Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa đẻ A2, cũng là người trực tiếp đứng ca mổ cho sản phụ nhiễm HIV chia sẻ: Sau ca phẫu thuật này, nhiều người trách chúng tôi vi phạm quy trình cấp cứu, phẫu thuật. Có người còn cho rằng chúng tôi nhận tiền của bệnh nhân nên liều thế. Nhưng có đặt mình vào hoan cảnh ấy mới hiểu, chúng tôi lúc đó chỉ nghĩ cứu người bằng mọi cách, không kịp nghĩ đến bất kỳ điều gì khác
Nhớ lại ca phẫu thuật hy hữu ngày 4/7, bác sĩ Khải cho biết, khi đó anh vừa đưa con đến lớp học thêm buổi tối thì nhận được điện thoại từ Bệnh viện thông báo có bệnh nhân ngưng tim, xuất huyết âm đạo mạnh, rất nguy kịch vừa vào viện.
“Thật may lúc đó tôi đã sẵn sàng trên xe, chỗ học thêm của con lại ngay gần bệnh viện, nên kịp thời có mặt. Khi đến bệnh viện, thấy tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, chúng tôi không còn thời gian để chần chừ. Cả kíp trực quyết định thực hiện ca mổ ngay trong phòng cấp cứu. Khi ca mổ gần kết thúc, chúng tôi mới nhận được xét nghiệm bệnh nhân nhiễm HIV. Khoảnh khắc đó, ca kíp mổ đều tĩnh lại vài giây, vì cả 18 y bác sỹ tham gia cấp cứu, phẫu thuật đều có tiếp xúc với bệnh nhân còn đang dính máu nhưng chẳng ai bảo ai, tất cả vẫn lặng lẽ, khẩn trương làm nốt các phần việc của ca phẫu thuật”.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải đang thăm khám cho một sản phụ
Ngay sau ca phẫu thuật đó, kíp mổ đã được cấp thuốc uống để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Trong thời gian uống thuốc dự phòng, hầu hết các y, bác sĩ đều phải chịu các tác dụng phu của thuốc như tiêu chảy, đau bao tử, mất ngủ, ói, nổi mụn...
“Điều làm chúng tôi hụt hẫng lớn khi không ít bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện đã xin chuyển viện, có bệnh nhân dự kiến vào viện sinh đẻ cũng rời sang viện khác. Thời gian gần đây, số người đến khám, sinh nở và điều trị mới tăng trở lại nhưng vẫn chưa được như trước” – bác sĩ cho hay.