“Nếu trẻ không tự làm được, điều đó có nghĩa không ai có thể làm được thay trẻ. Bằng cách để con làm việc nhà như đổ rác, giặt quần áo, trẻ nhận ra mình phải làm công việc hàng ngày như một phần của cuộc sống”, Julie Lythcott - Haims, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Stanford (Mỹ) và tác giả của cuốn sách “Làm thế nào để trở thành người lớn”, từng chia sẻ.
Dựa trên Grant Study Havard - nghiên cứu được các nhà khoa học thực hiện trong nhiều thập kỷ, Lythcott - Haims tin rằng, những đứa trẻ được lớn lên trong công việc sẽ trở thành người làm việc theo nhóm tốt và có sự đồng cảm, chia sẻ tốt hơn.
2. Dạy con kỹ năng xã hội
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Pennsylvania và ĐH Duke đã quan sát hơn 700 trẻ ở Mỹ từ 5 tuổi tới 25 tuổi. Kết quả chỉ ra rằng, trẻ có kỹ năng xã hội tốt từ nhỏ khi lớn lên có khả năng hợp tác với đồng nghiệp tốt hơn, hiểu cảm xúc và giải quyết vấn đề của bản thân tốt hơn. Thêm nữa, trẻ có kỹ năng xã hội tốt dễ kiếm được một tấm bằng đại học và việc làm vào năm 25 tuổi so với những người có kỹ năng xã hội hạn chế.
“Việc giúp đỡ trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc là một trong những điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần chuẩn bị cho con để con có một tương lai tốt đẹp” - Kristin Schubert, giám đốc chương trình tại Robert Wood Iohnson Foundation, nói.
3. Có những kỳ vọng cao vào con
Sử dụng dữ liệu khảo sát với 6.600 trẻ vào năm 2001, Giáo sư Neal Halfon và các đồng nghiệp tại ĐH California đã phát hiện, những kì vọng cao của cha mẹ với trẻ sẽ giúp trẻ có tương lai sáng hơn. “Cha mẹ muốn con vào đại học có xu hướng giúp con hướng tới mục tiêu cũng như cung cấp cho con những điều chúng cần để đạt mục tiêu”, Giáo sư Neal Halfon cho biết.
4. Phụ huynh có học vấn cao
Nghiên cứu năm 2009 với 856 người ở Mỹ, nhà tâm lý học Eric Dubow chỉ ra rằng “trình độ học vấn của cha mẹ có con 8 tuổi dự đoán đáng kể sự thành công giáo dục và nghề nghiệp cho đứa trẻ đó sau 40 năm”.
5. Dạy con toán học sớm
Nghiên cứu của các nhà khoa học với 35.000 trẻ ở Mỹ, Canada, Anh cho thấy, việc phát triển kỹ năng toán học sớm có thể trở thành một lợi thế rất lớn.
“Làm chủ kỹ năng toán học sớm không chỉ giúp trẻ có được thành tích với môn toán trong tương lai mà còn dự đoán thành tích đọc trong tương lai của trẻ”, đồng tác giả nghiên cứu Greg Duncan cho biết.
6. Phát triển mối quan hệ với con
Nghiên cứu năm 2014 với 243 người sinh ra trong nghèo khó phát hiện, những trẻ nhận sự chăm sóc tốt trong 3 năm đầu đời sẽ không chỉ làm tốt hơn các bài kiểm tra ở trường mà còn có mối quan hệ tốt, đạt được nhiều thành tựu hơn ở độ tuổi 30.
Sự quan tâm, chăm sóc tốt của cha mẹ giúp con có bệ đỡ vững chắc, an toàn để khám phá thế giới.
7. Ít căng thẳng
Theo nghiên cứu đăng tải trên The Washington Post, số giờ mẹ dành cho con độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi, khó có thể dự đoán hành vi, hạnh phúc hoặc thành công sau này của trẻ. “Căng thẳng của các bà mẹ, đặc biệt là khi họ bị căng thẳng vì công việc và cố gắng dành thời gian với con thực sự có ảnh hưởng không tốt tới trẻ”, đồng tác giả nghiên cứu Kei Nomaguchi nói. Vì vậy, phụ huynh nên dành thời gian chất lượng bên con trong giai đoạn đầu đời thay vì số lượng.
8. Người mẹ làm việc xa nhà
Nghiên cứu từ Harvard Business School cho thấy, có những lợi ích đáng kể với trẻ khi có mẹ làm việc xa nhà. Kết quả đã chỉ ra, con gái của những mẹ đi làm xa nhiều khả năng có một công việc trong vai trò giám sát và kiếm được nhiều tiền hơn so với các bạn cùng trang lứa được nuôi dưỡng bởi các bà mẹ nghỉ ở nhà. Con trai của các bà mẹ làm việc xa nhà cũng có xu hướng biết nhiều về công việc gia đình và chăm sóc trẻ nhỏ.
9. Dạy con sự kiên trì
Kiên trì là đức tính rất cần thiết cho trẻ, giúp trẻ rèn bản lĩnh để đạt đến thành công trong tương lai. Nghiên cứu năm 2013 của ĐH Pennsylvania cho thấy, dạy trẻ kiên trì giúp chúng có điểm số cao hơn trong quá trình học. Hãy dạy trẻ cách tưởng tượng, theo đuổi và xây dựng giấc mơ mà trẻ mong ước.
10. Đặt tên đơn giản cho con
Nhiều nghiên cứu cho thấy cái tên có thể ảnh hưởng đến thành công của cuộc đời bạn. Những người có những tên đơn giản, phổ biến, dễ phát âm thường thành công hơn trong tương lai.
11. Hiểu tầm quan trọng của dinh dưỡng và thói quen ăn uống
Những người thành công nhận ra rằng thói quen ăn uống tốt có thể giúp bạn tập trung và làm việc được trong suốt cả ngày.
Tiến sĩ Catherine Steiner-Adair, tác giả của cuốn sách: “Sự mất kết nối lớn: Bảo vệ trẻ em và mối quan hệ với gia đình trong thời đại kỹ thuật số", đã chia sẻ, việc hình thành thói quen ăn uống ở con tốt cả về thể chất và tinh thần đòi hỏi sự tham gia của cha mẹ. Phụ huynh cần làm gương tốt để con học thói quen ăn uống lành mạnh.