Năm 1893, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đảm bảo quyền bầu cử cho phụ nữ. 47 năm sau, bà Khertek Anchimaa Toka của Cộng hòa Nhân dân Tuvan (vùng bảo hộ trước đây của Liên Xô, hiện là một phần của Mông Cổ) đã trở thành nữ nguyên thủ quốc gia được bầu đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị vẫn còn lớn. Dữ liệu mới của UN Women cho thấy, năm 2024, năm bầu cử lớn nhất lịch sử thế giới, với hơn 50 quốc gia - nơi sinh sống của một nửa dân số thế giới - đang tổ chức các cuộc bầu cử.
113 nước chưa từng có nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ là nữ. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 26 quốc gia được lãnh đạo bởi phụ nữ, tăng không nhiều so với một thập kỷ trước (18 quốc gia).
Phụ nữ đại diện cho 23,3% thành viên nội các vào năm 2024. Họ chủ yếu lãnh đạo các Bộ liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, các vấn đề gia đình và trẻ em, các vấn đề xã hội cũng như các vấn đề về bản địa và dân tộc thiểu số.
Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý là chìa khóa để cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người”.
Giám đốc Điều hành UN Women Sima Bahous
Các lĩnh vực chính sách như kinh tế, quốc phòng, Tư pháp và nội vụ chủ yếu do nam giới lãnh đạo. Tại 141 quốc gia, chưa đến 1/3 tổng số bộ trưởng là nữ. 7 quốc gia thậm chí không có đại diện nữ trong nội các.
Sự thống trị của nam giới trong lĩnh vực ngoại giao và đối ngoại còn mở rộng đến các Phái đoàn Thường trực tại Liên hợp quốc, nơi phụ nữ vẫn ít được đại diện với tư cách là đại diện thường trực. Tính đến tháng 5/2024, phụ nữ nắm giữ 25% các vị trí Đại diện thường trực ở New York (Mỹ), 35% ở Geneva (Thụy Sĩ) và 33,5% ở Vienna (Áo).
Theo dữ liệu của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), tỷ lệ trung bình của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp trên thế giới là 11,3% vào năm 1995. Việc áp dụng hạn ngạch ứng cử viên đã giúp tăng tỷ lệ này ở nhiều quốc gia trong 3 thập kỷ qua.
Tỷ lệ nữ nghị sĩ trên toàn cầu ở mức 26,9% vào năm 2023. Việc bầu chọn và bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ vì bình đẳng giới và thể hiện cam kết tập thể trong việc giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Hướng tới kỷ niệm 30 năm kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua (1995-2025), UN Women tiếp tục nỗ lực để đảm bảo phụ nữ dẫn đầu và phát triển trong việc định hình, thúc đẩy những thay đổi tích cực, bao gồm cả việc nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao.
UN Women tích cực tham gia vào việc thúc đẩy sự tham chính của phụ nữ thông qua các nỗ lực phối hợp và vận động trên toàn hệ thống Liên hợp quốc. Theo UN Women, sự phân biệt đối xử sâu sắc tiếp tục cản trở sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các tiến trình chính trị và bầu cử.
Trong nỗ lực thúc đẩy quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, UN Women công nhận sự tham gia lĩnh vực chính trị của phụ nữ là một lĩnh vực trọng tâm. Các sáng kiến của UN Women nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính bao gồm:
- Thúc đẩy cải cách thể chế và lập pháp mang tính hỗ trợ.
- Nâng cao năng lực cho phụ nữ có nguyện vọng trở thành nhà lãnh đạo.
- Giám sát, ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
- Khuyến khích thay đổi chuẩn mực xã hội để công nhận vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn