Đó là con số được Tổng cục Hải quan thống kê từ ngày 1/12/2017 đến 31/1/2018, đạt mức tăng trưởng tới 46,8% so với dịp trước Tết Nguyên đán 2017. Theo đó, các thị trường chính cung cấp hoa cho Việt Nam đều có kim ngạch tăng rất mạnh, tiêu biểu như: Thị trường Hà Lan với hơn 5 triệu USD, tăng 76%; thị trường Trung Quốc đạt 3,6 triệu USD, tăng 80,8% so với dịp Tết năm trước. Một số thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, New Zealand, Nhật Bản... cũng có mức tăng trưởng đáng kể.
Các loại hoa, cây cảnh dạng cây sống, dạng thân cây sống như cây hoa lan, cây hoa đỗ quyên, cây vạn niên thanh, cây tùng cảnh, cây hoa đào, cây hoa mai… được nhập khẩu nhiều nhất, với kim ngạch 7,9 triệu USD, chiếm 43,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của 2 tháng qua.
Đặc biệt, năm nay có một số loại hoa và cây cảnh mới xuất hiện trên thị trường và được nhiều người ưa chuộng dù có giá rất cao như đào thất thốn xuất xứ Trung Quốc, có giá bán từ vài triệu tới hơn 100 triệu đồng, “gây sốt” thị trường miền Bắc suốt mấy tuần gần đây.
Trong khi đó, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, các loại hoa dạng cành dịp Tết năm nay đạt kim ngạch nhập khẩu trên 2,4 triệu USD, giảm nhẹ so với 2,5 triệu USD của Tết năm trước. Mặt hàng này chủ yếu là cành hoa phong lan tươi có xuất xứ từ Thái Lan (2,2 triệu USD).
Lượng hoa nhập khẩu trước Tết Mậu Tuất tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái được lý giải một phần là do ngày Lễ Tình yêu năm nay rơi vào ngày 29 Tết, nên bên cạnh việc phục vụ nhu cầu sử dụng trong dịp Tết, lượng hoa ngoại được nhập về phục vụ cho “sự kiện tình yêu” cũng rất lớn.
Nhu cầu sử dụng hoa và cây cảnh nhập ngoại trở nên phổ biến với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Mặc dù có giá đắt đỏ hơn hẳn so với hoa và cây cảnh trong nước, song nhóm sản phẩm này vẫn được một số người săn lùng để làm quà biếu, bên cạnh phân khúc khách hàng có thu nhập cao mua để gia đình chưng Tết.