125 năm ngày phụ nữ Úc được quyền bầu cử: Bước tiến lớn về bình đẳng giới

09:00 | 06/09/2019;
Tháng 12/2019 đánh dấu 125 năm Ngày phụ nữ Nam Úc giành được quyền bầu cử. Có rất nhiều hoạt động đang được tổ chức nhằm hướng tới dịp kỷ niệm này. Đây là nơi đầu tiên ở Úc cho phép phụ nữ đi bầu cử hoặc ứng cử vào Quốc hội Úc. Thành tựu đó là kết quả sau nhiều năm nỗ lực đấu tranh của cả phụ nữ và đàn ông, cũng là một bước tiến lớn về bình đẳng giới ở Úc.

Bang Nam Úc là vùng đất thứ tư trên thế giới, phụ nữ giành được quyền này. Tuy nhiên, điều đặc biệt là phụ nữ Nam Úc có quyền bầu cử mà không cần có tài sản riêng, không cần chồng bảo lãnh và là cơ hội cho cả những phụ nữ bản xứ (những điều mà các nơi khác chưa đạt được ở thời điểm đó). Các kết quả này không do ai ban tặng mà là thành quả của quá trình mà nhiều nhà nữ quyền đã phải tranh đấu vô cùng gian khổ.

 

Vì sao bầu cử lại quan trọng?

Ở Nam Úc trước năm 1894, chỉ có đàn ông được đi bầu cử (riêng những phụ nữ có tài sản được phép bầu cử từ năm 1861). Rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, cho rằng phụ nữ cũng có quyền bầu cử. Năm 1888, họ đã thành lập Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ với mục tiêu là thuyết phục công chúng rằng phụ nữ nên được bầu cử vì:

- Họ được giáo dục và có trí thông minh

- Việc để một nửa dân số không được bầu cử là không hợp lý

- Phụ nữ cũng đóng thuế, nên họ có quyền bầu cử.

- Những người đàn ông thất nghiệp hay không được đi học vẫn được bầu cử, song những người phụ nữ có học thức và trách nhiệm thì không.

Tuy nhiên, vẫn có những người không muốn điều này. Họ cho rằng phụ nữ không muốn bầu cử, hay họ quá bận làm việc nhà nên không có thời gian.

Đã có rất nhiều buổi tranh luận trước công chúng về quyền bầu cử của phụ nữ. Các nhà hoạt động xã hội đã thu được 11.600 chữ ký của những người ủng hộ phong trào trên toàn Nam Úc. Sau nhiều năm đấu tranh, họ đã thành công khi Dự luật Bầu cử được Quốc hội Nam Úc thông qua vào ngày 18/12/1894, cho phép phụ nữ bầu cử hoặc ứng cử vào Quốc hội.

 

uc.jpg
 

Bối cảnh lịch sử năm 1894

Những người phụ nữ ở Úc được coi là trụ cột tinh thần của gia đình và bị ép theo quan niệm “ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng” như ở các nước châu Á. Toàn bộ tài sản, tiền lương và con cái của họ đều thuộc về nhà chồng. Những người phụ nữ không kết hôn bị cho là nỗi ô nhục và phải sống rất khổ sở.

Khủng hoảng kinh tế ở Úc vào đầu những năm 1890 khiến cho nhiều phụ nữ phải đi làm để hỗ trợ gia đình. Vào năm 1891, 19% số người kiếm tiền chính trong các gia đình là phụ nữ (dù lương của họ vẫn thấp hơn đàn ông). Tuy nhiên, họ chỉ được làm những công việc hầu hạ người khác. Việc này đã thúc đẩy những người phụ nữ đấu tranh đòi quyền lợi ở nơi làm việc, từ đó dẫn đến việc đòi quyền bầu cử.

 

Những phụ nữ đóng góp quan trọng trong chiến dịch đòi quyền bầu cử

1. Mary Lee: Sinh ra ở Ireland vào năm 1821, Mary Lee là người có công lớn trong việc giúp phụ nữ đòi quyền bầu cử ở Úc. Bà luôn cống hiến hết mình cho việc đấu tranh vì quyền bình đẳng xã hội và giới tính của phụ nữ.

 

mary_lee.jpg
 

Năm 1888, bà và một vài thành viên khác của tổ chức Xã hội Trong sạch đã thành lập Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ, tập trung đấu tranh để giành đặc quyền này cho phái nữ. Năm 1894, Mary Lee được đề cử vào một vị trí ở Quốc hội nhưng đã từ chối vì muốn đóng góp cho cộng đồng mà không bị ràng buộc chính trị.

2. Catherine Helen Spence quê ở Scotland, cùng gia đình chuyển đến Úc năm 14 tuổi. Bên cạnh mơ ước trở thành nhà văn, bà còn viết sách giáo khoa cho học sinh. Bà đã giúp đỡ vô số trẻ em nghèo và trẻ mồ côi ở Úc.

 

catherine-helen-spence-2.jpg
 

Năm 1891, Catherine gia nhập chiến dịch đòi quyền bầu cử và sau đó trở thành phó chủ tịch Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ. Bà hướng tới việc giáo dục phụ nữ Úc về mặt chính trị. Bà là ứng cử viên nữ đầu tiên tham gia tranh cử ở Hội nghị Liên bang năm 1897. Catherine qua đời năm 1910.

3. Augusta Zadow: Là người Đức di cư sang Úc, Augusta Zadow là một thành phần quan trọng trong việc thành lập Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ. Bên cạnh vai trò là thủ quỹ, bà còn đi khảo sát ý kiến về lương, sự an toàn và điều kiện làm việc của phụ nữ.

 

aaa.jpg
 

Sau khi từ chức ở Liên minh vào năm 1895, Augusta được đề cử làm thanh tra giám sát ở các nhà máy toàn nước Úc. Sự kiên định và tỉ mẩn của bà trong việc quản lý hệ thống lớn này đã khiến nhiều người kinh ngạc. Bà mất năm 1896.

4. Elizabeth Webb Nicholls là một giáo viên và là mẹ của 7 người con, bao gồm 2 đứa con nuôi. Bà đã giúp Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ thu thập được 8.268 chữ ký trong tổng số 11.600 chữ ký trong đơn kiến nghị đòi quyền bầu cử.

 

elizabeth_webb_nicholls.jpg
 

Bên cạnh đó, Elizabeth còn là một thành viên của Tổ chức Chính trị Phi đảng phái của phụ nữ. Bà quan tâm nhiều đến việc giáo dục giới tính cho trẻ em ở Úc, đồng thời tìm cách cải thiện chất lượng sống cho phụ nữ. Bà mất năm 1943.

5. Serena Thorne Lake sinh năm 1842 ở Anh, nổi tiếng là một nhà truyền giáo năng động, hoạt bát và có vốn kiến thức sâu rộng. Bà được mời đến Adelaide (Úc) thuyết giảng vào năm 1870, từ đó bà quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống của những người phụ nữ ở đây.

 

2.png
 

Serena tin rằng “bình đẳng giới là ý nguyên tác của Tạo hóa”, bà đã có nhiều bài phát biểu trước công chúng và trở thành một trong những người sáng lập ra Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ. Bà mất năm 1902.

6. Rosetta Birks sinh ra vào năm 1856 và lớn lên ở Adelaide, Rosetta Birks là một nhà hảo tâm và là người đấu tranh đòi bình đẳng rất tích cực. Bà tích cực hỗ trợ những người mẹ khó khăn và các nữ công nhân hay tới nhà thờ của mình vào cuối tuần.

 

1.jpg
 

Rosetta còn là một thành viên của tổ chức Xã hội Trong sạch. Bà hỗ trợ cho Liên minh Quyền bầu cử của phụ nữ về mặt tài chính đến khi Dự luật Bầu cử được thông qua vào năm 1894. Bà rất khuyết khích việc để phụ nữ làm việc và đóng góp cho sự phát triển khoa học. Rosetta qua đời trong một buổi họp năm 1911.

7. Mary Colton sinh ra ở London (Anh) vào năm 1822 và chuyển đến Adelaide năm 17 tuổi. Chứng kiến sự đói nghèo và khổ sở nơi đây, bà quyết tâm tìm mọi cách cải thiện đời sống của người dân ở vùng đất này.

 

3a.jpg
 

Mary tham gia Tổ chức Dorcas trợ giúp người nghèo và một số tổ chức hỗ trợ khác. Bà đặc biệt quan tâm tới những người mẹ đơn thân, góa phụ và những người bị bạo hành. Mọi người miêu tả bà là người “năng động, chân thành và dễ mến”. Bà cũng là người thành lập Bệnh viện Nhi Adelaide năm 1876. Mary mất tại nhà riêng vào năm 1898.

Dù 125 năm đã qua nhưng đến nay bang Nam Úc vẫn chưa có lãnh đạo nghị viện là phụ nữ. Khoảng cách về lương giữa nam và nữ hiện vẫn còn 14%, các vấn đề về bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình... vẫn chưa biến mất.

Điều đáng mừng là trong các vị trí lãnh đạo ở khối công, phụ nữ đã đạt 51%. Úc hiện là quốc gia có các chỉ số phát triển giới cao hàng đầu trong số các nước phát triển. Rất nhiều người Úc cho rằng đó là quả ngọt được gieo mầm từ hơn 100 năm về trước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn