Thống kê cho thấy có tới 80% thanh thiếu niên Việt Nam mắc bệnh trứng cá. Mụn trứng cá không phải là một bệnh nguy hiểm và cũng không thuộc loại bệnh lây cho người khác.
Tuy vậy trên một cơ thể, mụn trứng cá có thể xuất hiện nhiều vị trí và có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác (từ lưng, mặt có thể lan ra bụng, ngực, cánh tay, bả vai).
Hơn nữa, bệnh có xu hướng tồn tại dai dẳng, hay tái phát, với biến chứng thường gặp là sẹo lõm, sẹo lồi, vết thâm, gây mất thẩm mỹ, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo bác sĩ Lương Trường Sơn, Hội Da liễu Việt Nam, mụn trứng cá xuất hiện không có sự khác biệt giữa nam và nữ cũng như sắc tộc và chủng tộc. Mụn rất phổ biến ở thanh thiếu niên, khoảng 85% ở lứa tuổi 16-18 và 50-60% ở lứa tuổi 19 -25 bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá là do sự kết hợp nhiều yếu tố:
1. Yếu tố gia đình (di truyền): Cha mẹ thời trẻ bị mụn trứng cá thì tỷ lệ con bị mụn trứng cá cũng rất cao.
2. Vai trò của hóc môn sinh dục (androgenic): Trẻ em dậy thì sớm, mụn trứng cá thường xuất hiện sớm.
3. Yếu tố vi khuẩn: Một số loại vi khuẩn hay gặp trong bệnh trứng cá là Propione – bacterium acnes (hay còn gọi là Corynebacterium acnes), Staphylococcus epidermidis (tụ cầu da), Pityrosporum… Các loại vi khuẩn này bình thường có thể có trên da một số người nhưng nếu gặp ở người có hiện tượng tăng tiết bã nhờn và làm tích tụ bã nhờn thì các vi khuẩn này rất dễ phát huy tác dụng (gây viêm nhiễm mạnh hơn), tức là phối hợp gây nên mụn trứng cá.
4. Kích hoạt miễn dịch bẩm sinh (tự miễn) với các chất trung gian gây viêm.
5. Tăng tiết bã nhờn và viêm tắc nang lông: Thông thường người ta thấy mụn trứng cá chủ yếu do bị viêm nang lông, tuyến bã, do đó các chất nhờn tích tụ lại trong nang lông không được bài tiết ra ngoài kèm theo tăng tiết mồ hôi (bởi nang lông bị tắc nghẽn hoặc do bài tiết quá nhiều). Hiện tượng tăng tiết mồ hôi và tăng tiết bã nhờn diễn ra lúc tuổi dậy thì có liên quan mật thiết đến rối loạn nội tiết tố.
Bên cạnh đó, mụn trứng cá bùng phát mạnh có thể được gây ra bởi các yếu tố kích động như:
6. Bệnh buồng trứng đa nang
7. Tác dụng phụ của thuốc: Chống viêm steroid, hóc môn, thuốc chống co giật, thuốc hỗ trợ gan, thuốc giảm-tăng cân, thuốc tăng cơ, thuốc nam…
8. Tác dụng không mong muốn của mỹ phẩm: gây dị ứng hay làm bít tắc lỗ chân lông, gây viêm sinh mụn trứng cá
9. Môi trường có độ ẩm cao
10. Chế độ ăn uống quá ngọt (đường) và tinh bột hoặc ăn quá nhiều chất cay, nóng cũng góp phần làm gia tăng bệnh mụn trứng cá.
"Ăn nhiều đồ ngọt và tinh bột ngoài ra còn gây nên rất nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp… Đây là nguyên nhân có thể chủ động phòng ngừa được nhưng nhiều người mắc phải", bác sĩ Sơn cho hay.
11. Ngoài ra, các thói quen như thức quá khuya hoặc luôn luôn căng thẳng thần kinh, gặp nhiều stress cũng có thể là nguyên nhân.
Để hạn chế tình trạng mụn trứng cá, BS Sơn lưu ý:
- Hạn chế trang điểm khi không cần thiết: Mỹ phẩm sẽ bịt kín lỗ chân lông, da mất đi khoảng thở cần thiết. Tốt nhất, trong thời gian bị mụn trứng cá bạn hãy hạn chế trang điểm ở mức tối đa. Nếu bắt buộc phải trang điểm thì trang điểm thật nhẹ, tránh bôi quá dày và cần tẩy trang thật kỹ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Giữ sạch da mặt thường xuyên: Da mặt bẩn là nguyên nhân hàng đầu khiến mụn xuất hiện và làm mụn trầm trọng hơn. Nển rửa mặt sau môi khi lao động hay đi ngoài trời về. Bạn nên rửa mặt nhẹ nhàng với sữa rửa mặt 2 - 3 lần/ngày. Sữa rửa mặt sẽ lấy đi hết chất bẩn, bã nhờn và vi khuẩn trên da, giúp da sạch sẽ, thông thoáng, khỏe mạnh hơn, rửa xong nhớ dùng khăn mịn nhiều sợi bông để lau khô, tránh làm xây xước da mặt. Lưu ý, bạn chỉ nên sử dụng những loại sữa rửa mặt có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên và tránh xa sản phẩm rửa mặt có chứa hạt mát-xa.
"Ngoài ra, hạn chế căng thẳng, thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột… cũng giúp giảm tình trạng mọc mụn trứng cá", BS Sơn nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn