lùi thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới 

Tháng 11/2017, Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội. Cụ thể, lùi thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Nêu lý do cần phải lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018-2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.

7. Xôn xao bảng xếp hạng giáo dục đại học

Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố chiều 6/9 đã gây ngạc nhiên khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí khá thấp.

Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia này công bố, các trường ĐH "trẻ" như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân đều có mặt trong tốp 10. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 với mức điểm 72.0 điểm còn ĐH Duy Tân xếp ở vị trí thứ 9.

Trong khi đó, các trường ĐH khối kinh tế có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng này. Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương xếp thứ 23. Trường ĐH Thương mại xếp thứ 29. Trường ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30. Học viện Tài chính xếp thứ 40 và Học viện Ngân hàng xếp thứ 47.

Nguyên nhân được nhóm chuyên gia giải thích là các trường này có quy mô đào tạo lớn song sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế thì không cao. 

8. Hướng tới chương trình-SGK lồng ghép giới phù hợp

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm trong việc xây dựng bộ sách giáo khoa mới theo chương trình phổ thông tổng thể. Theo báo cáo nghiên cứu, rà soát của Bộ GD&ĐT và UNESCO, vấn đề giới trong sách giáo khoa Việt Nam cho thấy còn nhiều nội dung, hình ảnh mang định kiến giới như nam giới xuất hiện nhiều hơn nữ giới, những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam…

Hình ảnh mang tính mặc định của nam giới và nữ giới trong sách giáo khoa từ lâu nay

Tháng 8/2017, hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông” do hội LHPN Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ GD&ĐT cùng nhiều chuyên gia giáo dục, đã nhấn mạnh: Cần thiết phải có giải pháp lồng ghép vấn đề giới trong chương trình giáo dục phổ thông, hướng tới biên soạn SGK có lồng ghép giới và nội dung giáo dục về giới, giới tính ở cấp học phù hợp.

Đẩy mạnh bình đẳng giới trong chương trình phổ thông tổng thể và bộ SGK mới sau 2018 là nội dung được Bộ GD&ĐT cùng nhiều tổ chức đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh việc sẽ chỉnh sửa hình ảnh, kiến thức bất bình đẳng giới trong một số cuốn SGK, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát chương trình, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới, định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ giáo viên.

9. Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ “lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố thông tin, dự kiến sẽ tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Theo các trường THCS, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Vì vậy nhiều trường bày tỏ vui mừng vì có thể chọn lựa được học sinh giỏi vào trường. Tuy nhiên, cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như thế nào để hạn chế tình trạng “học thêm, dạy thêm” tràn lan, vẫn là câu hỏi khó với ngành giáo dục cho đến thời điểm hiện tại.

10. Các trường ĐH có thể tự quyết định mức học phí trong tương lai

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất một số nội dung đáng chú ý như các phương án về công nhận hiệu trưởng và hiệu phó, trường đại học tự quyết định mức học phí...

Dự kiến, có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật Giáo dục Đại học sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học cũng như đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn