Phiên 26/10, ngay từ lúc mở cửa, thị trường đã nhanh chóng lao dốc gần 30 điểm về sát mốc 1.050 điểm trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
Tới phiên chiều, sau mọi nỗ lực giằng co, VN-Index chốt phiên với 1.055,45 điểm, giảm hơn 46 điểm, mức rơi mạnh nhất kể từ đợt điều chỉnh 1 tháng trước (22/9).
HNX-Index giảm 5,3% còn 214,98 điểm, UPCoM-Index cũng giảm nhẹ 3,25% còn 82,79.
Toàn sàn ngập trong sắc đỏ, VN-Index có tổng cộng 505 mã giảm trong đó,123 chạm sàn, 31 mã bảo toàn thị giá, chỉ có 24 mã tăng với 1 mã kịch trần – YEG (Tập đoàn Yeah1, HOSE), tăng 6,75%, kịch trần cùng mức giá 17.400 đồng/cp.
Tất cả nhóm ngành đều diễn biến kém tích cực, điển hình là nhóm Chứng khoán, Dầu khí, Hóa chất, Bất động sản.
Nhóm VN30 đóng vai trò kéo thị trường đi xuống khi không một mã nào "thoát nạn", chỉ có BID (Ngân hàng BIDV, HOSE) giảm nhẹ nhất với 0,5%.
2 mã "họ nhà Vin" mới đây làm trụ kéo cả thị trường đi lên khi kết quả kinh doanh quý vừa rồi nhiều khả quan. Tới phiên hôm nay, VIC (Tập đoàn Vingroup, HOSE) và VHM (Vinhomes, HOSE) đột ngột nằm nhóm kéo toàn sàn đi xuống, lấy đi gần 4 điểm. Thậm chí, mã VHM nhanh chóng giảm 6,9% chạm sàn, đạt thị giá 41.800 đồng/cp.
Chung tình cảnh, VRE (Vincom Retail, HOSE), GVR (Tập đoàn công nghệ cao su Việt Nam, HOSE), MSN (Tập đoàn Masan, HOSE), PLX (Tập đoàn Petrolimex, HOSE) cũng đóng cửa giảm sàn.
Nhóm ảnh hưởng đến chỉ số toàn thị trường gần như trắng bên tăng với 0,1 điểm. Ngược lại, nhóm giảm đóng góp tới 24,02 điểm.
Nguyên nhân dẫn đến biến động mạnh, được cho là đến từ lực bán áp đảo của giới đầu tư trong phiên hôm nay, khiến nhiều cổ phiếu trụ bị bán mạnh, giảm sàn.
Điều này xuất phát từ tâm lý bi quan, thận trọng của các nhà đầu tư với thị trường, khi bối cảnh tại sàn liên tục diễn biến khó lường, không có nhiều dấu hiệu tích cực.
Theo ghi nhận, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng bán hết cổ phiếu nắm giữ để thu tiền về. Chị Thu (32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội), một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết: "Chưa bao giờ thấy thị trường khó đoán như bây giờ, do vậy, hôm nay, tôi đã bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ. Có lẽ tôi tạm thời rút khỏi kênh đầu tư này và sẽ quay lại vào thời điểm thị trường ổn định hơn".
Trước diễn biến này, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, thị trường vẫn còn gặp khó khăn với rủi ro suy yếu luôn tiềm ẩn.
Mặc dù vậy, ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này có thể trở thành cơ hội cho lực bắt đáy được đẩy mạnh khi thanh khoản thị trường phiên hôm nay đã tăng đột biến lên 22,1 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với phiên trước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn