Sáng 6/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành khai mạc Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến phiên họp kéo dài 2,5 ngày, chất vấn 4 nhóm lĩnh vực lớn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Với riêng kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Từ ngày 01/7/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 7.064 vụ với 7.677 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em; đã đưa ra giải quyết, xét xử 6.755 vụ với 7.318 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,63% về số vụ và 95,32% về số bị cáo; vượt 5,63% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội.
100% vụ án được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định.
Tòa án nhân dân tối cao luôn quan tâm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Thông tư liên tịch số 01/2022 ngày 18/02/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; đang nghiên cứu, xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, để tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều Hội thảo, Hội nghị tập huấn, đối thoại để trao đổi, giải đáp vướng mắc trong xét xử; tổ chức biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình; xây dựng và phát hành Sổ tay Thẩm phán hướng dẫn xét xử các vụ án hình sự về các tội phạm liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái...
Tòa án đã quyết định thành lập và đi vào hoạt động nề nếp Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại 02 Tòa án nhân dân cấp cao, 38 Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tại các đơn vị còn lại sẽ căn cứ vào nhu cầu công việc và số lượng biên chế sẽ thành lập thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Nhận định các tồn tại, hạn chế, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được tăng tương ứng với việc gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Một số Tòa án địa phương chưa chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật...
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao xác định các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện, gồm: chỉ đạo hệ thống Tòa án thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số Tòa án.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn