Ở Đan Mạch, khi cha mẹ ăn uống hoặc mua sắm thì những đứa trẻ được nằm ngủ trong xe đẩy trên vỉa hè. Xe đẩy thường được trang bị màn hình công nghệ cao để cha mẹ có thể theo dõi con khi mua sắm hoặc ăn uống trong nhà hàng. Người Đan Mạch cho rằng làm như vậy sẽ giúp trẻ hít thở không khí trong lành, một điều tốt cho sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, bắt cóc cũng là điều cực kỳ hiếm ở Đan Mạch.
Một thói quen phổ biến ở các nước Bắc Âu là cho trẻ sơ sinh ngủ trưa bên ngoài. Các bậc cha mẹ ở Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan tin rằng ngủ ngoài trời mang lại lợi ích cho sức khỏe. Ngay cả trong thời tiết lạnh giá, trẻ sơ sinh thường được cho mặc ấm và nằm ngủ trong xe đẩy. Các bậc cha mẹ tin rằng hít thở không khí trong lành sẽ tốt cho trẻ, cũng như giảm nguy cơ mắc cảm lạnh hoặc cúm do không khí trong nhà.
Ở Phần Lan, học sinh tiểu học được nghỉ 15 phút sau mỗi tiết học 45 phút. Với việc nghỉ ngơi thường xuyên để vận động và vui chơi, trẻ em Phần Lan được cho là có thể tập trung tốt hơn.
Phần Lan một trong những nước có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới. Việc thường xuyên nghỉ giải lao đã cho thấy lợi ích trong việc nâng cao khả năng tập trung ở trẻ.
Các bậc cha mẹ trên khắp thế giới có những quan niệm khác nhau về thời điểm trẻ em nên đi ngủ. Trong khi các bậc cha mẹ ở New Zealand và Úc cho con đi ngủ vào khoảng 7 giờ 30 tối, thì các bậc cha mẹ ở Ấn Độ, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) cho những trẻ ngủ vào khoảng 10 giờ tối.
Ở Ý và nhiều nước châu Âu khác, trẻ lớn và trẻ ở tuổi thanh niên có thể nếm rượu cùng gia đình trong bữa tối. Mặc dù độ tuổi hợp pháp để mua rượu là 18 ở hầu hết các quốc gia châu Âu, nhưng nếm rượu dưới sự giám sát của gia đình không được coi là đáng quan ngại.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếm rượu trong bữa tối có sự giám sát của người lớn có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện sau này ở trẻ.
Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên cấm đánh đòn trẻ vào năm 1979. Điều đó có nghĩa là thế hệ trẻ em đầu tiên chưa từng bị trừng phạt thân thể giờ đây cũng đã trở thành cha mẹ.
Kể từ khi Thụy Điển ra lệnh cấm đánh đòn, danh sách các quốc gia cấm điều này cũng tiếp tục tăng lên. Hiện tại, 52 quốc gia khác cũng cấm cha mẹ sử dụng các hình phạt thân thể đối với trẻ em.
Trẻ em Pháp thường không lấy thức ăn và ăn uống vội vàng. Trẻ em ở các trường học ở Pháp được dành tối thiểu 30 phút để ăn trưa. Nhiều trường có quy định kéo dài thời gian ngồi vào bàn ăn và có giờ nghỉ giải lâu hơn. Giờ ăn trưa là cơ hội để giao lưu và thử những món ăn mới.
Các bậc cha mẹ Pháp tin rằng ăn chậm và thưởng thức bữa ăn là một điều quan trọng, và họ muốn con mình tập thói quen ăn chậm ngay từ khi còn nhỏ.
Ở Trung Quốc, cha mẹ bắt đầu tập cho con đi vệ sinh ngay sau khi sinh thông qua việc con mặc quần hở đũng. Khi ra ngoài, trẻ có thể ngồi xổm hoặc được cha mẹ hỗ trợ khi cần đi vệ sinh mà không cần hạ quần và thay tã. Vì vậy, trẻ được dạy cách đi vệ sinh nhanh hơn.
Tã đã được sử dụng rộng rãi hơn ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng ở nhiều vùng nông thôn, các bậc cha mẹ vẫn sử dụng quần hở đũng.
Trẻ em ở Nhật Bản sử dụng phương tiện giao thông công cộng một mình từ khi còn nhỏ. Cha mẹ ở xứ sở hoa anh đào tin rằng việc cung cấp cho trẻ nhỏ những kỹ năng cần thiết để chúng tự tìm đường là một điều quan trọng.
Trẻ nhỏ ở Nhật Bản cũng có thể làm những công việc vặt đơn giản. Không có gì lạ khi trẻ em đến tiệm bánh hoặc cửa hàng tạp hóa mua đồ giúp cha mẹ. Các bậc phụ huynh Nhật Bản muốn con cái tự lập.
Trong khi đi học là bắt buộc với trẻ 5 tuổi ở Anh và Úc, các bậc cha mẹ ở Liechtenstein, một quốc gia nhỏ nằm giữa Thụy Sỹ và Áo, có thể chọn không cho con đi học cho đến khi chúng 7 tuổi.
Việc bắt đầu đi học muộn hơn dường như không làm chậm quá trình phát triển giáo dục của trẻ em. Liechtenstein tuyên bố tỷ lệ biết chữ của quốc gia là 100%.
Trẻ sơ sinh ở Bali không được phép chạm đất cho đến khi được ba tháng tuổi. Trong văn hóa Bali, mặt đất được coi là không tinh khiết, và việc để một đứa trẻ sơ sinh trong sáng và vô tội chạm vào mặt đất được coi là điềm xấu.
Khi được ba tháng tuổi, trẻ sơ sinh được cho là đã sẵn sàng đối mặt với những ô uế của thế giới và lần đầu tiên đặt chân lên mặt đất. Gia đình thường tổ chức một buổi lễ đặc biệt cho dịp này.
Nhiều người tin rằng việc nhìn vào mắt trẻ em mỗi ngày giúp tăng khả năng giao tiếp với đứa trẻ và nuôi dưỡng một mối quan hệ đặc biệt. Tuy nhiên, người Kisii (hoặc Gussii) ở Kenya lại có quan điểm khác.
Các bà mẹ Kisii bế con đi khắp nơi nhưng không phản ứng với tiếng khóc hay nhìn thẳng vào mắt chúng. Người Kisii tin rằng khi giao tiếp bằng mắt với ai đó là đang nói họ "Bạn có trách nhiệm", đó không phải là thông điệp mà cha mẹ muốn gửi đến con cái.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn