16 phụ nữ kể chuyện mình bị quấy rối và xâm hại

15:42 | 04/12/2017;
Đó là chân dung những người phụ nữ tham gia vào cuộc triển lãm mang tên "1001 chân dung nữ thần” với những hành trình phá vỡ rào cản im lặng và phục hồi…

Triển lãm khắc họa chân dung 5 phụ nữ đến từ Australia và 11 phụ nữ đến từ Việt Nam. Đó là những câu chuyện của những phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Lào Cai, Đắk Nông.... Họ từng bị xâm hại tình dục ở nhiều mức độ khác nhau...

img_0464.jpg 
img_0418.JPG

Với Sandy Ngọc Nguyễn, cô bị người thân trong gia đình xâm hại lúc 8 tuổi. Cô đã che giấu câu chuyện của mình suốt 20 năm qua: "Từ lúc đó, mình thay đổi hẳn, không còn ngoan như trước nữa, giống như là một con thú hoang vậy. Bất kể ai nói gì với mình, mình đều muốn đánh họ, chửi họ và hầu như mình rất ghét ai đụng vô mình...".

img_0446.JPG
Sandy Ngọc Nguyễn: "Nhiều lần mình nghĩ đến chuyện tự tử và cũng đã thử tự tử rất nhiều lần"...

Câu chuyện của Nguyễn Thị Thơm, một phụ nữ khuyết tật ở Đắk Nông, lại nhiều lần rơi vào cảnh bị quấy rối, dâm ô. May mắn đã thoát được, nhưng cô thấy “thương cho những người có khiếm khuyết, họ hay trở thành đối tượng bị quấy rối vì không có khả năng tự vệ, lời nói lại không có trọng lượng. Những thành kiến về ngoại hình và hành động làm cho người ta không nghĩ rằng những người có khiếm khuyết lại trở thành mục tiêu”.

img_0466.jpg
Chị Nguyễn Thị Thơm: "Bản thân tôi may mắn vì tôi thoát được được và không bị ám ảnh. Tôi chỉ muốn làm sao cho những người gặp không may cũng biết tìm cách tháo gỡ. Tâm sự thiệt, bây giờ trong ví, túi của tôi luôn có bao cao su, chỉ với một lý do đơn giản là, nếu như có rơi vào tình huống bị cưỡng hiếp không thể thoát, thì hãy bình tĩnh đưa bao cao su cho đối tượng để bảo vệ sức khỏe của bản thân".

img_0462.jpg
Với chị Trang Bùi, "tai nạn" xảy đến bởi người chị vẫn gọi là "anh trai". Chị đã không muốn ai biết về điều đó. Nhưng sau đó, chị đã như lên cơn điên. Chị cảm thấy có cái gì đó trong chị tan vỡ. 
1.JPG
Chị Lila Nguyễn cho biết: "Khoảng cuối năm cấp 3, mình mới biết đến những cụm từ "xâm hại tình dục" và "quấy rối tình dục". Khi đó, mình mới biết gọi tên thứ mình đã trải qua lúc còn nhỏ. Khi đó, mình chỉ ước người lớn xung quanh, gia đình mình đã có thể bảo vệ mình tốt hơn. Mãi tới thời điểm đó mình mới ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho trẻ em"...

Tâm sự về quá trình thực hiện dự án, tác giả của 16 bức chân dung - nữ họa sĩ người Australia Hiratsuka Niki cho biết: “Khi mới tới Việt Nam vào cuối năm 2016, tôi hoàn toàn không nhận thức được những thử thách và trở ngại nằm ở phía trước. Tôi đã mang dự án của mình tới một đất nước nơi không một người phụ nữ nào từng dùng danh tính thật của mình để chia sẻ câu chuyện của họ về sự lạm dụng tình dục, việc giữ thể diện, hình tượng của dòng họ và phẩm giá xoay quanh quan niệm trinh tiết và giá trị của người phụ nữ khiến cho việc công khai câu chuyện của ai đó hầu như là bất khả thi”.

“Dù vậy, tôi đã phát hiện ra những phụ nữ, từng người một, sẵn sàng để bước lên phía trước và đẩy lùi những rào cản, bất chấp tất cả mọi thứ. Hầu hết bọn họ đều lo ngại cho an nguy của thế hệ trẻ em tương lai tại Việt Nam. Sự che chở dành cho các em gái chỉ có thể được bảo đảm bằng nhận thức, giáo dục, và hiểu biết sâu xa hơn về vấn đề này. Do đó, họ phá vỡ sự im lặng của mình”, Niki nói.

img_0413.JPG
Thông điệp Niki muốn gửi gắm qua dự án nghệ thuật này là muốn xã hội có cái nhìn cởi mở với vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục, để mọi người có những hành động chấm dứt và phòng ngừa vấn nạn này.
Triển lãm “1001 chân dung nữ thần” của nữ họa sĩ Australia Hiratsuka Niki với 16 chân dung phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục, cùng hành trình “Con người và nơi chốn” của cô ở Việt Nam diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, đến hết ngày 6-12/2017.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn