14 khuyến nghị để có cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

20:42 | 20/10/2018;
Ngày 20/10, 80 học sinh trường THCS Khương Đình (Hà Nội) đã tham gia diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói năm 2018” và đưa ra các khuyến nghị “Vì một cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.

Diễn đàn do TƯ Hội LHPN Việt Nam, TƯ Đoàn TNCS HCM, Cục trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.

4 vấn đề quan trọng trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ em rất quan tâm được các em lựa chọn vào thảo luận: Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em, bạo lực học đường; Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; Trẻ em với phòng chống ma túy học đường; Nguy cơ của việc xâm hại trẻ em qua môi trường mạng.

Tại diễn đàn, 80 học sinh của trường THCS Khương Đình đã được chia sẻ, trao đổi, thảo luận với đại diện của các cơ quan, ban ngành về các vấn đề mà các em quan tâm. Qua đó, các em được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của mình và đặc biệt hiểu hơn về quyền trẻ em.

my-anh.JPG
Theo Trần Mỹ Anh (Lớp 8A1, trường THCS Khương Đình), những vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng, đặc biệt là bạo lực trên môi trường mạng 

 

Nói về các vấn đề trẻ em quan tâm hiện nay, em Trần Mỹ Anh (Lớp 8A1, trường THCS Khương Đình) chia sẻ: "Em nhận thấy tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn tồn tại. Chúng em được biết nhiều vụ xâm hại trẻ còn chưa được giải quyết thích đáng. Những vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng, đặc biệt bạo lực trên môi trường mạng. Nhiều học sinh bị lừa bởi các thông tin ảo, bị dụ dỗ, lôi kéo với mục đích xấu, thậm chí có bạn bị bắt cóc và xâm hại tình dục. Một vấn đề đáng báo động hiện nay là tình trạng nghiện ma túy vẫn còn gia tăng trong giới trẻ đã tác động rất xấu đến trẻ em và vị thành niên".

Sau khi tham gia thảo luận, các học sinh đã đưa ra thông điệp, khuyến nghị với mong muốn có một cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

5.JPG
Trẻ em bị xâm hại tình dục chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi  

 

Vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

1. Bạo lực không bao giờ là cách giải quyết tốt nhất. Không nên sử dụng bạo lực với trẻ em dưới bất cứ hình thức nào.

2. Hãy chấm dứt những hình phạt bạo lực với trẻ em trong nhà trường. Xây dựng môi trường học tập thân thiện, ngăn ngừa bạo lực học đường.

3. Trẻ em cần mạnh dạn lên tiếng khi mình hoặc bạn mình bị bạo lực, xâm hại, bị lôi kéo sử dụng ma túy và tệ nạn xã hội.

3.JPG
Trong tiểu phẩm, các em cho biết tình trạng nghiện ma túy vẫn còn gia tăng trong giới trẻ đã tác động rất xấu đến trẻ em và vị thành niên 

 

4. Cộng đồng và gia đình, nhà trường phải liên kết chặt chẽ bảo vệ trẻ em. Đừng để trẻ em là nạn nhân của xâm hại dưới mọi hình thức.

5. Cần tạo môi trường an toàn và hòa nhập cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Trẻ em bị xâm hại tình dục chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi, nên hãy bảo vệ, hãy vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

6. Báo chí không nên đưa thông tin chi tiết và cần tôn trọng quyền bí mật đời sống riêng tư khi thông tin về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. 

_dsc9848.JPG
Các em đã đưa ra 14 khuyến nghị với mong muốn có một cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

 

Vấn đề phòng chống tệ nạn ma túy và các chất gây nghiện với trẻ em

7. Cần phải tăng nặng và xử thật nghiêm các hình thức xử phạt đối với các hành vi bạo lực, ép buộc, dụ đỗ lôi kéo trẻ em và các tệ nạn xã hội.

8. Cần tăng cường truyền thông về Quyền của trẻ em, vận động mọi người trong cộng đồng cùng trẻ em chung tay hành động để chấm dứt tệ nạn ma túy

9. Cha mẹ chúng em cũng rất cần được chia sẻ các kiến thức, kỹ năng và nâng cao nhận thức về Quyền trẻ em, về các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, về tệ nạn ma túy và nghiện game online để giúp đỡ trẻ em từ ngay trong mỗi gia đình.

ct.JPG
Các em gửi những khuyến nghị đến các lãnh đạo các cơ quan, ban ngành và mong được xem xét, đáp ứng và phản hồi
 

Vấn đề để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng

10.Internet là con dao 2 lưỡi - sống ảo, hậu quả thật. Cần phải có những chính sách cụ thể vì lợi ích của trẻ em, để tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

11. Hãy để internet là một người bạn tốt

4.JPG
Bản khuyến nghị được lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cùng các em học sinh ký
 

 

12. Các cơ quan quản lý cần thắt chặt an ninh mạng, kiểm duyệt tất cả các thông tin trước khi đăng tải, vô hiệu hóa kịp thời những trang mạng phản cảm, có nội dung xấu.

13. Quản lý chặt chẽ độ tuổi của trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Cung cấp phần mềm quản lý độ tuổi, phát triển bộ lọc thông tin để quản lý thông tin phù hợp với lứa tuổi.

14. Mở thêm các lớp dạy kỹ năng cho trẻ em để tham gia  môi trường mạng an toàn, biết cách tự bảo vệ bản thân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn