17 dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp cần thăm khám càng sớm càng tốt

15:58 | 30/10/2024;
Tuyến giáp bị rối loạn chức năng có thể gây ra các bệnh như cường giáp, suy giáp, bướu cổ hay sự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp dẫn tới ung thư tuyến giáp,...

Tùy thuộc vào mỗi tình trạng bệnh tuyến giáp mà các dấu hiệu bệnh tuyến giáp sẽ có sự khác biệt. Nhưng nhìn chung, khi tuyến giáp bị rối loạn chức năng sẽ gây ra một số triệu chứng ở tuyến giáp dưới đây.

1. Các bệnh tuyến giáp thường gặp

Tuyến giáp là gì? Tuyến giáp là một trong những cơ quan quan trọng của hệ thống nội tiết, là tuyến nội tiết lớn nhất có hình dạng như con bướm. Tuyến giáp gồm có hai thùy là thùy trái và thùy phải, hai thùy này được nối với nhau bằng eo tuyến giáp.

Tuyến giáp nằm ở đâu? Vị trí của tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, tương ứng với đốt sống cổ số 5 tới đốt sống ngực số 1. Ở phía trước của tuyến giáp là da và cơ thịt, còn ở phía sau của tuyến giáp là khí quản.

17 dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp cần thăm khám càng sớm càng tốt- Ảnh 1.

Tuyến giáp là một trong những cơ quan quan trọng của hệ thống nội tiết (Ảnh: ST)

Chức năng của tuyến giáp rất quan trọng, bao gồm: Tăng cường hoạt động trao đổi chất của cơ thể (như hoạt động của tế bào, chuyển hóa glucid, chuyển hóa lipid, tạo năng lượng); hỗ trợ kích thích hoạt động của tim (tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu tới tim, tăng co bóp tim); hỗ trợ trăng trưởng và phát triển của cơ thể (não bộ và hệ thần kinh); ổn định mức canxi trong máu; tác động tới hoạt động cảu tuyến sữa và tuyến sinh dục;...

Các bệnh tuyến giáp thường gặp có thể kể đến như: Cường giáp, suy giáp, bướu nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, u tuyến giáp lành tính, viêm tuyến giáp,...

2. Các dấu hiệu bệnh tuyến giáp phổ biến

Mỗi một bệnh tuyến giáp thì các biểu hiện bị tuyến giáp gặp phải sẽ khác nhau. Chẳng hạn tuyến giáp hoạt động quá mức (còn gọi là cường giáp) có thể gây ra tình trạng nhạy cảm với nhiệt, gây sụt cân và dẫn đến tiêu chảy. Ngược lại, tuyến giáp hoạt động kém (còn gọi là suy giáp) có thể dẫn tới hiện tượng cơ thể nhạy cảm với lạnh, tăng cân và bị táo bón.

Bất kỳ triệu chứng nào trong số này và các dấu hiệu bệnh tuyến giáp khác cũng có thể là biểu hiện sớm bệnh tuyến giáp. Dưới đây là 17 triệu chứng có thể có của các vấn đề về tuyến giáp, những điều cần biết về một số dấu hiệu bệnh tuyến giáp phổ biến và thời điểm cần liên hệ với bác sĩ.

17 dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp cần thăm khám càng sớm càng tốt- Ảnh 2.

Các dấu hiệu bệnh tuyến giáp khác nhau ở mỗi loại bệnh (Ảnh: ST)

- Sương mù não cảnh báo triệu chứng suy giáp

Sương mù não, hay còn được gọi là "brain fog" trong tiếng Anh, là một thuật ngữ không chính thức được dùng để mô tả tình trạng không rõ ràng, mơ hồ trong tư duy và nhận thức. Người có triệu chứng sương mù não thường cảm thấy thiếu sự tập trung, khó ghi nhớ và gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin; năng lượng thấp; buồn ngủ.

Có nhiều nguyên nhân gây sương mù não khác nhau, trong đó có bệnh tuyến giáp, cụ thể là dấu hiệu suy giáp. Các triệu chứng sương mù não thậm chí có thể kéo dài ngay cả khi nồng độ hormon tuyến giáp của bạn ổn định ở mức bình thường.

- Thay đổi khẩu vị

Hormon tuyến giáp can thiệp tới sự thèm ăn của cơ thể. Bệnh cường giáp có thể khiến người bệnh luôn có cảm giác thèm ăn, ngay cả khi triệu chứng cường giáp phổ biến là sụt cân. Ngược lại, bệnh suy giáp lại gây ra cảm giác chán ăn.

Việc thay đổi khẩu vị có thể gây ra tình trạng thay đổi cân nặng thất thường. Lúc này, bạn nên thăm khám bác sĩ để loại trừ là dấu hiệu bệnh tuyến giáp hoặc cũng có thể là dấu hiệu ung thư,...

17 dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp cần thăm khám càng sớm càng tốt- Ảnh 3.

Hormon tuyến giáp can thiệp tới sự thèm ăn của cơ thể (Ảnh: ST)

- Đại tiện thường xuyên hoặc tiêu chảy

Tuyến giáp của bạn có liên quan chặt chẽ đến quá trình tiêu hóa. Cụ thể, hoạt động của tuyến giáp thúc đẩy hoạt động của các tế bào cơ trơn và niêm mạc thành ống tiêu hóa từ đó kích thích nhu động đường ruột. Tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây ra tình trạng đi tiêu thường xuyên hoặc tiêu chảy.

- Táo bón

Dấu hiệu bệnh tuyến giáp không chỉ là tiêu chảy. Nếu tuyến giáp hoạt động kém, hoạt động nhu động ruột giảm dẫn tới táo bón (quá trình tiêu hóa chậm lại).

- Tăng cân

Hormon tuyến giáp can thiệp vào quá trình trao đổi chất của tế bào và cơ thể, do vậy mà việc hormon tuyến giáp suy giảm hoặc tăng cường có thể dẫn tới tăng cân hoặc giảm cân. Cụ thể, triệu chứng suy giáp là tăng cân do quá trình trao đổi chất kém, và ngược lại, cường giáp có thể gây giảm cân. Tuy nhiên, tăng cân quá mức hiếm khi xảy ra ở bệnh nhân suy giáp.

- Giảm cân

Dấu hiệu bệnh cường giáp phổ biến là tăng cân, ngay cả khi lúc nào bạn cũng cảm thấy thèm ăn. Điều này được giải thích là do quá trình trao đổi chất hoạt động ở mức cao do tuyến giáp hoạt động quá mức. Mức độ sụt cân sẽ liên quan tới mức độ nghiêm trọng của tình trạng cường giáp. Nếu tuyến giáp chỉ hoạt động "hơi quá mức" thì bạn có thể sẽ không thấy cân nặng dao động nhiều.

- Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh

Hoạt động của tuyến giáp ảnh hưởng tới cách cơ thể cảm nhận nhiệt độ. Một trong những dấu hiệu bệnh tuyến giáp là không chịu được lạnh, do suy giáp dẫn tới hoạt động cơ thể chậm lại, các tế bào có quá ít năng lượng để đốt cháy và duy trì thân nhiệt.

- Nhạy cảm với nhiệt

Cường giáp khiến tuyến giáp hoạt động quá mức, các tế bào thay vì có quá ít năng lượng thì lại sản xuất quá nhiều năng lượng dẫn tới tình trạng nhạy cảm với nhiệt độ cao.

- Khó ngủ

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến các triệu chứng tuyến giáp bao gồm mất ngủ, hội chứng chân không yên và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Rối loạn tuyến giáp không được điều trị có thể khiến các vấn đề về giấc ngủ này trở nên tồi tệ hơn. Cụ thể:

+ Mất ngủ: Nồng độ hormon tuyến giáp cao gây khó khăn để vào giấc và duy trì giấc ngủ liền mạch. Ngoài ra, cường giáp cũng có thể khiến các tình trạng như lo lắng và trầm cảm trở nên tồi tệ hơn, điều này cũng một phần ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Suy giáp không liên quan trực tiếp đến chứng mất ngủ nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ bằng cách làm cho các tình trạng khác trở nên tồi tệ hơn. Cảm thấy khó chịu do đau cơ và khớp nghiêm trọng do tuyến giáp hoạt động kém có thể khiến bạn khó có được giấc ngủ chất lượng.

+ Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Theo Health, nhiều người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng bị suy giáp, nhưng tới hiện tại vẫn chưa rõ cơ chế chính xác mà hai tình trạng này có liên quan như thế nào.

+ Hội chứng chân không yên: Cường giáp và suy giáp đều có thể góp phần gây ra hội chứng chân không yên. Việc ổn định nồng độ hormon tuyến giáp có thể làm giảm triệu chứng của tình trạng này.

- Da, móng tay hoặc tóc khô xơ hơn

Dấu hiệu bệnh tuyến giáp có thể ảnh hưởng tới da, móng tay hoặc tóc. Chẳng hạn như:

+ Móng tay giòn, dễ gãy, dễ vỡ vụn, bị cong, có gờ móng dày lên phía trên móng tay hoặc ngược lại.

+ Những thay đổi về tốc độ mọc của móng tay như móng tay mọc chậm hơn.

+ Những nếp nhăn sâu trên lòng bàn tay và lòng bàn chân.

+ Da đổi màu, da nhợt nhạt, khô hoặc ngứa ngáy.

+ Vết thương chậm lành hơn.

+ Tóc khô, xỉn màu, dễ gãy rụng và mọc chậm hơn; thậm chí là rụng tóc, hói từng mảng.

+ Da đầu khô ngứa, nhiều gàu bất thường.

- Mệt mỏi

Tuyến giáp tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể, từ hô hấp và nhịp tim đến cân nặng, tiêu hóa và tâm trạng. Khi hệ thống này không ổn định, không có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng hơn bình thường.

Mệt mỏi có thể là dấu hiệu bệnh tuyến giáp như suy giáp, cường giáp dẫn tới các ảnh hưởng cả về mặt thể chất và tinh thần. Chú ý, nếu cơ thể vẫn cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ thì cần thăm khám kiểm tra tuyến giáp sớm.

- Các vấn đề về tim

Tim đập nhanh có thể khiến bạn cảm thấy tim mình rung lên khi đập trong lồng ngực, bỏ qua một hoặc hai nhịp hoặc đập quá mạnh hay quá nhanh.

Theo Health, có khoảng 10 - 25% người bị cường giáp có nhịp tim nhanh do quá nhiều hormon tuyến giáp. Suy giáp cũng có thể gây ra những tác động khác nhau lên tim như: Hẹp mạch máu, sưng tấy do giữ nước, huyết áp cao, nồng độ cholesterol cao, nhịp tim chậm.

Nếu các triệu chứng không được điều trị, người bệnh tuyến giáp có thể đối mặt với nguy cơ suy tim.

- Sự xuất hiện của khối u trong cổ

Một cục u trong cổ có thể là dấu hiệu u tuyến giáp lành tính hoặc cũng có thể là khối u ung thư tuyến giáp. Khi khối u xuất hiện trong cổ, bạn có thể cảm thấy giọng nói bị thay đổi, khó nuốt, cảm thấy đau cổ khi nuốt hoặc khàn giọng không thuyên giảm.

Tuyến giáp cũng có thể trông to tới mức nhìn cổ như bị sưng lên và gọi là bướu cổ. Bướu cổ có thể là dấu hiệu của cường giáp hoặc suy giáp.

- Thay đổi tâm trạng

Khi nồng độ hormon tuyến giáp thay đổi, tâm trạng cũng có sự "lên, xuống" thất thường. Người mắc bệnh cường giáp có thể dễ bị căng thẳng, cáu kỉnh và khó chịu hơn. Trong khí đó, bệnh nhân bị suy giáp dường như có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.

- Yếu cơ, đau cơ, teo cơ

Đau cơ sau khi tập thể dục hay các hoạt động thể chất cường độ cao là điều bình thường và cơn đau yếu cơ này sẽ biến mất sau khi cơ được nghỉ ngơi và phục hồi. Tuy nhiên tình trạng yếu cơ, đau cơ đột ngột không rõ nguyên nhân cũng có thể liên quan tới dấu hiệu bệnh tuyến giáp.

Chẳng hạn, cường giáp có thể khiến người bệnh cảm thấy yếu cơ, đau cơ và teo cơ ở vai hoặc vùng xương chậu. Bệnh suy giáp cũng có thể ảnh hưởng tới các cơn đau cơ khớp. Nếu không được điều trị, các cơ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hạn chế phạm vi chuyển động.

- Rối loạn chức năng sinh sản, chức năng sinh dục

Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây ra nhiều tác động tới hệ thống sinh sản và ngược lại. Phụ nữ sau sinh hoặc mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn.

Tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Do đó, chu kỳ kinh có thể biến động ở nhiều mức độ khác nhau như: Nặng, nhẹ hoặc bất thường nếu hormone tuyến giáp quá nhiều hoặc quá ít. Bên cạnh đó, bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng đến sinh sản nữ giới do nó có thể gây vô kinh, tắc kinh trong khoảng thời gian dài. Bạn cũng có thể mãn kinh sớm, trước 40 tuổi, nếu bạn bị bệnh tuyến giáp.

Đối với nam giới, sự lên xuống của hormon tuyến giáp ảnh hưởng tới testosterone, gây rối loạn chức năng sinh dục ở nam giới, rối loạn cương dương, rối loạn sinh tinh,...

- Các vấn đề khi mang thai

Vì bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, nên nó cũng ảnh hưởng đến thời điểm rụng trứng. Suy giáp có thể gây ra tình trạng dư thừa prolactin, hormone tạo ra sữa mẹ. Prolactin dư thừa có thể ngăn ngừa rụng trứng, gây khó khăn nếu đang cố gắng thụ thai

Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ đang mang thai có thể làm tăng rủi ro gặp các biến cố thai kì như sinh non, tiền sản giật, suy tim, nhiễm độc giáp cấp, suy tim xung huyết, chảy máu sau sinh,...

17 dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp cần thăm khám càng sớm càng tốt- Ảnh 4.

Cách kiểm tra tuyến giáp tại nhà (Ảnh: ST)

3. Cách kiểm tra tuyến giáp tại nhà

Để kiểm tra tuyến giáp tại nhà, hãy nhìn vào cổ để xem bạn có thể phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng sưng tuyến giáp hay không. Cụ thể:

- Sử dụng gương cầm tay và quan sát vùng cổ phía trên xương đòn và dưới thanh quản theo hướng chính diện.

- Từ từ ngửa đầu ra sau và quan sát sự thay đổi ở vùng cổ (nếu có).

- Uống một ngụm nước rồi nuốt xuống, trong khi vẫn quan sát vùng tuyến giáp (cổ).

Bất kỳ một sự phình to lên của cổ hoặc khối u lồi ra bất thường,... đều cần thăm khám bác sĩ sớm. Không phải tất cả các triệu chứng tuyến giáp đều xuất hiện ngay lập tức. Các dấu hiệu của bệnh suy giáp có thể phát triển chậm và có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới xuất hiện.

Hãy nhớ rằng, có một trong những dấu hiệu bệnh tuyến giáp kể trên không có nghĩa là bạn mắc bệnh này. Trong mọi trường hợp, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc sức khỏe để được chẩn đoán chính xác bệnh tuyến giáp hay là biểu hiện của bệnh lý khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn